Là dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm giành và giữ nền độc lập tự do cho đất nước, người dân Việt Nam luôn khát khao được sống trong hòa bình…
Chiến tranh luôn nhắc nhớ con người về sự tàn khốc, mất mát không thể bù đắp. Hệ lụy chiến tranh thật khủng khiếp. Để loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống nhân loại thật không dễ. Người ta dùng chiến tranh phi nghĩa để áp đặt chế độ chính trị, mở rộng chủ quyền lãnh thổ. Đó thường là những cuộc chiến tranh có vũ trang, dùng vũ lực (đạn, bom cùng nhiều vũ khí khác) để tiêu diệt đối phương, bắt họ đầu hàng. Bởi muôn vàn lí do, kẻ đi xâm lược tìm mọi cớ để “hợp thức hóa”, che đậy bản chất xâm lăng phi nghĩa của cuộc chiến.
Điều này cắt nghĩa vì sao thế giới, cho đến nay chiến tranh vẫn không chấm dứt. Hơn thế, không ít cuộc chiến tranh còn khốc liệt, tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của con người vẫn diễn ra. Nhiều nước đang chung sức tìm cách hạn chế, tháo gỡ ngòi nổ các cuộc xung đột, đối đầu giữa các quốc gia đang trên bờ vực chiến tranh.
Những nước được tận hưởng không khí hòa bình, chưa từng phải hứng chịu chiến tranh có thể chưa cảm nhận hết nỗi đau do con người gây ra cho nhau, nhưng họ không bao giờ muốn chứng kiến sự chết chóc vô ích. Thế giới hội nhập sâu rộng, thế giới phẳng, thời đại 4.0 là cụm từ quá đỗi quen thuộc với mọi người. Xích lại gần nhau, hợp tác cùng phát triển là xu thế chủ đạo của dòng chảy toàn cầu. Xung đột lợi ích chính trị, kinh tế tiếp tục nảy sinh. Nước lớn, nước bé, người yếu, kẻ mạnh ăn hiếp nhau vẫn tồn tại. Tư tưởng chi phối, chèn ép, vì mục tiêu mở rộng lãnh thổ, khẳng định chủ quyền, chà đạp nhân phẩm bất chấp luật pháp quốc tế vẫn còn đó. Nó đang được thực thi dưới những ngôn từ mỹ miều, ý đồ thủ đoạn thâm hiểm.
Ngoài những cuộc xung đột, chiến tranh vũ trang là hàng loạt cuộc chiến tranh mềm - thương mại, công nghệ thông tin điện tử. Bao giờ thế giới này sẽ hết chiến tranh; bao giờ có thế giới đại đồng. Câu hỏi ấy của nhân loại thật không dễ trả lời? Sau gần nửa thế kỷ tái thiết đất nước, trải qua biết bao thăng trầm của công cuộc đổi mới, Việt Nam mới đạt ngưỡng thu nhập trung bình thấp.
Chiến tranh đã làm cho Việt Nam tụt hậu xa nhiều thập kỷ so với nhiều nước khác. Với nỗ lực vượt khó của cả dân tộc có bề dày truyền thống lịch sử oanh liệt, chiến thắng nhiều đế quốc hàng đầu thế giới, trong dựng xây đất nước, năm qua Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao, du lịch, xuất khẩu hàng nông thuỷ sản có bước tiến ngoạn mục; trật tự an ninh xã hội được bảo đảm và giữ vững, nhưng khó khăn thách thức vẫn còn không ít; tiềm ẩn những nguy cơ không dễ nhìn thấy, không dễ khắc phục nếu không dám và biết nhìn thẳng vào sự thật: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai; bẫy thu nhập trung bình thấp, tai nạn giao thông, tệ tham nhũng lãng phí, đạo dức xã hội xuống cấp cùng các tệ nạn xã hội khác. Tham chiếu những nước trong và ngoài khu vực có hoàn cảnh tương đồng, nếu không phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, giải phóng dân tộc Việt Nam đã là nước mạnh trong khu vực. Thế mới biết giá trị của hòa bình lớn biết nhường nào ?
Nỗ lực của Việt Nam trong nhiều hoạt động chính trị quốc tế, trong đó có việc tích cực tham góp vào nền hòa bình thế giới đã chứng tỏ mình là một dân tộc luôn khát khao hòa bình, luôn đấu tranh vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; hòa bình không chỉ cho riêng dân tộc mình mà cho mọi quốc gia, dân tộc trên hành tinh này. Thù thành bạn, thành đối tác hợp tác tin cậy; khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam muốn làm bạn với các nước cùng vun đắp nền hòa bình thịnh vượng.
Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội được xem là dấu mốc chính trị quan trọng của mình năm 2019. Nhiều thông điệp tích cực từ hội nghị cho thế giới thấy một Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, ngẩng cao đầu, tự hào với thế giới vì đã làm nên những dấu mốc lịch sử nổi bật của trang vàng lịch sử dân tộc: chiến thắng 30/4/1975.
Mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đang dần được hiện thực hóa, cụ thể hóa trong chỉ đạo, quyết sách của Đảng và Chính phủ. Kinh tế phát triển là nền tảng quan trọng để giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện, bình đẳng cạnh tranh trong sân chơi quốc tế là bài toán ẩn chứa mâu thuẫn không dễ xử lý. Sau chiến tranh, Việt Nam đang xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo di chúc của Bác Hồ. Bài học của chiến tranh, của chiến thắng 30/4/1975 cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý giá phải đổi bằng máu xương của các thế hệ: làm sao giữ vững được chủ quyền, độc lập, hòa bình mà không phải tiến hành chiến tranh? Tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường bởi ngòi nổ của chiến tranh là mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo; chế độ xã hội, thể chế chính trị. Ngăn ngừa, loại trừ chiến tranh như một cuộc đấu trí, đấu lực mang tính nghệ thuật. Từ các cuộc chiến tranh đã xảy ra sẽ giúp cho chúng ta có kinh nghiệm và niềm tin để đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước giàu mạnh, sánh vai với các nước phát triển trên thế giới trong tương lai không xa.
Từ hiện tại, nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai, Việt Nam được bạn bè quốc tế chia sẻ, hợp tác, ủng hộ, yêu thương sẽ mau vững mạnh. Triết lý xây dựng đất nước ta chính là “gốc có vững, cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nhân dân”. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đều dựa trên sức mạnh toàn dân, có sự kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, khoa học những bài học từ lịch sử, trong đó có cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở thế kỷ 20.
Văn Hùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng