Sự kiện hot
10 năm trước

Kim ngạch xuất khẩu cao su có thể giảm mạnh tới 30%

Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, năm nay, sản lượng cao su xuất khẩu ước đạt 1 triệu tấn, với giá trị khoảng 1,8 đến 2 tỷ USD.


Công nhân khai thác mủ cao su. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

So với năm 2013, sản lượng cao su xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhưng kim ngạch có thể giảm mạnh từ 25 đến 30%. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn tăng chậm, trong khi nguồn cung tăng nhanh do nhiều nước đã mở rộng diện tích cao su trong thời kỳ giá cao, cung vượt cầu, làm cao su có tồn dư từ cuối năm 2012 đã tạo áp lực giảm giá sâu trong những tháng đầu năm nay.

Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, giá cao su sẽ tiếp tục đà giảm trong dài hạn. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trong giai đoạn tới sẽ càng ngày càng gay gắt hơn, người mua trở lên khó tính hơn và chỉ ưu tiên chọn lựa những nguồn cao su có chất lượng ổn định.

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Nguyên nhân chính do chất lượng không ổn định, không đồng đều, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng, chủ yếu ở bộ phận cao su tiểu điền. Do vậy, các nhà nhập khẩu chỉ mua với giá thấp hơn thị trường khu vực.

Hầu hết các chủng loại cao su xuất khẩu đều giảm cả về lượng và giá trị. Cơ cấu sản phẩm cao su có xu hướng giảm chủng loại số lượng lớn như SVR 3L và cao su hỗn hợp; các chủng loại có giá trị cao như SVR CV60, Latex và SVR 10 đang được các nhà sản xuất lốp xe ưa chuộng gần đây.

Dự báo, sản lượng cao su sản xuất trong nước năm nay đạt 980.000 tấn, tăng 3,2% so với năm ngoái. Do giá cao su vẫn ở mức thấp, gần sát với giá thành nên không khuyến khích người sản xuất thâm canh tăng sản lượng mà chỉ đầu tư tối thiểu để giảm giá thành.

Sau 8 tháng, xuất khẩu cao su đạt 548.000 tấn, với giá trị đạt 989 triệu USD, giảm 9,8% về khối lượng và giảm 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, Trung Quốc giảm 21% về khối lượng và giảm 40,25% về giá trị; Malaysia giảm 13,72% về khối lượng và giảm 40% về giá trị.

Bích Hồng
theo Vietnam+

Từ khóa: