Trong tháng 10 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, hoạt động bán lẻ, vận tải hàng hóa đang được duy trì... lạm phát được kiểm soát tốt.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái; lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn,xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, kinh tế – xã hội nước ta trong 10 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định,các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%. 61/63 tỉnh, thành có chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành gấp 3,9 lần.
Hoạt động vận tải tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách tháng 10/2022 gấp 2,7 lần và luân chuyển hành khách gấp 3,8 lần; vận chuyển hàng hóa tăng 32,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 40,1%. Tính chung 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 44,9% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 32,6%.
Trong tháng Mười, cả nước có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 3,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,3% và tăng 16,2%; có 4.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,3% và tăng 37,8%; có 1.602 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,7% và tăng 98,8%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 64,7% và giảm 8,3%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2022 có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 390,1 triệu USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 61,9 triệu USD, giảm 85,5%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 452,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những chỉ tiêu về kinh tế, đối với lạm phát tại nước ta đã được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,81% của bình quân 10 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 10 tháng năm 2020 (3,71%). Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,14%.
Lan Anh
Theo KTDU