Bản Lung Tang (xã Hồng Ngài) là vùng đất xa xôi, heo hút nhất của huyện Bắc Yên (Sơn La). Vượt qua gần 50 km “đau khổ” với nửa ngày đường bắt đầu từ thị trấn Bắc Yên tôi mới gặp được “vua” chuột Đinh Văn Của ở bản Lung Tang. Nơi đây, thịt chuột gần như là thứ đặc sản mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức...
Bản Lung Tang (xã Hồng Ngài) là vùng đất xa xôi, heo hút nhất của huyện Bắc Yên (Sơn La). Vượt qua gần 50 km “đau khổ” với nửa ngày đường bắt đầu từ thị trấn Bắc Yên tôi mới gặp được “vua” chuột Đinh Văn Của ở bản Lung Tang. Nơi đây, thịt chuột gần như là thứ đặc sản mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức...
Diện kiến “vua” chuột
Bản Lung Tang nằm vắt vẻo trên độ cao 1.000 m so với mực nước biển, bao bọc xung quanh bởi rừng xanh, núi thẳm. Tuy khoảng cách từ bản ra đến trung tâm của huyện chỉ chưa đầy 50 km nhưng hệ thống giao thông là một cách trở và đầy khó khăn.
Sẽ chẳng có gì để tôi khám phá mảnh đất này nếu không có một nhân vật đặc biệt rất nổi tiếng: Đinh Văn Của, người mà bản Lung Tang ưu ái thường gọi là “vua” săn chuột đá.
Năm nay vừa tròn 30 tuổi, Đinh Văn Của là người Mông, đã có vợ và 4 người con, nhưng vì bệnh tật nên hai đứa con đầu của anh đã “theo núi rừng” từ khi mới chập chững biết đi. Giờ còn 2 đứa, đứa lớn lên 10 tuổi, đứa bé thì ít hơn 1 năm.
Con đường hun hút đến nơi bẫy chuột.
Vợ chồng Của nghề chính vẫn là trồng ngô, lúa và sắn trên những dãy đồi cao ngút ngàn của bản Lung Tang. Nhưng nghề săn chuột đá cũng mang lại một khoản tiền không nhỏ cho gia đình anh.
Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ ẩm thấp lè tè của anh ẩn dưới một ngọn núi cao và con đường dốc dựng đứng. Khi tôi xưng là phóng viên, lên để viết bài về Của thì anh tỏ ra lạ lẫm. Với Của, khái niệm phóng viên hay nhà báo đều rất xa vời, cái dễ hiểu và dễ nói nhất của Của về tôi là “cán bộ”.
“Cán bộ cũng thích săn chuột đá à, nếu đi thì phải khoảng 10 giờ đêm mới đi được. Giờ cán bộ cứ nghỉ ngơi ở nhà tao đã, rồi tối đi cùng tao cho biết” - Của tỏ ra rất dễ tính và cởi mở.
Của bảo, đi săn chuột thì phải no cái bụng đã, không no thì không leo được núi đâu. Thế nên, tôi được Của mời ở lại, ăn bữa cơm đạm bạc cùng gia đình anh. Nhà Của không nuôi lợn, gà gì cả, tôi nhờ Của đi mua chai rượu cùng con gà về nhâm nhi. Của vui lắm vì “hôm nay được uống rượu với cán bộ dưới xuôi”.
A Mẩy, vợ Của bảo, có “cán bộ” bữa cơm thường ngày vui hẳn lên, vợ và con Của không biết nói tiếng Kinh nên hỏi gì, nói gì đều được Của phiên dịch. Vợ lớn hơn Của 1 tuổi, nhưng Của bảo vì nó là vợ nên cho nó ít tuổi thôi. Nó không được nhiều tuổi hơn mình.
Thế nên, Của cho vợ “ít hơn” mình 2 tuổi. Hai đứa con, Của cũng chẳng nhớ sinh năm nào, chỉ áng chừng từng đó tuổi. Thời trước, để có được “con vợ” như thế này, Của phải kéo thêm 6, 7 thanh niên mới “bắt” được.
“Ngày đó tao đi nhiều người lắm, đến nhà A Mẩy thì ngồi chờ ở bên ngoài. Khi thấy Mẩy ra ngoài nhà là bọn tao lao lên hết, mấy đứa đi cùng thì giữ lấy bố mẹ Mẩy, còn tao và mấy đứa nữa thì kéo Mẩy chạy thật nhanh về nhà. Sau khi cúng con ma trong nhà cho Mẩy, thì Mẩy trở thành vợ tao đấy” - Của kể về việc lấy vợ “vất vả” như thế.
A Mẩy bảo lúc đó sợ lắm, khi mới về nhà Của thì nhớ bố mẹ, nhớ mấy đứa em. Nhưng bố mẹ Mẩy bảo giờ Mẩy là người của nhà Của, làm ma nhà Của và phải sinh con đẻ cái cho Của nữa. Từ giờ Mẩy không phải là con của bố mẹ. Mẩy sợ, khóc đến mấy ngày mới thôi.
Gần 10 giờ tối, khi sương đã phủ kín cả bản Lung Tang, khi những người dân trong bản đã chìm trong giấc ngủ, Của bảo tôi chuẩn bị để đi săn chuột. “Sẽ vất vả đấy nhé, cán bộ phải đi theo kẻo lạc đường là không tìm về được nhà đâu” - Của dặn dò tôi trước khi lên xe đi sâu vào rừng.
Xuyên đêm săn chuột đá
Dụng cụ Của mang theo là chiếc đèn soi buộc trên đầu cực sáng. Của khoe mua ở dưới thị trấn hết 400 nghìn đồng. Tuy nhỏ hơn cái nắm tay, nhưng mỗi lần sạc pin, Của dùng được 4, 5 ngày. Hết pin, Của lại đi nhà hàng xóm có máy nổ phát điện để xạc nhờ. Ngoài chiếc đèn, Của đeo bên mình là chiếc túi nhỏ để đựng chuột và một ít mồi như dế, châu chấu đã được nướng thơm.
Đến nơi, Của dừng xe ở chân núi, bảo tôi bật đèn pin để chuẩn bị đi xem bẫy. Đây là những chiếc bẫy chuột mà Của đã đặt từ lúc chiều, trước khi chúng tôi đến nhà. Của bảo, đặt sớm như thế vì còn về ăn cơm, đó cũng là giờ chuột thường đi kiếm ăn buổi tối. Theo kinh nghiệm trong “nghề” thì chuột thường ăn từ lúc khoảng 18 - 21 giờ, khoảng 0 - 1 giờ và 5 - 7 giờ sáng.
"Thành quả" sau một đêm trắng sương núi là những con chuột đá béo ngậy.
Trước Của thường làm bẫy tre, giờ người ta đã sản xuất các loai bẫy bằng sắt rất chắc chắn lại đơn giản và hiệu quả. Toàn bộ bẫy chuột Của mua dưới thị trấn Bắc Yên. “Dùng mấy năm rồi mà chẳng hỏng cái nào, trước đi đặt bẫy tre vừa vất vả mà lại bẫy được ít lắm. Giờ bẫy bằng sắt, đêm nhiều thì trăm con, vài trăm con cũng có” - Của bảo.
Nơi Của đặt bẫy chuột là ruộng ngô của gia đình. Dò dẫm theo chân Của, tôi đi một vòng kiểm tra khoảng 50 chiếc bẫy ở nhiều vị trí. Trong bóng tối và cây cối heo hút như vậy mà Của nhớ không sót một chiếc nào.
Lượt đi này, chúng tôi thu được khoảng 10 con chuột đá. Vì đang vào mùa ngô nên những con chuột đá trông béo ngậy. Theo Của thì chỉ đi săn vào mùa ngô thôi, vì không phải mua thì chuột vừa ít, vừa không béo.
Thường thì Của bán 5.000 đồng/con. Có hôm được nhiều, Của cũng thu được khối tiền. Của bảo: “Hôm nào nhiều mới bán, chứ đi săn thế này về chủ yếu cho con và vợ ăn thôi. Ở đây người nào cũng muốn mua lắm nhưng tao không bán hết đâu. Thịt chuột con ngon hơn cả gà, cả lợn cho nên để ăn cán bộ ạ”.
Chúng tôi thêm một vòng đi kiểm tra bẫy, lần này thu về khoảng 20 con chuột nữa. Cái túi xách bên mình Của đã nặng hơn. Chúng tôi lại ngồi ở vị trí cũ, Của bật lửa nhóm lên những ngọn lửa cháy bùng giữa rừng núi hoang vu. Của tìm kiếm một vài bắp ngô con tươi, chúng tôi cho lên bếp than hồng. Mùi thơm dậy cả núi rừng. Hơi ấm tỏa ra, chúng tôi ăn, rồi trò chuyện và chìm trong giấc ngu.
Sáng sớm, khi tiếng chim đa cất lên. Khi tiếng dế đã không còn chúng tôi trở về khi mặt trời đã ló ra khỏi đỉnh núi xa xa. Một chuyến đi săn, hơn 60 con chuột béo ngậy. Vì có “cán bộ” nên Của bảo sẽ không bán, mà sẽ làm bữa thịt chuột để uống rượu.
Những con chuột được làm sạch lông, được nướng dưới ngọn lửa thơm phưng phức. Được thái nhỏ, được rang với dầu, với gừng và hương vị của núi rừng. Một mùi thơm nồng đặc trưng và béo ngậy. Những tiếng vui cười, những lời chúc tụng vang vọng giữa nui rừng.
Phung Bình
Theo GD&XH