Sáng 14/7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; đánh giá kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, đồng thời quyết nghị một số chính sách quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại kỳ họp: “6 tháng đầu năm 2022, Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Hà Tĩnh đã kịp thời, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung phục hồi, phát triển kinh tế”.
Tuy vậy, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt thấp; ngành công nghiệp tăng trưởng âm; ngành du lịch, dịch vụ phục hồi khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch; triển khai thực hiện một số dự án gặp vướng mắc; nhiều tồn đọng chậm được giải quyết. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh chưa có giải pháp khắc phục. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022:
Là năm tập trung triển khai các nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đã bám sát, triển khai kịp thời chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, chủ động, linh hoạt, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm tập trung chỉ đạo, phù hợp với diễn biến tình hình và các vấn đề mới phát sinh.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 41.220 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng giảm trên 7%. Nguyên nhân chủ yếu do tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố phải ngừng hoạt động từ tháng 9/2021, sản xuất điện giảm gần 36% dẫn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm. Đây là nguyên nhân chính làm cho ngành công nghiệp 6 tháng dự báo tăng trưởng âm 11,46%, kéo theo tăng trưởng kinh tế (GRDP) toàn tỉnh nửa đầu năm ước chỉ đạt 0,08%.
Vụ đông 2021-2022 đạt kết quả cao so với năm trước, tổng diện tích đạt 13.590 ha (tăng 4%), sản lượng thu hoạch đạt trên 58.330 tấn (tăng 4,7%). Lúa vụ xuân 2022 đảm bảo về cơ cấu giống, thời vụ sản xuất, tổng diện tích lúa gieo cấy đạt 59.813 ha; cây trồng cạn, rau màu và cây ăn quả phát triển ổn định; chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển, dịch bệnh nguy hiểm cơ bản được kiểm soát; thủy sản duy trì mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 với tổng sản lượng đạt trên 26.147 tấn, tăng 3,45%.
Huyện Hương Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (nâng tổng số 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM); công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu (nâng tổng số lên 177 xã đạt chuẩn, 50 xã đạt chuẩn nâng cao và 7 xã đạt chuẩn kiễu mẫu trong toàn tỉnh).
Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 12,1%); nhập khẩu đạt hơn 2 tỷ USD (tăng 33,3%). Hoạt động du lịch, dịch vụ có bước phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 23.500 tỷ đồng (tăng gần 10%); có hơn 1 triệu lượt khách tham quan, gấp 3 lần so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2022; tổng lượng khách lưu trú đạt gần 142.170 lượt, tăng gấp 2,2 lần...
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đạt 10.918 tỷ đồng, bằng 67% dự toán (tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, thu nội địa đạt 4.873 tỷ đồng, bằng 63% dự toán (tăng 23% so với cùng kỳ); thu xuất nhập khẩu đạt 6.045 tỷ đồng, bằng 72% dự toán (tăng 50,3% so với cùng kỳ).
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 15.243 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 35% kế hoạch. Giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt hơn 2.600 tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch, cao hơn so với bình quân chung cả nước (27,86%). Hoạt động tín dụng cơ bản ổn định, dư nợ tăng trưởng tốt, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép, ở mức thấp.
Toàn tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 10 dự án, trong đó 9 dự án trong nước với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD. Hà Tĩnh kêu gọi một số doanh nghiệp lớn vào khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Vingroup đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh tại phường Kỳ Trinh; Công ty CP Crystal Bay đề xuất dự án Công viên Trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại thành phố Hà Tĩnh; Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), Công ty CP Tập đoàn Ecopark khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị sinh thái và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu, hợp tác đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Tiến độ các dự án trọng điểm được đẩy nhanh, nhất là dự án đường cao tốc Bắc - Nam được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Kết quả cải cách hành chính cải thiện đáng kể. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Giáo dục - đào tạo đạt kết quả nổi bật. Tình hình QP-AN đảm bảo; xử lý kịp thời các vụ án trọng điểm. Hoạt động đối ngoại được củng cố.
Tuy vậy, các nhiệm vụ phát triển trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng kinh tế đạt thấp; ngành công nghiệp tăng trưởng âm; ngành du lịch, dịch vụ đang phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn; nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM thiếu nguồn lực triển khai, có thời điểm còn chững lại.
Tiến độ giải ngân đầu tư công tuy cao hơn bình quân cả nước nhưng còn thấp so với kế hoạch vốn. Việc triển khai, thực hiện một số dự án gặp vướng mắc do phải chờ quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt và điều chỉnh một số quy hoạch liên quan khác. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn nhiều nguy cơ gây mất ổn định; tình trạng xâm nhập trái phép, buôn lậu trên tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp.
“6 tháng cuối năm, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành, lĩnh vực còn dư địa cho tăng trưởng như nông nghiệp, giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc triển khai các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và kiểm soát dịch COVID-19 bảo đảm cho sự phục hồi của khu vực dịch vụ”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Nhiệm vụ đặt ra từ nay cho đến cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành phải rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu 6 tháng cuối năm và cả năm 2022 để đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để có thể đạt mức cao nhất các mục tiêu năm 2022 đã đề ra.
Cùng với đó là triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19; tập trung, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022; quan tâm các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý thông tin và truyền thông; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư pháp, thanh tra, giải quyết tồn đọng, khiếu nại tố cáo; đảm bảo QP-AN; triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Hoài Thanh/KTĐU