Sự kiện hot
13 năm trước

Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm - Kỳ 3: “Ảo thuật” dầu DO, FO

Đầu tư bãi pha chế dầu bẩn với quy mô lớn, một số doanh nghiệp vận tải đã xây dựng cả một “quy trình” tái chế, sang chiết, pha chế dầu “bẩn” hoạt động ầm ào suốt ngày đêm.

Đầu tư bãi pha chế dầu bẩn với quy mô lớn, một số doanh nghiệp vận tải đã xây dựng cả một “quy trình” tái chế, sang chiết, pha chế dầu “bẩn” hoạt động ầm ào suốt ngày đêm.

Trong nhiều tuần “nằm vùng” tại Q.7, TP.HCM, chúng tôi phát hiện bên cạnh những “điểm pha chế” xăng dỏm trên đường Đào Trí còn có một khu vực rộng cả chục ngàn mét vuông của doanh nghiệp Tấn Phong lúc nào cũng tấp nập xe bồn ra vào. Điều khác biệt là trong khi ở những nơi khác, xe bồn chỉ ghé vào 15 - 20 phút rồi phóng đi giao hàng, thì xe vào bãi của Tấn Phong thường “cố thủ” đến hàng giờ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp này có một đội xe bồn hùng hậu hàng chục chiếc để chở dầu DO, FO, chủ yếu mang đầu số 57K, biển số đều vào loại đẹp. Ngay cả những ngày các “bãi đáp” xung quanh thưa thớt xe đến “làm bùa” thì Tấn Phong vẫn nhộn nhịp xe ra vào.

Thâm nhập “căn cứ” dầu bẩn

Sát bãi đỗ này có một con kênh chạy ngang, nên chúng tôi phải canh thời điểm con nước xuống, men dọc tường, đi sâu ra phía sau để tiếp cận bãi nấu dầu. Mặc dù vậy, việc tiếp cận vẫn rất khó khăn vì tường bao kiên cố cao tới 3 mét. Bên trên gắn hàng rào sắt sắc nhọn, xung quanh cũng không có điểm tựa nào để leo vào. Sau nỗ lực vượt tường, chúng tôi nhảy xuống một bãi đất trống nhưng vẫn phải vượt thêm một bức tường nữa được xây chắn bên trong thì mới có thể quan sát hoạt động của xe bồn. Điểm đáng chú ý của bãi này là từ xa đã có thể nghe thấy tiếng máy phát nổ ầm ầm. Đập vào mắt chúng tôi là khoảng gần chục bồn chứa khổng lồ, mỗi bồn cao gần 2 mét, rộng 10 mét xếp san sát nhau. Từ khu vực bồn chứa này có một ống khói nối thẳng ra bên ngoài tường, không ngừng xả khói đen ngòm về phía dòng kênh. Trong vòng nửa tiếng, hàng chục lượt xe bồn tới tấp chở dầu về đây, rồi xả vào các bồn chứa. Một người đàn ông ngồi trên nóc bồn, quan sát việc nấu dầu thông qua nắp bên trên bồn chứa. Việc nấu dầu, pha trộn dầu kéo dài vài tiếng đồng hồ, sau đó, vài thanh niên bên dưới kéo những ống xả lớn nối từ các bồn bắt đầu nấu bơm dầu vào xe. Sau đó, lần lượt từng xe bồn rời “bãi pha chế” để đi giao hàng cho các cây xăng, xí nghiệp, nhà máy.

Petrolimex đề nghị khởi tố vụ án

Trao đổi với Thanh Niên chiều 10.1, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết các nhân viên trực thuộc hai công ty cổ phần của Petrolimex tại TP.HCM là Công ty cổ phần vận tải xăng dầu Petrolimex và Công ty cơ khí xăng dầu (Petrolimex nắm khoảng 30% vốn điều lệ) đã thừa nhận rút xăng dầu. Nhưng theo ông Dũng, trong báo cáo giải trình gửi về tập đoàn, các nhân viên này chỉ khẳng định rút ruột xe chở xăng mà không nói pha gì thêm vào xăng.

“Việc có pha hay không phải điều tra để làm rõ. Petrolimex đã đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án. Chúng tôi xác định trước tiên đây là hành vi ăn cắp. Sau khi điều tra sẽ xác định rõ trách nhiệm”, ông Dũng nói và khẳng định, Petrolimex có quy trình giao nhận chặt chẽ từ kho về tới cửa hàng, công đoạn nào, cá nhân nào sai phạm khi điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm.

"Hóa dầu"

Tận mắt chứng kiến "công nghệ" pha chế dầu bẩn chúng tôi mới hiểu lý do, xe bồn phải "cố thủ" hàng giờ trong bãi. Việc "chế biến" dầu bẩn phức tạp hơn nhiều so với xăng dỏm, doanh nghiệp nấu dầu “lụi” thường thu gom các loại dầu thải, nhớt thải (nhất là từ súc rửa các tàu biển lớn) nấu, sang chiết thành loại dầu DO kém chất lượng rồi pha với dầu sạch. Thậm chí, để tăng lợi nhuận, họ còn gom cả chất thải từ bãi rác, rồi nấu, lọc thành một hỗn hợp chỉ có một số tính chất tương tự dầu (nhưng không phải dầu) rồi trộn lẫn với dầu sạch cho ra loại dầu bẩn. Với dầu FO, doanh nghiệp vận tải có thể “rút ruột” cả ngàn lít dầu trên mỗi chuyến xe bồn 16.000 lít. Sau đó bù vào một lượng nước tương đương và thêm hóa chất tạo màu đen.
Cuối cùng, dùng máy tua quay với tốc độ cực nhanh trong khoảng 1 - 2 tiếng cho các loại này hòa trộn vào nhau, không bị tách lớp trong ít nhất 2 ngày, đủ thời gian vận chuyển đến các lò đốt mà không bị phát hiện. Chỉ có phòng hóa nghiệm mới có thể bóc tách được những thành phần “ma quỷ” trong dầu bẩn nhưng dầu FO chủ yếu bán cho các nhà máy, xí nghiệp hoặc doanh nghiệp tư nhân vốn không có phòng hóa nghiệm. Chưa kể sự móc nối giữa đơn vị giao hàng và nhân viên kiểm hàng cũng là lý do khiến doanh nghiệp kinh doanh dầu bẩn rất giàu đất sống.

Việc pha trộn dầu bẩn còn phổ biến và ngang nhiên hơn cả mặt hàng xăng, vì thường ít bị phát giác. Nhất là đối với dầu FO dùng đốt lò trong các nhà máy, xí nghiệp thì càng dễ pha trộn và trộn “cỡ nào, kiểu nào cũng được”. Bởi mọi dấu vết về chất lượng đều dễ dàng bị xóa khi đem vào lò đốt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá dầu của Tấn Phong bán cho các cây xăng, nhà máy, xí nghiệp thường rẻ hơn cả giá của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Vì sau khi mua dầu từ doanh nghiệp đầu mối, bằng các thủ thuật tại bãi nấu dầu lậu như nói trên, Tấn Phong đã “phù phép” để hạ thấp chất lượng nhưng lại tăng cao số lượng dầu, từ đó giá cả mềm hơn mà vẫn đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Được biết, bãi nấu dầu lậu này đã tồn tại nhiều năm. Dù hoạt động tấp nập, chưa kể các dấu hiệu dễ nhận biết như khói cuộn mù mịt và tiếng máy phát ì ùng bất kể ngày đêm, song không hiểu sao vẫn có thể “qua mặt” các lực lượng chức năng Q.7 suốt một thời gian dài. Để chắc chắn, chúng tôi đã đến Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. HCM để xác minh giấy phép kinh doanh của Tấn Phong. Doanh nghiệp này chỉ có chức năng vận tải, mua bán xăng dầu. Về nguyên tắc, doanh nghiệp mua bán xăng dầu có quyền tích trữ hàng hóa, song hoàn toàn không được quyền tác động vào mặt hàng xăng dầu dưới mọi hình thức (như dùng nhiệt, nấu, pha chế, tái chế, sang chiết...).

Không chỉ gây nguy hại trực tiếp cho xe cộ bằng cách phá hủy nhanh chóng động cơ, máy móc, dầu bẩn còn gây ra những hậu quả khôn lường cho môi trường, vì trong quá trình nấu, pha chế sẽ liên tục thải ra bầu không khí những khói thải độc hại mà không hề qua bất kỳ hệ thống xử thải nào. Chưa kể, lượng dầu bẩn sau đó được đem chạy xe hoặc dùng trong các lò đốt lại tiếp tục gây nguy hại cho môi trường hơn rất nhiều so với sử dụng dầu sạch.


Kiểm tra quá trình pha trộn dầu

Các xe chờ bơm dầu bẩn để giao hàng

Xe xả dầu vào bồn chứa để nấu, pha chế

Bơm dầu vào xe sau khi "làm bùa"

Phương Thanh - Trần Hơn
Theo Thanh Niên

Từ khóa: