Gemadept Terminal Link (Gemalink) dự kiến sẽ chạy đầy công suất từ năm 2019 nhờ cam kết hàng hóa đến từ hãng tàu CMA-CGM (đầu tư 25% vốn góp của Gemalink)
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (Mã: KIS) vừa có bản báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của CTCP Gemadept (Mã: GMD).
Gemadept đang đẩy mạnh hoạt động thoái vốn để trở về ngành nghề kinh doanh cơ bản
Thu 3.100 tỷ đồng từ thoái vốn trong năm 2017
Một khía cạnh đáng chú ý trong hoạt động của GMD trong quý II/2017 và 2018 chính là hoạt động thoái vốn. Trước đó tại ĐHCĐ 2017, GMD đã đưa ra danh sách các dự án sẽ tiến hành thoái vốn để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
KIS ước tính, tổng giá trị các thương vụ chuyển nhượng trong năm 2017 của Gemadept đạt 3.100 tỷ đồng.
Trong đó các thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý trong năm phải kể đến, thoái 51% vón góp tại Gemadept - Hoa Sen, chuyển nhượng 50,9% cổ phần tại 2 công ty con là Gemadept Shipping Holding và Gemadept Logistics cho CJ Logistics.
Lộ trình thoái vốn của GMD
Bên cạnh các dự án đã hoàn tất chuyển nhượng, Gemadept cho biết vẫn đang tìm kiếm đối tác là hãng tàu lớn để chuyển nhượng 25% vốn góp tại Gemalink nhằm đảm bảo nguồn hàng cho cảng này.
Gemadept Terminal Link (Gemalink) sẽ là điểm nhấn cho hoạt động kinh doanh từ năm 2019
Gemadept Terminal Link là dự án cảng container với quy mô lớn nhất hiện nay ở cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Giai đoạn 1 với mức đầu tư khoảng 340 triệu USD sẽ có công suất lên đến 1,2 triệu TEUs/năm, 800 m cầu bến chính (dài nhất trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải) cùng 370m bến tàu phụ trên diện tích kho bãi 33 ha.
Gemalink sẽ có thể phục vụ tàu tải trọng 200.000 DWT (khoảng 20.000 TEUs – cỡ tàu lớn nhất hiện tại), làm hàng cùng lúc 2 tàu mẹ (tại cầu bến chính) và 1 feeder hoặc xà lan (tại cầu bến phụ) giảm thiểu tối đa tình trạng tàu phải đợi do cầu bến không đủ chiều dài cần thiết.
Gemadept dự kiến cảng này sẽ hoạt động hết công suất ngay trong 3 năm từ 2019 đến 2021. Điều này có đóng góp rất lớn từ hãng tàu CMA-CGM (cũng đầu tư 25% vốn góp của Gemalink) khi hãng này cam kết đem về lượng hàng đủ cho 60 - 80% công suất cho cảng sau khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, CMA-CGM dự kiến sẽ chuyển hoạt động ở cảng trung tâm (hub) từ Philippines về Gemalink. Bên cạnh lượng hàng từ CMA-CGM, cảng Gemadept sẽ còn tiếp nhận lượng hàng hóa từ liên minh CMA-CGM với APL.
Gemalink sẽ hoạt động như một cảng trung tâm của khu vực; hàng hóa qua cảng sẽ được vận chuyển trực tiếp từ Cái Mép – Thị Vải đến Mỹ thay vì phải trung chuyển ở Singapore, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp. Về phía Gemadept, dự án Gemalink khi hoàn thành sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics của công ty, đặc biệt ở thị trường phía Nam.
Dự án đã khởi động từ 2010 và đã hoàn thành 39% tiến độ nhưng đã phải hoãn lại vào 2012 do sự suy thoái của ngành vận tải biển. Tuy nhiên, đến nay khi sự phục hồi ngành vận tải biển, đặc biệt là vận tải container và sự gia tăng kích thước tàu, GMD cho biết sẽ khởi động lại Gemalink từ quý IV/2017 và dự kiến giai đoạn 1 sẽ bắt đầu hoạt động từ nửa đầu 2019.
Bên cạnh đó GMD hiện đang còn nhiều cảng tiềm năng, Cảng Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) của GMD cũng sẽ hoạt động tối đa công suất từ năm 2019.
Các cảng biển hiện nay cạnh tranh ở 3 tiêu chí chính gồm vị trí, thiết bị và giá phí. Cảng Nam Đình Vũ được đánh giá đang sở hữu trang thiết bị mới nhất và cũng có vị trí tốt nhất trong khu vực. Công suất thiết kế giai đoạn 1 của cảng là 600.000 TEUs/năm và độ sâu mớn nước có thể phục vụ tàu với tải trọng đến 30.000 – 40.000 DWT. Dự kiến Nam Đình Vũ sẽ hoạt động 50% công suất trong năm 2018 và đạt 100% công suất từ 2019.
Với cảng Mekong Logistics, KIS cho biết dự kiến toàn bộ 9 kho với tổng sức chứa 50.000 pallet sẽ được lấp đầy ngay trong quý II/2017 nhờ lượng hàng hóa từ khách hàng chính Minh Phú. Đặc biệt, Gemadept cho biết đã có kế hoạch hợp tác với một đối tác cho vay tài chính cho phần lớn các doanh nghiệp thủy sản tại vùng Tây Nam Bộ; cụ thể đối tác này đồng ý sử dụng kho lạnh Mekong Logistics của Gemadept để lưu trữ hàng hóa thế chấp cho các khoản vay của công ty này.
Cảng Nam Hải ICD, trung tâm logistics tại KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng) chính thức đi vào hoạt động trong 2017 dự kiến sẽ hoạt động 70% công suất trong năm nay và 100% công suất trong 2018. Bên cạnh đó, dự án trung tâm phân phối Nam Hải Logistics 10 ha cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý II/2017. Nam Hải ICD, Nam Hải Logistics sẽ hỗ trợ cho hoạt động của cụm cảng Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ cùng hoạt động logistics tại khu vực phía Bắc.
Doanh thu sẽ tăng trưởng 26% năm 2018 nhờ hoạt động tái cơ cấu
KIS cho rằng nửa cuối 2017 và 2018 là thời gian bản lề quan trọng cho quá trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của GMD với hàng loạt dự án thoái vốn và đầu tư trọng điểm. Do đó, theo đánh giá của công ty chứng khoán này, kết quả kinh doanh của GMD mặc dù chưa thể có sự thay đổi đáng kể trong 2017 nhưng khi các dự án hoàn thành, Gemadept sẽ hoàn thiện được chuỗi logistics của mình và có động lực tăng trưởng mạnh.
KIS ước tính doanh thu năm 2017 và 2018 sẽ đạt lần lượt 4.016 tỷ đồng (tăng 7% cùng kỳ) và 5.057 tỷ đồng (tăng 26%). Lãi sau thuế dự kiến cho năm 2017, 2018 sẽ đạt 3.329 tỷ và 2.284 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh GMD sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu do quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ở dòng tiền bất thường từ việc thoái vốn.
Bạch Mộc
Theo KTTD, VIetnambiz