Sự kiện hot
7 năm trước

Kinh nghiệm của Ấn Độ trong xử lý nợ xấu từ Bộ luật về mất thanh toán và phá sản

Bộ luật về mất khả năng thanh toán và phá sản (IBC) được duyệt trong năm 2015 và có hiệu lực trong năm 2016 là bước ngoặt trong quá trình xử lý nợ xấu của Ấn Độ. Quy định này đã nhận được thái độ phản hồi rất tích cực và khả quan của các chủ nợ và người đi vay.

Các chuyên gia đầu ngành ấn độ chia sẻ bí quyết thành công của Ấn Độ trong xử lý nợ xấu (Ảnh:DB)

Trong hội thảo ngày 26/9 về “Xử lý nợ xấu” do NHNN và Ngân hàng Thế Giới World Bank phối hợp tổ chức, ông Sudarshan Sen - Giám đốc điều hành Ngân hàng dự trữ của Ấn Độ cho biết sự thành công của Ấn Độ có hai lý do. Thứ nhất là sử dụng cơ chế tự nguyện giữa bên cho vay và bên đi vay; Thứ hai là lồng ghép mối quan hệ trên vào khuôn khổ pháp lý.

“Chúng tôi đi theo phương pháp tiếp cận do ngân hàng dẫn dắt và thực hiện”- ông chia sẻ.

Ngân hàng dự trữ Ấn Độ và Chính phủ chỉ đưa ra các quy định và khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho việc xử lý các khoản nợ có khả năng không thể thu hồi mà không tham gia trực tiếp qua chính sách tài khoá. Ông xác định mục tiêu của việc xử lý nợ xấu là đảm bảo giá trị kinh tế hơn là thu hồi khoản nợ.

Tái cơ cấu ngoài toà án chiếm ưu thế và cho hiệu quả cao hơn

Ông Sumant Batra - Chủ tịch Kesar Dass & Associates (Ấn Độ) và Nguyên chủ tịch của Hiệp hội Quản tài viên Quốc tế (INSOL International) chia sẻ, trước đây khung pháp lý và thể chế ở Ấn Độ không đầy đủ và hiệu quả nên các ngân hàng thường ngần ngại trong việc sử dụng quy trình tái cơ cấu chính thức. Hình thức tái cơ cấu ngoài toà án được thường xuyên sử dụng hơn và kết quả cũng cho thấy là quy trình này đã tương đối thành công.

Hội nghị chủ nợ và tài cơ cấu nợ công ty là hai cơ chế thường được sử dụng trong quy trình tái cơ cấu ngoài toà án. Mặc dù được sử dụng rộng rãi những cơ chế này lại hướng vào mục tiêu cung cấp biện pháp khắc phục tạm thời cho khách hàng vay hơn là chủ động nỗ lực khôi phục doanh nghiệp. Cơ chế tái cơ cấu nợ công ty chỉ đạt tỷ lệ thành công khiêm tốn 17% (tính đến tháng 6/2016).

Một phương thức khác cũng được sử dụng là tái cơ cấu nợ chiến lược, theo phương thức này một phần khoản nợ sẽ được chuyển đổi một phần (gồm cả lãi quá hạn) thành phần vốn góp. Sau đó, ngân hàng có thể chuyển nhượng quyền kiểm soạt doanh nghiệp cho một chủ thể mới. Tuy nhiên, hình thức này còn nghi ngại chưa dám sử dụng rộng rãi do thiếu sự bảo vệ pháp lý trước các vụ kiện tụng đang và sắp xảy ra.

Bộ luật về mất thanh toán và phá sản: Người cho vay khống chế tài sản

Bộ luật về mất khả năng thanh toán và phá sản được duyệt trong năm 2015 và có hiệu lực trong năm 2016 là bước ngoặt trong quá trình xử lý nợ xấu của Ấn Độ. Đây là bộ luật duy nhất điều chỉnh về tình trạng mất khả năng thanh toán đối với cả doanh nghiệp và phá sản cá nhân. Tuy nhiên, ông Sudarshan Sen cho biết hiện nay vẫn chưa áp dụng cho đối tượng cá nhân.

Đặc điểm chính của IBC là chuyển từ phương pháp xác định tình trạng mất khả năng thanh toán dựa vào bảng cân đối tài sản sang phương pháp dựa vào tình trạng vi phạm nghĩa vụ trả nợ. IBC đưa ra phương pháp “người cho vay khống chế tài sản” khi bên vay mất khả năng thanh toán, toàn bộ quyền của người đi vay sẽ được chuyển qua cho một ban độc lập được thành lập để giải quyết phá sản.

IBC 2016 cũng quy định nghiêm ngặt về thời gian xử lý các khoản nợ không thể thu hồi. Thời gian tối đa để thông qua kế hoạch xử lý tài sản là 180 ngày và có thể gia hạn tối đa là 90 ngày. Thất bại trong việc thực hiện kế hoạch trên sẽ dẫn tới việc thanh lý tài sản của người đi vay.

IBC ra đời đã nhận được thái độ rất tích cực và khả quan của các chủ thể. Từ 1/12/2016 – 24/8/2017 trên 220 vụ việc đã được thụ lý, các chủ nợ thương mại chiếm gần 50% số đơn phá sản được nộp. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ đã buộc 12 doanh nghiệp mắc nợ lớn nhất phá sản, chiếm tổng số 25% tổng số các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trúc Minh
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: