Sự kiện hot
14 năm trước

Kỳ án “hiếp dâm” ở Hải Dương: Những dấu hiệu bất thường

Đã gần 6 năm trôi qua, nhưng theo ông Huệ, hiện trường vụ án không có gì thay đổi lớn.

Đã gần 6 năm trôi qua, nhưng theo ông Huệ, hiện trường vụ án không có gì thay đổi lớn.

Sau khi quan sát hiện trường qua bản đồ do xí nghiệp trắc địa bản đồ 204 thực hiện, ngày Vũ Đình Ý được trở về sau khi đã thụ án, tôi cùng Ý và ông Nguyễn Văn Huệ- Bí thư chi bộ 2 (thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ) trở lại hiện trường vụ án.

Trở lại hiện trường vụ án

Trạm bơm thôn Quàn, xã Minh Đức, địa điểm đêm 3/9/2005. 6 thanh niên đã đứng chơi ở đây.

Tại phiên sơ thẩm, sau khi nghe trả lời của các giám hộ, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân huyện Tứ Kỳ đã tuyên bố: “Tại phiên toà, các thầy, cô giáo đều thừa nhận là khi tham gia giám hộ cho các bị cáo đã không có mặt liên tục từ đầu đến khi kết thúc các buổi làm việc lấy lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra Công an huyện Tứ Kỳ. Cá biệt có thầy, cô do bận giảng dạy nên chỉ tham gia vào cuối buổi làm việc. Đây là sự vi phạm về thủ tục tố tụng. Về các biên bản hỏi cung bị can tại Công an huyện Tứ Kỳ và Công an tỉnh Hải Dương, khi các bị can là người chưa thành niên mà không có sự tham gia của người bào chữa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”…

Thời điểm xảy ra vụ án hiếp dâm là đêm 3/9/2005. Đã gần 6 năm trôi qua, nhưng theo ông Huệ, hiện trường vụ án không có gì thay đổi lớn. Nơi được cơ quan điều tra xác nhận là địa điểm xảy ra vụ hiếp dâm nằm khá xa khu dân cư.

Qua bao nhiêu năm, cống Thổ Kỳ nơi đặt trạm bơm ở thôn Quàn và những rặng tre um tùm xanh lá, các địa điểm vật chứng trong vụ án vẫn còn đó. Trở lại hồ sơ vụ án, tại bút lục 304, chị X (người bị hại) khai rằng: “Anh H lai tôi ra đê đoạn cách thôn đó (thôn Tông- PV) khoảng 500m thì chúng tôi ngồi ở đó”. Tại bút lục số 266, anh H khai rằng: “Đi đến cổng đám cưới (một đám cưới trong thôn Tông) tôi lại không vào nữa vì ngại không quen biết với chú rể, sau đó tôi rủ X đi chơi và tôi lai X ra đê thôn Vũ Xá rồi theo đường đê đi một đoạn nữa qua khu có mấy bụi tre”... “Qua bụi tre khoảng 200m thì dừng lại”.

Qua lời khai của chị X và anh H, chúng tôi đã thị sát hiện trường và khẳng định đường đi của đôi trai gái này không hề qua trạm bơm (thôn Quàn, xã Minh Đức) - nơi 6 thanh niên đang đứng chơi ở đó. Ông Vũ Trọng Loan ở thôn Vũ Xá (Quang Khải, Tứ Kỳ), người có diện tích chuyển đổi đất ở khu vực này xác nhận độ dài từ trạm bơm đến nơi đôi trai gái ngồi tâm sự là 1.120m. Bà Nguyễn Thị Tách ở xóm 1 (nhà cạnh trạm bơm, thôn Quàn) và ông Nguyễn Văn Quyến ở xóm Chùa (thôn Quàn) đều khẳng định không thể nhìn thấy gì nếu đứng ở khu vực kể trên nhìn ra hiện trường vụ án.

“Thực tế chỉ nhìn được khoảng 300m vì đường cong, kết hợp với cây cối che khuất tầm nhìn”, bà Tách cho biết. “Không những đoạn đường này cong mà tầm nhìn còn bị khuất bởi vướng cây vải và nhãn. Dọc theo tuyến đường này, hai xã Quang Khải và Minh Đức đã cho chuyển đổi trồng cây lâu niên vào khoảng năm 2000, nên tán cây cao khoảng 3-4m”, ông Vũ Trọng Loan khẳng định.

Qua thực tế của chúng tôi tại hiện trường, đường đi từ trạm bơm (cống Thổ Kỳ) đến bụi tre nơi đôi trai gái năm xưa ngồi tâm sự bị cản trở bởi hàng nhãn, vải xen kẽ với những hàng chuối bên trái bờ sông. Thật khó có thể nói là đứng ở trạm bơm thôn Quàn mà quan sát thấy một đôi trai gái ngồi tâm sự được.

Những bản cung bất thường

Đường đi từ trạm bơm Quàn đến hiện trường vụ án.

Quay lại hồ sơ vụ án này, ở kỳ 1 loạt bài này, chúng tôi đã đề cập đến việc mâu thuẫn về ngày tháng bắt giữ các bị cáo. Các bị cáo và những người làm chứng khẳng định các bị cáo bị bắt lần lượt từ ngày 26/9/2005 đến ngày 27/9/2005. Trong khi đó, bản kết luận điều tra tại toà khẳng định các bị cáo đều bị bắt trong ngày 29/9/2005. Để rồi từ đó, các bị cáo thực thi bản án kể từ ngày 29/9/2005. Vì sao có sự mâu thuẫn về ngày tháng đó?

Chưa nói sự mâu thuẫn về ngày tháng đó không thấy được làm sáng tỏ tại các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm thì ngay trong quá trình làm thủ tục tố tụng đã có những dấu hiệu bất thường. Luật sư Hoàng Văn Thâu, Trưởng phòng Luật sư Hải Lý (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương), người bào chữa cho các bị cáo đã chỉ ra những bất thường: “Vụ án hình sự nêu trên, được Quyết định KTVAHS ngày 26/9/2005, ngày 28/9/2005 cả 6 học sinh này bị KTBC và bị bắt để tạm giam. Nhưng, kể từ tiết học thứ hai, ngày 26/9/2005 (khoảng 14 giờ), cơ quan CSĐT Công an huyện Tứ Kỳ đã tạm giữ Phạm Quốc Trưởng, Nguyễn Văn Thìn và Nguyễn Văn Thuyên. Ngày hôm sau (27/9/2005), tạm giữ tiếp Vũ Đình Ý và Mai Thanh Hải mà không về có lệnh tạm giữ và phê chuẩn việc tạm giữ của Viện KSND cùng cấp”.

Từ luỹ tre (còn cách hiện trường khoảng 200m) nhìn ngược lại trạm bơm, bị che khuất bởi cây cối.

Luật sư Phạm Văn Lợi, Trưởng văn phòng Luật sư Việt Trung (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: “Trong thời gian từ 26 - 29/9/2005, Cơ quan điều tra huyện Tứ Kỳ đã có 23 biên bản ghi lời khai của các bị cáo không có giám hộ hợp pháp. Đặc biệt, thời điểm bị cáo Vũ Đình Ý bị bắt giữ, bị cáo chưa được 16 tuổi. Ngay từ ban đầu, CQĐT huyện Tứ Kỳ khi thực hiện các biên bản hỏi cung bị cáo Ý đã xác định ngày tháng năm sinh của bị cáo 18/10/1990. Trường hợp này, bắt buộc khi lấy lời khai, hỏi cung bị cáo phải có mặt của giám hộ đương nhiên của bị cáo là bố mẹ đẻ. Họ có đầy đủ điều kiện để tham gia tố tụng với tư cách là giám hộ không cố ý không tham gia. Nhưng CQĐT lại dùng thầy cô giáo với tư cách là giám hộ. Theo quy định, muốn xác định các thầy cô giáo làm giám hộ cho các bị cáo phải có quyết định. Nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện điều này”.

Tại phần thủ tục xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm ngày 08/12/2006, các giám hộ cho 6 bị cáo là ông Nguyễn Đại Phong, bà Lương Thị Chung, bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Quang Xế, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Nguyễn Thị Mai đều công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tứ Kỳ. Bà Phạm Thị Hoài, công tác tại Trường THPT bán công Hưng Đạo. Ông Nguyễn Văn Khải, công tác tại Trường CĐ Sư phạm Hải Dương. Cả 8 người giám hộ lần lượt được chủ toạ phiên toà hỏi về quá trình giám hộ cho các bị cáo.

Điều đặc biệt là phần trả lời của các giám hộ đều cho thấy không có một ai có mặt đầy đủ trong cả thời gian điều tra viên lấy bản cung. Tại phiên toà, bà Trần Thị Nga, người giám hộ cho bị cáo Vũ Đình Ý cho biết: “Tôi không dự từ đầu đến cuối nhưng lúc đầu tôi có mặt và gần cuối tôi có mặt. Tôi có đọc lại, tôi hỏi các em, các em không có ý kiến gì và nhất trí thì tôi ký”.

Còn bà Nguyễn Thị Mai cho biết như sau: “Tôi giám hộ cho em Thìn. Trong lúc tôi tham gia giám hộ, tôi ký vào biên bản hỏi cung của Thìn nhưng tôi không nhớ rõ mặt học sinh”. Chủ toạ hỏi: “Tại sao bà không biết mặt học sinh mà bà ký vào biên bản?”. Bà Mai trả lời: “Tôi không biết, tôi chỉ ký chứ không được tham gia từ đầu”. Ông Nguyễn Văn Khải, người giám hộ cho bị cáo Phương trả lời trước toà rằng: “Tôi không tham gia từ đầu, nhưng khi gần kết thúc tôi có tham giam giám hộ em Phương. Tôi và em Phương được nghe cán bộ điều tra đọc bản khai của em Phương và tôi có hỏi em Phương, em không thắc mắc gì nên tôi ký”... Lần lượt các giám hộ khác cũng cho biết không ai dự trọn vẹn một cuộc lấy cung nào.

(Còn nữa)

Theo Gia đình và xã hội

Mối tình đằng sau vụ án oan hiếp dâm

Từ khóa: