Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa 14 diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Sau 2,5 ngày (từ ngày 10/7 đến ngày 12/7/2023) làm việc khoa học, nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn trao đổi thảo luận, tranh luận, chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân; với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo, công phu của các cơ quan liên quan, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 14 theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Tham dự Kỳ họp có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV và các đại biểu mời: Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội; Ồng Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; trưởng đoàn Đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực cấp ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Tổng Công ty Đông Bắc và một số cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của tỉnh.
HĐND tỉnh thống nhất đánh giá 6 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, song với sự kiên định, nhất quán, vững vàng, trăn trở tìm tòi, sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình thay đổi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách căn cơ, bài bản, khoa học của Tỉnh ủy -HĐND - UBND tỉnh; nhạy bén xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; sự quản lý, điều hành quyết liệt, có hiệu quả của UBND tỉnh; sự nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của HĐND tỉnh; sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh; phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, công nhân lao động, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Quảng Ninh đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh ước đạt 9,46%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ đầu nhiệm kỳ XV đến nay, đứng thứ 4 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực, bền vững hơn; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 28.000 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chất lượng đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao, “thế trận lòng dân” vững chắc, quốc phòng an ninh được bảo đảm.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng thẳng thắn phân tích, làm rõ các hạn chế, yếu kém trong khâu quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chậm triển khai các dự án khởi công mới và chậm hoàn thành các dự án trọng điểm. Phát triển doanh nghiệp chưa bền vững, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng bước đầu đã có cải thiện nhưng vẫn thiếu hụt so với nhu cầu của thị trường, tốc độ phát triển, quy mô của nền kinh tế, trong điều kiện quy mô dân số còn nhỏ. An ninh trật tự trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp.
Với tinh thần đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là những cơ chế, biện pháp trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách có tính chiến lược, xuyên suốt cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, đảm bảo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ XV nhằm thúc đẩy hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và của cả giai đoạn 2021 – 2025: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân hạnh phúc, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD vào năm 2025.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thảo luận kỹ 22 báo cáo kết quả công tác, báo cáo chuyên đề, báo cáo kết quả giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh; UBND tỉnh; thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các báo cáo các cơ quan tư pháp. Dành 01 ngày cho phiên thảo luận tại tổ và hội trường. Với tinh thần thật sự cầu thị, thẳng thắn có tính xây dựng cao, trên cơ sở định hướng của Chủ tọa kỳ họp đã có 86 lượt ý kiến tham gia phát biểu (trong đó có 59 lượt ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh); các ý kiến tập trung trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn tham gia, thảo luận vào các nhóm vấn đề trọng tâm, nhóm vấn đề còn nhiều vướng mắc, định vị rõ những khó khăn, tồn tại, các kế hoạch tăng trưởng, phát triển của tỉnh để từ đó đưa ra các giải pháp điều hành hiệu quả; Đồng thời đề nghị UBND tỉnh và giám đốc các sở ngành có liên quan báo cáo kết quả thực hiện chủ đề công tác năm về vấn đề chăm lo đời sống nhân dân và giải trình làm rõ trước HĐND tỉnh đối với 05 nhóm vấn đề: (1) Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm còn thấp. (2) Tỷ lệ tạm ứng, thu hồi tạm ứng, giải ngân vốn kéo dài; việc giải ngân vốn chi thường xuyên ngân sách tỉnh thấp (đặc biệt là đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ), (3) tiến độ mua sắm tập trung thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu năm 2023; (4) Việc xây dựng kế hoạch tinh giản bộ máy biên chế gắn với đề án tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; (5) Vấn đề nợ đọng thuế cao và kết quả thu khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp.
Tích cực đổi mới hoạt động giám sát tại Kỳ họp, lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn mở, tiếp nhận và trả lời trực tiếp các câu hỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân gửi về kỳ họp thông qua các kênh truyền thông của Trung tâm Truyền thông tỉnh. Đặc biệt, được livestream trên Fanpage QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7 . Nội dung chất vấn đã tập trung đúng - trúng, đi thẳng, thậm chí xoáy sâu vào các vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm thể hiện sự cầu thị, gần dân, không ngừng đổi mới và tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.Trên cơ sở 28 nội dung đề nghị chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đã lựa chọn 04 nhóm vấn đề được nhiều cử tri và dư luận quan tâm như:
(1) Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như điện, gas, an toàn thực phẩm, di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu đông khu dân cư;
(2) Công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường thủy, đường bộ và các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh;
(3) Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em, phòng chống tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên; (4) công tác quản lý nguồn lợi thủy, hải sản và phát triển nghề nuôi biển. Thực hiện quyền chất vấn đã có 14 đại biểu đại biểu HĐND tỉnh (17 lượt ý kiến) chất vấn đối với 05 đồng chí ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh là Giám đốc các sở: Công Thương, Giao thông - Vận tải ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và phát triển nông thông; Giáo đục- Đào tạo; Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long và các đơn vị: Công An tỉnh; Ban quản lý đầu tư các công trình xây dựng, dân dụng và công nghiệp; Công ty Điện lực Quảng Ninh. Căn cứ nội dung trả lời chất vấn và cam kết của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, Chủ tọa Kỳ họp đã kết luận rõ ràng trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, đề ra lộ trình, tiến độ thời gian thực hiện để giải quyết những vấn đề đã được đại biểu quan tâm.
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Căn cứ báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, báo cáo giải trình của đồng chí quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất biểu quyết thông qua 19 nghị quyết với sự tán thành của 100% đại biểu dự họp. Trong đó, có 12 Nghị quyết về cơ chế chính sách (04 nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật) đặc biệt tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện chủ đề công tác năm, nâng cao đời sống nhân dân như tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi số đến năm 2025; hỗ trợ các lực lượng trong công tác phòng chống ma túy, đấu tranh tội phạm ma túy …., nổi bật như:
(1) Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra: với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm đạt 12,3%, cả năm phấn đấu tăng trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 54.000 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân đã thống nhất cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”, trọng tâm: (1) Tập trung phòng, chống kiểm soát các loại dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; ổn định phát triển kinh tế - xã hội; (2) Giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, quản trị rủi ro, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời, thực chất, hiệu quả, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài các dự án đầu tư của ngành Than từ trước đến nay thuộc thẩm quyền của tỉnh; (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công, Trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng dự toán thấp hơn chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao (dưới 8%); nêu rõ các mốc thời gian đảm bảo phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân 80%, đến 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm; xử lý dứt điểm việc thu hồi, hoàn trả vốn ứng từ Quỹ Bảo vệ môi trường và phát triển đất tỉnh Quảng Ninh; (4) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; (5) Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; (6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản; (7) Đẩy mạnh công tác tư pháp, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hành tiết kiệm; giải quyết ý kiến cử tri, khiếu nại, tố cáo; (8) Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; (9) Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (10) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và cả năm 2023.
(2) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025..
Đây là Nghị quyết có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phân bổ, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách của địa phương; tái cơ cấu đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững theo các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Với mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp lý để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, khắc phục những bất cập nảy sinh, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn triển khai để khai thông các điểm nghẽn trong điều hành, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công, kiên quyết không để lặp lại tình trạng dàn trải, manh mún, cắt khúc, kéo dài, cơ chế “xin- cho”, “dưới duyệt - trên cấp”; không làm phát sinh thủ tục hành chính, phát sinh thời gian. Tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tạo sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương, các cấp, các ngành, nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới còn lại của giai đoạn 2021-2025, nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công ở các cấp ngân sách. Bảo đảm sự công bằng, cân đối, hài hòa, giữa các vùng - miền, lĩnh vực, nhất là thực hiện 3 khâu đột phá của Đại hội XV, nhanh chóng thu hẹp chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách vùng miền, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thống nhất thông qua:
(1) Điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025;
(2) Điều chỉnh phân cấp các nhiệm vụ chi: Về hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng, an ninh; (3) Bổ sung phân cấp nhiệm vụ chi về xây dựng các công trình biên giới; (4) Bổ sung điều khoản chuyển tiếp để xử lý các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
(3) Nghị quyết quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Nghị quyết thông qua 18 chính sách áp dụng cho 07 nhóm đối tượng gồm: (1) Người cai nghiện bắt buộc; (2) Người cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; (3) Người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; (4) Người quản lý tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trong thời gian lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc; (5) Người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy; (6) Người quản lý sau cai tại nơi cư trú; (7) Một số lực lượng làm công tác phòng chống tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy (Cán bộ, chiến sỹ trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy thuộc các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Công an tỉnh và cán bộ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,
(4) Nghị quyết quy định định mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên đia bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết quy định định mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến công tác lập dự toán, bố trí kinh phí, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
(5) Nghị quyết về quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Nghị quyết này quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có chức năng, nhiệm vụ giúp cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, gồm: (1) Sở Tư pháp; (2) Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; (3) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có nhiệm vụ giúp cơ quan, người có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định tại Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; (4) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo chỉ đạo, yêu cầu, kế hoạch.
(6) Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, đã thể hiện được quan điểm xuyên suốt, nhất quán của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh luôn luôn quan tâm, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhất là sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid và nhiều biến động phức tạp của tình hình thế giới.
Nghị quyết đề ra 07 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, tập trung vào nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy....; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; tiếp cận vốn và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế…Đồng thời hỗ trợ nguồn lực thông qua Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh, cấp bổ sung vốn vay cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác xã liên hiệp sản xuất kinh doanh... nhằm hỗ trợ các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững.
(7-10) Các nghị quyết về quản lý đầu tư công: (7) Nghị quyết dự kiến (lần 1) kế hoạch đầu tư công tỉnh Quảng Ninh năm 2024; Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công.
Tiếp tục cụ thể hóa các Quy hoạch, kế hoạch đã có, kiên trì thực hiện phương châm “kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước”, ưu tiên các công trình, dự án có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính kết nối đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư của các công trình giao thông chiến lược đã và đang hoàn thành, gắn với kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, khai thác tối đa lợi thế của các hành lang phát triển mới, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh trong đầu tư công, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, giữa các vùng, miền; có cơ chế tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”… Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua:
(1) Dự kiến tổng nguồn vốn dành cho chi đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh;
(2) Điều chỉnh nguồn và kế hoạch đầu tư công trung hạn của một số dự án; Phân bổ nguồn vốn còn lại chưa phân bổ cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
(3) Điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 04 dự án vốn ngân sách tỉnh, trong đó có 03 dự án gia hạn thời gian thực hiện gồm 02 dự án thuộc lĩnh vực giao thông và 01 dự án thuộc lĩnh vực y tế để hoàn thiện các hạng mục còn lại và 01 dự án điều chỉnh cơ cấu vốn để đảm bảo công tác giải ngân vốn theo quy định.
(4) Thông qua chủ trương đầu tư đối với 04 dự án giao thông quan trọng trên địa bàn vùng cao thành phố Hạ Long và Thị xã Đông Triều, nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và tỉnh Bắc Giang; cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương đã được phê duyệt; các chương trình phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Lạng Sơn gồm: (1) Dự án xây dựng đường tỉnh 327, đoạn từ nút giao cổng tỉnh đến đường trục chính trung tâm thị xã Đông Triều; (2) Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 345, tỉnh Quảng Ninh; (3) Dự án tuyến đường nối từ quốc lộ 279, tỉnh Quảng Ninh đến đường tỉnh 291, tỉnh Bắc Giang; (4) Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận thành phố Hạ Long, với tổng mức đầu tư các dự án trên 6.172 tỷ đồng
(11) Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung và phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023.. HDND tỉnh thống nhất: (1) Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên đối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ dự toán chi đầu tư phát triển bổ sung dự toán chi thường xuyên, (2) Bổ sung chi đầu tư phát triển để phân bổ: Kinh phí hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm; Hỗ trợ xây dựng trụ sở Công an xã trên địa bàn 02 địa phương Móng Cái và Đông Triều. (3) Điều chỉnh nội bộ kế hoạch chi đầu tư phát triển để giảm kế hoạch vốn của 12 dự án không đảm bảo giải ngân năm 2023 để bổ sung cho11 dự án đã hoàn thành, quyết toán; 02 dự án chuyển tiếp và 05 dự án khởi công mới. (4) Phân bổ dự toán chi thường xuyên cho kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2023 (giai đoạn 2); kinh phí thực hiện Chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
(12) Nghị quyết về việc thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2023; điều chỉnh tên, địa điểm, diện tích dự án, diện tích thu hồi đất, chuyển mục địch sử dụng đất đối với một số dự án, công trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết đã thông qua danh mục 27 dự án, công trình thu hồi đất theo khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với tổng diện tích cần thu hồi là 102,54ha; 16 dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 với 16,904ha, trong đó diện tích đất lúa là 3,204ha, diện tích đất rừng phòng hộ là 13,7ha và 07 dự án, công trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017 với 56,48ha rừng trồng.
(13) Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết thống nhất đặt tên cho 19 tuyến đường, 84 tuyến phố; điều chỉnh nối dài 01 tuyến đường, 01 tuyến phố trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên.
Ngoài các nghị quyết nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh; kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh về điều hành ngân sách; kết quả giám sát sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Tại Kỳ họp đã thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền đảm bảo minh bạch, dân chủ, khách quan theo đúng quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh đã bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Phạm Văn Thành, đại biểu HĐND tỉnh tổ Quảng Yên; Miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với bà Bùi Thúy Phượng, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ; Bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh đối với bà Bùi Thị Bính, Giám đốc Sở Nội vụ.
Ngô Quảng
Theo Kinh tế và đồ uống