Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5: Nội lực quốc gia, dân tộc

Chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai dân tộc. Chỉ dấu cho chất lượng nguồn nhân lực là trình độ học vấn, kỹ năng lao động, độ tuổi người lao động, quy mô dân số so với diện tích lãnh thổ. Chăm lo toàn diện người lao động là nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn nội lực đất nước.

Nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động - Ảnh: Tư liệu.

Nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động - Ảnh: Tư liệu.

Sau hơn 2 năm trải qua dịch bệnh Covid-19, nguồn nhân lực của nhiều doanh nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất, các cơ sở kinh tế - xã hội, lĩnh vực, ngành nghề đều thiếu hụt lực lượng lao động, khủng hoảng nguồn nhân lực, vật lực. Tác động của dịch bệnh còn làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, buộc nhà quản trị doanh nghiệp, quốc gia phải suy tính các giải pháp nhằm hóa giải mâu thuẫn nội tại quốc gia khi thực hiện chiến lược phục hồi kinh tế - xã hội sau bão dịch.

Hệ lụy của dịch bệnh thật khốc liệt: 840/2656 doanh nghiệp làm du lịch xin thôi kinh doanh. Theo đó, hàng nghìn người lao động mất việc làm, phải tìm công việc khác. Cái khó trong chọn nguồn nhân lực cho ngành du lịch là phải có kỹ năng và lòng yêu nghề. Người lao động sau dịch không muốn trở lại nơi làm việc cũ (nhà hàng, khách sạn…) vì mức lương không hấp dẫn, gò bó và dường như vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Người lao động ở nông thôn, các ngành dịch vụ khác, doanh nghiệp sản xuất khác sau khi về quê “trốn” dịch, không ít người chấp nhận ở lại quê tìm công việc khác cho dù mức thu nhập không bằng chỗ làm trước đây (tỉnh An Giang có 90.000 người từ tỉnh, thành về quê trốn dịch, sau Tết hơn 80% trở lại làm việc, 20% ở địa phương chuyển nghề khởi nghiệp).

Bài toán nguồn nhân lực, thu phục người lao động trở lại làm việc hay tuyển chọn mới vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng. Không ít doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đơn vị còn phải đối chọi với tình trạng đình công, lãn công, xin thôi việc của người lao động.

Ngành y tế cơ sở thiếu hụt nguồn lực ghê gớm vì hàng nghìn người xin nghỉ việc sau dịch Covid-19. Các tỉnh, thành ráo riết thay đổi mô hình tổ chức y tế, kiến nghị Chính phủ, bộ, ban, ngành ban hành cơ chế, chế độ đãi ngộ cởi mở, hợp lý hơn để giữ chân và thu hút người lao động; tuyển dụng thêm những người đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp ở các trường y.

Tại diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên năm 2022 có chủ đề: “Đào tạo nghề cho thanh niên” những chủ nhân tương lai đất nước, nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thích ứng linh hoạt với thời cuộc. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho 3,4 triệu người lao động trong lúc dịch bệnh; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số 137.000 tỷ đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 2021 - 2025 cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu triển khai sớm việc hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân miền Trung vừa bị thiệt hại do bão lũ bất thường thời gian qua.

Trái lại, với tính chất đặc thù, lại có doanh nghiệp “kén chọn” nhân lực có tay nghề, ½ công đoạn làm bằng máy móc, trình độ đào tạo bán dây chuyền, nhân sự ít nhưng yêu cầu cao. Vì thế, câu chuyện đào tạo thầy và thợ sao cho cân đối, để không còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, “người lao động không qua đào tạo còn phổ biến” cần phải xây dựng hệ thống giáo dục tương thích; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng để tạo ra sản phẩm nhân lực lao động có chất lượng, không bị thừa và thiếu hụt nhân lực vô lý, lãng phí.

Doanh nghiệp tuyển nhân lực với mức lương thỏa đáng, người lao động mới gắn bó lâu dài, yên tâm tận hiến. Hiện trạng người lao động ở một vài địa bàn, khu vực xin lĩnh BHXH một lần sau dịch có thể là biểu hiện của khủng hoảng tư tưởng và quẫn bách trong xử lý mâu thuẫn cuộc sống. Nó bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập cần phải sớm điều chỉnh.

Tín hiệu lạc quan sau Đại hội Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam: đã đào tạo việc làm cho 3 triệu lao động, doanh thu 30 tỷ USD sau 30 năm. Ngày 23/3/2022, UBTVQH đã thông qua nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động với mục tiêu nhằm “đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” đem lại quyền lợi chính đáng cho người lao động, đảm bảo mức sống, nâng cao thu nhập.

Chăm lo toàn diện người lao động là chiến lược quốc gia. Hoạt động này bộn bề bao việc lớn, nhỏ, tổng quát và chi tiết. Nó đòi hỏi không chỉ ở đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết và các văn bản pháp quy ngày một chỉn chu, hoàn thiện mà còn phải được cuộc sống người lao động đón nhận. Diễn biến và chuyển xoay khó dự liệu của đời sống kinh tế - xã hội (dịch Covid-19 là thực tế điển hình của thế kỷ 21) cung cấp nhiều bài học quý giá. Đó là sự phối hợp ăn ý giữa địa phương và trung ương; sự liên kết hợp tác thực chất hiệu quả giữa các đơn vị tổ chức kinh tế với cơ sở đào tạo; tầm nhìn, năng lực dự báo của người xây dựng chính sách liên quan đến người lao động; đạo đức công vụ, năng lực quản trị xã hội, doanh nghiệp của người lãnh đạo.

Quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo, kịp thời người lao động ở mọi ngành nghề, lứa tuổi, giới tính, người lao động đang đảm trách công việc nặng nhọc, thủ công, chịu nhiều tác động không tốt cho sức khỏe: công nhân môi trường đô thị, làm đường, bảo vệ; nông dân, nông thôn, hầm mỏ, khai khoáng… dễ mắc bệnh nghề nghiệp càng phải được trân trọng, tôn vinh, đãi ngỗ xứng đáng. Luật, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định ứng xử, đối đãi với người lao động cần thường xuyên được rà soát, cập nhật thực tế để hạn chế lỗ hổng, hạn chế tối đa người lao động chịu cảnh thiệt thòi, mất công bằng trong cống hiến và thụ hưởng âu cũng là thể hiện bản chất chính trị tốt đẹp của chế độ xã hội.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” có thể là câu hỏi khách quan cho mỗi chúng ta trong thời kỳ hội nhập toàn diện và sâu rộng. Vì người lao động, cho người lao động phải trở thành phương châm hoạt động của toàn xã hội để xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, tự do, công bằng, văn minh, hạnh phúc!

Văn Hùng

Theo KTĐU

Từ khóa: