Sự kiện hot
13 năm trước

Kinh doanh đồng giá: lỗ 1 để lãi 9

Giới chuyên gia cho rằng bán hàng theo mô hình đồng giá là lựa chọn nhạy bén và có thể coi đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

Giới chuyên gia cho rằng bán hàng theo mô hình đồng giá là lựa chọn nhạy bén và có thể coi đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.


Trong những cửa hàng kinh doanh theo mô hình đồng giá, thông thường có khoảng 10% lượng hàng có giá bằng hoặc lớn hơn giá bán ra, còn lại 90% là những mặt hàng có giá chỉ bằng khoảng 1/2 mức giá bán.

Siêu thị Daiso trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM có gần 90.000 sản phẩm, từ đồ làm bếp cho đến vật dụng trang trí hay mỹ phẩm... Tất cả các món hàng nơi đây đều chỉ bán với một giá duy nhất: 40.000 đồng/sản phẩm.

Mô hình tốt

Là chuỗi cửa hàng được nhượng quyền từ Daiso Nhật nên Daiso Việt Nam giữ hầu như toàn bộ những đặc điểm của chuỗi cửa hàng đồng giá 100 yen lớn nhất nước Nhật. Cũng như hơn 4.500 cửa hàng Daiso trên khắp thế giới, Daiso Việt Nam có khoảng 30-40% hàng hóa xuất xứ từ Nhật, số còn lại có thể là hàng có xuất xứ từ nước khác như Trung Quốc, Việt Nam.

Bà Nguyễn Thùy Trang, Giám đốc Điều hành Daiso Việt Nam, cho biết Daiso có khả năng phát triển nhờ vào việc thu lợi nhuận từ số lượng tiêu thụ lớn.

Một chuyên gia kinh tế từng làm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp đồng giá trên thế giới cho rằng đây là mô hình tốt. Theo ông, bán hàng theo mô hình đồng giá là lựa chọn nhạy bén và có thể coi đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Ông này lấy ví dụ những doanh nghiệp bán hàng đồng giá tại Canada như Onedollarshop hiện làm ăn rất tốt và nhận xét doanh nghiệp kinh doanh đồng giá đạt biên lợi nhuận rất lớn. Trong những cửa hàng kinh doanh theo mô hình đồng giá, thông thường có khoảng 10% lượng hàng có giá bằng hoặc lớn hơn giá bán ra, còn lại 90% là những mặt hàng có giá chỉ bằng khoảng 1/2 mức giá bán. Họ chấp nhận lỗ một khoản nhất định trên 10% lượng hàng hóa kia nhưng bù lại sẽ thu lợi nhuận từ 90% lượng hàng hóa còn lại.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Khảo sát những doanh nghiệp hiện kinh doanh hàng đồng giá tại Việt Nam mới thấy hầu hết đều xuất xứ từ Nhật. Doanh nghiệp Việt cũng nhiều lần xây dựng những cửa hàng kinh doanh đồng giá với quy mô nhỏ hơn nhưng đều nhanh chóng thất bại. Chỉ có những cửa hàng có tính đặc thù như chuyên bán hàng thủ công phục vụ cho khách du lịch và khách hàng trẻ tuổi là còn tồn tại đến nay. Người tiêu dùng luôn bị hấp dẫn bởi mức giá khá thấp mà các cửa hàng đồng giá đưa ra. Vấn đề là liệu doanh nghiệp có thể vạch ra được chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng thế mạnh của mô hình này hay không?

Theo bà Trang, doanh nghiệp kinh doanh hàng đồng giá tại Việt Nam cần tính toán xem tỉ lệ hàng hóa như thế nào là hợp lý. Phải xem xét thực tế để quyết định tỉ lệ phù hợp tại thị trường Việt Nam là lỗ 10% để lãi 90% hay bao nhiêu? Hơn nữa, cũng như kinh doanh bán lẻ, siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh hàng đồng giá phải xây dựng đủ số lượng cửa hàng để tiếng nói của mình có sức mạnh đối với những nhà cung cấp và đạt được mức giá tốt nhất có thể.

Theo Nhip cau dau tu

Từ khóa: