Sự kiện hot
4 năm trước

“Ký sinh trùng” YouTube - Bài 1: Ký sinh từ đám ma đến đám cưới

Không phải cho đến khi YouTube Thơ Nguyễn bị Sở TT-TT tỉnh Bình Dương tuýt còi và xử phạt vì thực hiện các video clip phản cảm, video hướng dẫn lệch lạc hướng vào trẻ em thì mới gióng lên một hồi chuông báo động.

Lâu nay, vấn nạn clip rác, nội dung nhảm nhí, thậm chí là nguy hiểm nhiều lần đã được báo chí và các bậc phụ huynh đặt ra, thậm chí đã trở thành đề tài thảo luận tại Quốc Hội. Người làm Vlog hoàn toàn không nghĩ đến những hậu quả, không ý thức được bản thân đang vi phạm pháp luật khi xâm phạm đời tư người khác như quay lén, rình trộm, xâm nhập gia cư bất hợp pháp chỉ để thoả lòng đăng tải một clip lên YouTube có nhiều lượt xem.

Trong cuộc chạy đua kiếm tiền, không sàn lọc nội dung, không kiểm định thông tin, thậm chí để thông tin càng nhảm nhí, càng sai lệch với họ lại càng kích thích. Ngày càng sản sinh ra những “ký sinh trùng” sống bám vào chủ thể YouTube. Thậm chí, có những kênh đang được yêu mến vì nội dung ý nghĩa, có ích nhưng để “bằng anh bằng em” họ lao vào công cuộc thực hiện clip sáo rỗng, hời hợt vô tội vạ.

Bài 1: Ký sinh từ đám ma đến đám cưới

Không quan trọng nội dung, thậm chí nội dung càng nhảm nhí, càng đánh vào sự tò mò của nhiều người càng tốt, miễn sao mỗi video có số lượt người xem lên đến hàng ngàn, hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ... YouTube là thị trường hấp dẫn, nguồn tiền khổng lồ từ quảng cáo đổ vào đây ngày càng tăng đã kích thích một lượng người đua nhau sản xuất nội dung để đưa lên kênh của họ (có tên gọi là YouTuber). Nhưng, có ngờ đâu, trong cuộc đua cày view, kiếm tiền một cách vô đạo đức này đã để xảy ra nhiều bất cập, thậm chí gây chết người. Thì, đó là những ký sinh trùng vô cùng độc hại, cần loại bỏ khỏi đời sống.

Ký sinh đám ma

Những ngày cuối tháng 12/2020, khi một lượng lớn đám đông tụ tập bên ngoài trung tâm pháp y Sài Gòn ở quận 5 để quay những người nổi tiếng bày tỏ lòng thành kính lần cuối với nghệ sĩ nổi tiếng Chí Tài, người đã qua đời cùng ngày.

Đoạn trực tiếp phổ biến nhất, đại khái có nội dung: "Xin chào các bạn, tôi đang ở nơi lưu giữ thi hài Chí Tài. Hãy chia sẻ video để ngày càng có nhiều người tỏ lòng tri ân đến anh ".

Các YouTuber “bao vây” trước cổng chờ để livestream đám tang nghệ sĩ Chí Tài. Ảnh: MXH  

Khi cánh cổng của trung tâm được mở ra, những người được gọi là người sáng tạo Vlog, những youtuber này đã vội vàng quay cảnh những người nổi tiếng, nhiều người thậm chí còn trèo tường để vào bên trong, xen lẫn giữa nhiều tiếng la hét. Chưa kể trước đó, ở đám tang một nam nghệ sĩ, họ đã tranh nhau phần quay video vô cùng phản cảm.

Mới đây, gia đình ca sĩ Vân Quang Long cho hay đã làm đơn trình báo lên Công an tỉnh Đồng Tháp vào ngày 6/2, đi kèm với đơn tố cáo là đường dẫn clip mà gia đình cố nghệ sĩ đã thu thập. Trong đơn thư, gia đình ca sĩ Vân Quang Long đề nghị cơ quan chức năng điều tra, khởi tố hình sự đối với hành vi làm nhục và vu khống của 8 YouTuber liên quan đến sự việc.

Những clip xuyên tạc, bịa đặt nhắm vào thân nhân nam ca sĩ quá cố Vân Quang Long kèm những bình luận ác ý ngày càng nhiều. Ảnh: Chụp màn hình.  

Phía người thân nam ca sĩ quá cố cho biết họ đã phải chịu nhiều áp lực khi trên mạng xã hội, YouTube liên tục xuất hiện các clip có nội dung sai lệch, xuyên tạc, vu khống về các thành viên. Số lượng clip có nội dung sai sự thật về gia đình xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng. Trong đó, nhiều thông tin xúc phạm bằng những ngôn từ thiếu đạo đức như "tà giáo", "nhà giáo u tối". Đáng sợ hơn, để được lươt xem cao hơn người khác, các YouTuber sẵn sàng bịa ra những câu chuyện mẹ nam ca sĩ đánh bài bạc, nợ nần…

Ký sinh đám cưới, tiệc tùng

Thật không quá khó để bắt gặp một Vlog đăng tải về cô dâu đeo vàng đầy người, chú rể khòm lưng bưng lễ vật trong một lễ cưới nào đó ở tỉnh hay ở thành phố. Thường thì họ sẽ đặt những tiêu đề rất nhạt nhẽo như “Sốc với cô dâu đi không nổi vì số vàng hồi môn đeo trên người”. “Nhà trai bị nhà gái đuổi về vì không đủ sính lễ”… Trong đó, bất kể cô dâu, chú rể, song thân hai đàng đều rõ mồn một mặt mũi trên clip. Bên dưới, họ nhận được vô vàng khen chê, dè bỉu, thậm chí xúc phạm.

Khu Du lịch Đ.N (Bình Dương) một ngày bỗng mở tiệc linh đình mời quan khách đến nghe một doanh nhân… chửi. Ấy vậy mà, lời mời đăng lên chưa đầy 2 giờ đồng hồ đã có hơn 300 người đăng ký, trong đó có phần lớn gương mặt các youtuber đình đám. Mỗi người một smart phone tân tiến nhất, có thể quay được video sắc nét nhất, có người đầu tư hơn thì sử dụng máy quay chuyên dụng, có cả ekip kỹ thuật theo sau… Cốt yếu là để quay được nữ doanh nhân ở trên sân khấu sang sảng buông lời đấu tố về một nhân vật mà cá nhân nữ doanh nhân này cho là lừa đảo.

Các YouTuber tha hồ thêm thắt để hấp dẫn, ly kỳ, mặc kệ việc cơ quan điều tra chưa kết luận đúng sai. Ảnh: Chụp màn hình.  

Âm thanh chuẩn rõ, kỹ thuật hiện đại, từ câu chuyện nghe được tại đây, các YouTuber tha hồ thêm thắt để hấp dẫn, ly kỳ, mặc kệ việc cơ quan điều tra chưa kết luận đúng sai, mặc cho bản thân đang bôi nhọ, phát tán, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác một cách có đầu tư, có kịch bản.

Ký sinh "giả sư"

Đầu năm 2021, trên một số kênh YouTube đăng tải hàng loạt clip về ông Nguyễn Minh Phúc (ngụ Củ Chi, TP.HCM) mặc áo tu sĩ Phật giáo có những phát ngôn, hành động phản cảm, trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam)... Điều đáng nói, số lượng người tìm đến nhà ông Phúc thời điểm đó để quay, đăng tải những clip về hành động, phát ngôn của ông Phúc lên các kênh YouTube ngày càng tăng, các video liên tục được cập nhật, người lăng mạ chửi bới, người đòi “xử” tìm đến tận nhà gây rối loạn cả trên mạng xã hội lẫn địa phương một thời gian.

Kẻ giả sư ăn thịt, được YouTuber mua thịt "làm mồi" để được quay clip.  

Cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc xác định ông Phúc là “thầy tu fake”, sử dụng các loại giấy tờ, quyết định giả mạo rồi tự xưng là tu sĩ. Nơi ở của ông Phúc không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là "chùa Hoằng pháp Trung ương". Sau đó, địa phương đã triệu tập cuộc họp, xử lý đối với những sai phạm của ông Phúc, đồng thời nghiêm cấm người dân đến nhà ông Phúc ghi hình, đăng thông tin những hoạt động, phát ngôn của ông Phúc lên các kênh YouTube thì mọi chuyện mới tạm lắng xuống.

T.H Vlog là tên một kênh YouTube khá quen thuộc với các bạn trẻ trên mạng cũng là chỗ quen biết với người viết. T.H sở hữu một kênh YouTube và luôn “chịu khó” đi săn lùng những clip độc, lạ… đầy tính câu view, dẫu cho nội dung thì nhảm nhí miễn bàn.

Khi được hỏi động lực nào khiến bạn không ngại chỗ đông người, bất kể lạ quen, lúc nào cũng lăm le điện thoại, mở sẵn trình quay lao vào cuộc đua clip, bạn trả lời “Ai cũng làm, có view, được trả tiền quảng cáo thì làm thôi”.

Những năm trở lại đây, những video ăn sâu bọ sống, phá hoại đồ đạc, đốt xe, thử thách làm chó, nhạo báng, vu khống, cách thắt cổ mà vẫn thở hay nuốt những đồ vật mà không sao… xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Chủ nhân của những clip nhảm nhí ấy vì lợi nhuận, vì câu view mà bất chấp những hệ lụy gây hậu quả khôn lường tới trẻ em và một đại bộ phận đang độ tuổi nhận thức.

(Bài 2: Khi đạo đức bị đè dưới nút vàng, nút bạc…)

Kiều Trang

Theo Ngày nay

Từ khóa: