Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Doanh nhân - Nội lực quốc gia

Nói đến doanh nhân là nói về doanh nghiệp. Doanh nhân thường chỉ đích danh cụ thể (người đứng đầu, lãnh đạo) một doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào đó. Và đương nhiên, nói doanh nhân là nói về lĩnh vực, ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả, thành công hay chưa thành công.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2021 - Ảnh VGP.

Mỗi ngày, truyền thông đều đề cập đến câu chuyện doanh nhân dưới nhiều góc độ khác nhau: hiệu quả kinh tế, văn hóa, đạo đức kinh doanh, thực thi pháp luật. Theo đó là sự khen, chê, bình luận; biểu dương ghi nhận, ngợi ca; có khi phê phán, chỉ ra sai sót lớn nhỏ… góp cái nhìn đa chiều, đúng bản chất về doanh nhân, doanh nghiệp.

Doanh nhân Việt Nam đa phần có đức tính cần cù, chịu khó, thông minh; giàu bản lĩnh vượt khó. Lật giở trang sử doanh nhân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, hàng trăm doanh nhân tiêu biểu được vinh danh trong trang sử kinh tế- xã hội đất nước. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự chủ, sáng tạo, tự lực, tự cường. Họ là hiện thân của kinh doanh thượng tôn pháp luật, làm giàu chính đáng, hợp pháp, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội, trong đó có gia đình họ.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 19/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đã có 6 doanh nhân lọt vào tốp “tỷ phú USD”. Có hơn 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, 15,3 ngàn HTX, 5,6 triệu hộ kinh doanh; xét cả hộ kinh doanh không mã số thu thuế có 7 triệu doanh nhân.

Báo cáo của NCIF phối hợp với Konrad Adennauer Stitrung (Đức) thực hiện cho biết 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước chiếm 0,08% vốn nhà nước nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động chiếm 13% tổng giá trị tài sản, 15,8% doanh thu của khu vực doanh nghiệp tư nhân cả nước. Họ đóng góp 15 triệu tỷ đồng doanh thu, tạo việc làm cho 9 triệu người.

Phát huy vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội các doanh nghiệp, doanh nhân, lãnh đạo đất nước tập hợp đoàn kết, tạo và phát huy sức mạnh của doanh nhân, doanh nhân làm thế nào để chuyển dần từ người làm thuê, gia công lắp ráp, thị trường thu hút bởi nhân công giá rẻ; người “nắm đằng lưỡi” sang làm chủ công nghệ, dự án sáng tạo phát minh, sáng chế mang tính đột phá về công nghệ, tạo nên các sản phẩm giàu trí tuệ, đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển.

Thời gian qua chúng ta chịu khó học tập, trau dồi tri thức, tiếp thu tinh hoa của bạn bè quốc tế, liên kết hợp tác, gọi vốn đầu tư để rồi làm chủ sản phẩm, cung cấp cho người dân trong nước và xuất khẩu ra thế giới như Vinamilk, TH trumilk… cùng các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu “Made in Việt Nam”.

Hiện nay kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động và kinh tế, đóng góp thuế thu nhập doanh nghệp khoảng 34,1% cao hơn mức đóng góp 27,7% của 77 doanh nghiệp nhà nước.

Đại hội XIII của Đảng xác định, đến năm 2030, VN là nước có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh hiệu lực, hiệu quả. Trong gần 3 năm qua, đất nước trải qua dịch bệnh và diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, doanh nhân, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã trở thành trụ đỡ vững vàng, góp phần quan trọng để kinh tế xã hội đất nước vượt qua sóng to, gió lớn. 

Thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, chính sách kinh tế do Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành đã đánh thức tiềm năng dồi dào của kinh tế tư nhân. Trong hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, số doanh nhân được gắn mác “đại gia” (cách gọi dân dã), và theo cách gọi phổ biến là CEO (được tổ chức quốc tế xếp hạng) đã có 10 doanh nhân Việt Nam được thế giới vinh danh.

Để trở thành doanh nhân thành đạt trong tốp đầu cả nước, họ phải trải qua không ít khó khăn, sóng gió, từng niếm trải thất bại ít nhiều. Vượt lên tất cả họ không chỉ làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp mang lại việc làm cho nhiều người, mà hơn thế, họ dấn thân, tận hiến vì mục tiêu dân giàu nước mạnh. Ở họ hội tụ đủ những phẩm chất cần thiết: bản lĩnh, trí tuệ, dấn thân, không ngừng sáng tạo, đổi mới, chấp nhận hy sinh những sở thích cá nhân. Họ là lãnh đạo doanh nghiệp có nhân cách tốt, đạo đức trong sáng, doanh nhân văn hóa, là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo.

Thương trường là chiến trường. Làm giàu nhanh, chậm đều có thể, nhưng làm giàu bền vững, đúng pháp luật lại không dễ dàng. Bởi, những hạn chế về sự chưa hoàn thiện về cơ chế, kẽ hở trong chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, những “cám dỗ đời thường” đã làm cho không ít doanh nhân “ bị diễn biến”, “bị chuyển hoá”. Rất nhiều doanh nhân thành công, cũng không ít doanh nhân thất bại, phá sản, vướng phải vòng lao lý. Những thông tin về ông chủ một số doanh nghiệp đã định hình tên tuổi trên thương trường Việt Nam đã và đang chuẩn bị hầu tòa cho thấy “làm giàu chính đáng đâu dễ”.

Theo số liệu thống kê của 30 người giàu nhất Việt Nám hiện nay trên sàn chứng khoán, có trên 26% là giàu từ đất đai. Như vậy, gần 1/3 người giàu ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn từ bất động sản. Nếu tính những người giàu (ngoài 30 người trên) thì đến 2/3 trong số họ giàu lên từ đất, nhờ “ông thần thổ địa phù hộ”!.

Đánh giá về tình trạng tham nhũng, Đảng ta cũng nhận định: nhiều người giàu lên từ đất, không ít người khuynh gia bại sản vì đất, tù tội vì đất. Thực tế cho thấy, doanh nhân Việt Nam kinh doanh thành công (có thể là tỷ phú) thường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, thủy hải sản, lâm sản, dịch vụ thương mại rồi cuối cùng mới là công nghệ thông tin. Ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng mới chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên, như: dầu khí, than- khoáng sản, hay đánh bắt chế biến thủy hải sản, nông sản, lâm sản… dựa trên tài nguyên hữu hạn “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Tại diễn đàn kinh tế thế giới DAVOS (Thụy sĩ), người giàu và siêu giàu ở lĩnh vực công nghệ và viễn thông là đầu tiên. Ngành kinh tế này mang lại nhiều của cải cho thế giới. Doanh nhân giàu có trên thế giới ngày nay gắn liền với sản phẩm nổi tiếng giàu trí tuệ, chất xám: máy bay, tàu thủy, ô tô, máy tính, điện thoại di động… Trí tuệ là nguồn tài nguyên vô hạn để con người khai thác. Xem ra cũng là sự gợi mở cho các doanh nhân nước nhà.

Nghĩ về doanh nhân, tôi chợt nhớ lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến “..Thuyền không lớn sao mà ra khơi. Chí không cao sao mà ra thế giới. Dân không giàu sao mà nước mạnh. Lòng không bền sao làm doanh nhân…”  Những yếu tố cần có để doanh nhân thành đạt là bản lĩnh, năng lực quản trị, tư duy luôn đổi mới, sáng tạo và đạo đức kinh doanh hướng đến mục tiêu vì xã hội, đất nước. Các tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân phải là cầu nối, diễn đàn trao đổi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho các nhà kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp.

Những “ông chủ”, “đại gia”, “tỷ phú” mới trên nhiều lĩnh vực kinh tế lần lượt xuất hiện, không còn là những con số khiêm tốn nữa. Sau hơn 30 năm đổi mới, với tư duy mới, mang tính đột phá đã tạo nên thế hệ doanh nhân có tri thức, tận dụng tốt công nghệ hiện đại, thông minh …để thay đổi chất lượng sản phẩm. Giờ đây nhiều sản phẩm doanh nhân Việt Nam làm ra đã có thương hiệu mang tầm quốc tế khẳng định giá trị của mình. Đó là niềm tự hào của đất nước ta.

Văn Hùng

Theo KTĐU

Từ khóa: