Kinh Bắc đang sở hữu 86,54% vốn tại Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập và ghi nhận là đầu tư vào công ty con, đơn vị có địa chỉ tại 531E Khu phố 5, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Long An và hoạt động chính là kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC - sàn HoSE) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án vay vốn liên quan là Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập.
Tính tới 30/9/2022, Kinh Bắc đang sở hữu 86,54% vốn tại Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập và ghi nhận là đầu tư vào công ty con, đơn vị có địa chỉ tại 531E Khu phố 5, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Long An và hoạt động chính là kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Mục đích vay nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn mức vay là 110 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm và hình thức vay là tín chấp.
Mới đây, Tỉnh Long An mới đây đã trao quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho 4 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 1.770 ha, tổng vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án do công ty con của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) làm nhà đầu tư.
Cụ thể, dự án thứ nhất là KCN Tân Tập quy mô 654ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Long An (công ty con do Tổng công ty Phát tiển đô thị Kinh Bắc nắm giữ 60% vốn điều lệ tại thời điểm 30/9/2022).
Dự án thứ hai là KCN Lộc Giang quy mô 466ha (xã Tân Mỹ, xã An Ninh Đông và Lộc Giang, huyện Đức Hòa) với số vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn - Tây Bắc (công ty con do Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc nắm giữ 74,3% vốn điều lệ tại thời điểm 30/9/2022).
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, nhóm Kinh Bắc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 2 KCN quy mô 1.120ha với tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng tại Long An.
Kinh Bắc cũng cho biết thêm, trước đó, ngày 17/11, lãnh đạo tỉnh Long An và Tổng giám đốc công ty - bà Nguyễn Thị Thu Hương đã có buổi tiếp và làm việc với Tập đoàn Tripod (Đài Loan) đến tìm hiểu môi trường đầu tư.
Tập đoàn Tripod thành lập vào năm 1998, hoạt động về lĩnh vực công nghệ cao, trong đó chủ yếu nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bo mạch điện tử PCB. Với mong muốn tạo thành một hệ sinh thái PCB, ông Michael Lu, đại diện Tập đoàn Tripod cho biết, đơn vị đang có nhu cầu đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Cũng tại tỉnh Long An, ngoài hai KCN trên, nhóm Kinh Bắc cũng có KCN Nam Tân Lập (quy mô 245ha), Cụm công nghiệp Tân Lập (quy mô 72ha), Cụm công nghiệp Phước Vĩnh Đông 1; 2; 4 (quy mô lần lượt là 50ha, 48ha, 50ha).
Thông tin trước đó từ Vietcombank Securities (VCBS), trong giai đoạn tới, Kinh Bắc định hướng mở rộng mạnh quy mô đầu tư tại các khu vực công nghiệp mới nổi như Hưng Yên, Hải Dương và Long An.
Đặc biệt, tỉnh Long An được kỳ vọng sẽ trở thành trọng điểm phát triển mới của Kinh Bắc với nhiều dự án quy mô lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư và có thể bắt đầu triển khai mạnh từ năm 2023.
Theo VCBS, quỹ đất phát triển công nghiệp – đô thị của Kinh Bắc tại Long An dự kiến sẽ đạt 2.000 - 3.000ha ngay trong giai đoạn 2 - 3 năm tới.
Với giá thuê KCN trong khu vực hiện đang ở mức khá tốt (130-140 USD/m2), các dự án tại Long An được kỳ vọng sẽ là nguồn đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh trong chu kỳ kinh doanh tiếp theo.
Hồ Quân
Theo KTDU