Sự kiện hot
13 năm trước

Kính và ánh sáng trong trang trí nội thất

Kiến trúc sư bậc thầy Le Corbusier đã nói: “Kiến trúc là trò chơi thông minh và tuyệt diệu của các hình khối dưới ánh sáng”. Kính chính là vật liệu tối ưu để bạn đem ánh sáng vào bên trong ngôi nhà của mình.

Kiến trúc sư bậc thầy Le Corbusier đã nói: “Kiến trúc là trò chơi thông minh và tuyệt diệu của các hình khối dưới ánh sáng”. Kính chính là vật liệu tối ưu để bạn đem ánh sáng vào bên trong ngôi nhà của mình.

Mái nhà bằng kính giúp đem ánh sáng vào trong nhà (Ảnh Nicolas Fussler)

Bạn cho rằng kính là một loại vật liệu đơn điệu? Mọi tấm kính đều giống nhau như đúc? Bạn đã hoàn toàn sai! Kính trong, kính mờ, kính màu, kính có hoạ tiết... những chủng loại kính khác nhau không chỉ đem đến cho không gian nội thất những hiệu ứng trang trí khác nhau, mà còn mang đến cho bạn nhiều lợi ích khác nhờ những tính năng đặc biệt về độ cứng và khả năng cách âm, cách nhiệt. Được sử dụng nhiều trong trang trí nột thất, loại vật liệu ưu việt này luôn đồng hành với một yếu tố phi vật chất nhưng vô giá: ánh sáng.

1. Mái kính

Ánh sáng từ trên cao xuống luôn là loại ánh sáng lung linh và kỳ ảo nhất. Với những cải tiến vượt bậc về tính an toàn, một mái nhà bằng kính giờ đây đã không chỉ dành riêng cho các công trình đặc biệt. Ngói kính, gạch kính, tấm kính cường lực... bạn có rất nhiều lựa chọn để đem ánh sáng vào trong ngôi nhà của mình theo cách lý tưởng nhất. Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến lựa chọn của bạn chính là độ dốc của mái nhà. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có được sự lựa chọn chính xác nhất.

2. Sàn kính, cầu thang kính

Nếu bạn không phải là người sợ độ cao, bạn thích những ấn tượng mạnh, thì sàn nhà bằng kính tại một vài chỗ phù hợp trong nhà (hành lang) sẽ làm xoá tan sự ngăn cách giữa các tầng và đem lại cho bạn một không gian chan hoà ánh sáng.

Độ chịu lực là yếu tố quan trọng nhất đối với một sàn kính hay cầu thang kính. Đối với sàn kính, thông thường bạn cần có một hệ khung bằng kim loại (thường là sắt) với khoảng cách từ 0,6 – 1,2m để đỡ các tấm kính. Đối với cầu thang kính, lý tưởng nhất là có một khung đỡ bằng kim loại chạy liên tục ở bốn cạnh của bậc thang kính. Nếu điều kiện không cho phép, thì khung đỡ ở hai đầu theo chiều dài cũng đủ để đỡ tấm kính bậc thang. Tất nhiên trong trường hợp này thì bề dày của các tấm kính phải dày hơn trong trường hợp trước.

Các tấm kính phải là kính cường lực với bề dày tối thiểu 10mm. Ngoài ra, để tránh sự trơn trượt cũng như các vấn đề tế nhị, không nên dùng kính trong suốt. Lý tưởng nhất với một sàn kính hay cầu thang kính là sử dụng kính có hai lớp với lớp trên là kính được mài mờ và lớp dưới là kính cường lực.

Nếu bạn làm sàn kính trong suốt, cần lưu ý thêm một điều: do kính là loại vật liệu dễ bị trầy xước, chỉ nên làm kính tại các tầng trên, nơi ta thường đi chân trần.

3. Vách ngăn kính

Những chủng loại kính khác nhau đem lại những hiệu quả ánh sáng khác nhau: cho ánh sáng xuyên qua, hạn chế cường độ ánh sáng, phản chiếu ánh sáng... Những vách ngăn bằng kính giúp bạn xác định giới hạn của một không gian mà không đem lại cảm giác nặng nề hay tù túng. Thêm vào đó, vật liệu kính đem lại một hiệu quả cách âm ưu việt. Những thế hệ kính thông minh mới nhất có thể tự động điều chỉnh cường độ ánh sáng vào trong phòng, hạn chế bức xạ nhiệt của mặt trời, cũng như khi cần có thể hạn chế những ánh mắt tò mò vào bên trong không gian riêng tư của bạn.

Vẻ hiện đại và nhẹ nhõm của cầu thang kính.(Ảnh: Thu Thủy)

Vách ngăn bằng kính, gương giúp không gian trở nên rộng và sáng hơn nhiều. (Ảnh: Thu Thủy)

KTS Anh khoa
Theo SGTT


Từ khóa: