HĐND tỉnh Quảng Trị vừa thông qua nghị quyết về quản lý sử dụng đất, trong đó có việc yêu cầu tạm dừng khai thác titan của Công ty TNHH MTV Hoàng Khang tại cụm công nghiệp Đông Gio Linh (huyện Gio Linh).
HĐND tỉnh Quảng Trị vừa thông qua nghị quyết về quản lý sử dụng đất, trong đó có việc yêu cầu tạm dừng khai thác titan của Công ty TNHH MTV Hoàng Khang tại cụm công nghiệp Đông Gio Linh (huyện Gio Linh).
Đây là một điển hình về việc lách chỉ thị của Thủ tướng để khai thác trái phép titan.
Giàn máy khai thác titan của Công ty Hoàng Khang tại cụm công nghiệp Đông Gio Linh - Ảnh: Lê Đức Dục
Khai thác lén lút
|
"Không cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng. Đối với những mỏ đang khai thác, Bộ Tài nguyên - môi trường, ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức kiểm tra, nếu không bảo đảm môi trường thì thu hồi giấy phép, yêu cầu phục hồi môi trường và đưa vào quy hoạch dự trữ quốc gia"
(Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng)
|
|
Từ đường xuyên Á rẽ vào khoảng 250m, trên khu đất rộng 50ha (ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt) những bức tường bằng tôn cao 3-4m của Công ty Hoàng Khang được dựng đứng che khuất tầm nhìn. Qua quan sát có thể thấy có ba nhóm giàn khoan titan đang án ngữ trong khu đất. Ở tường phía bắc, một dãy núi cát ùn lên cao cả chục mét, đây là cát được các giàn khoan hút lên để lọc titan rồi thải ra.
Chị Hoàng Thị Thắm, công nhân xưởng chế biến cá ngay trước cổng công ty, cho biết công ty này thường khai thác titan vào ban đêm. Đêm 16-8, chị vẫn nghe tiếng máy khoan titan bên trong công ty chạy ầm ầm. Anh Nguyễn Văn Ơn, thôn Xuân Tiến, nói cách đây mấy tháng khi Công ty Hoàng Khang về mở công ty, mọi người đều thấy xe chở giàn khoan titan ùn ùn đi vào công ty. Một số giàn được chở từ cổng chính vào ban đêm, số còn lại được chở đường tắt và đưa vào cổng phụ ở phía tây. Ngay thời điểm đó, dân làng đã kiến nghị chính quyền địa phương, yêu cầu ngăn chặn việc khai thác titan nhưng vẫn không thấy phản hồi nào.
Từ khi Công ty Hoàng Khang khai thác titan, dòng khe Bác Vọng chảy qua thôn Xuân Tiến trở thành con suối chết. Không có con cá nào sống nổi. Cả một khoảng sông Hiếu cá tôm cũng thưa dần bởi nước thải của công ty đổ thẳng ra suối. “Khi cho đặt công ty tại đây thì chính quyền nói là để giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nhưng sau khi làm được công ty, chúng tôi vào xin việc đều bị từ chối. Hiện trong đó chỉ có công nhân từ nơi khác đến” - anh Ơn kể. Theo một cán bộ xã Gio Việt, hiện số lượng giàn khoan titan đã giảm, trước đó trong khuôn viên công ty có tới hơn mười giàn hoạt động.
Giàn máy khai thác titan của Công ty Hoàng Khang tại Cụm công nghiệp Đông Gio Linh - Ảnh: Lê Đức Dục
Xây cụm công nghiệp trên... mỏ khoáng sản
|
Sẽ xử lý nghiêm
Trước khi trình HĐND dự thảo nghị quyết có liên quan đến vụ khai thác titan ở cụm công nghiệp Đông Gio Linh, ông Nguyễn Đức Cường - chủ tịch UBND tỉnh - nói không nên đưa từ “đình chỉ” mà phải gọi là “dừng khai thác”. “Không thể gọi là đình chỉ vì mình có cấp phép đâu mà đòi đình chỉ?” - ông Cường nhấn mạnh. Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh, ông Cường khẳng định sẽ “xử lý nghiêm” vụ việc này.
|
|
Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh, bà Trần Thị Thảo - phó chủ tịch UBND huyện Gio Linh, địa bàn có Công ty Hoàng Khang đang là chủ đầu tư kiêm thi công công trình cụm công nghiệp Đông Gio Linh - đưa ra thông tin đáng chú ý: trên diện tích 70ha đang xây dựng cụm công nghiệp Đông Gio Linh, trước đây được xác định là mỏ khoáng sản titan. Núp dưới danh nghĩa “xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp”, số khoáng sản titan nằm dưới diện tích đất được Công ty Hoàng Khang đào xới và mang đi. Vì là đầu tư xây dựng hạ tầng ngay trên vùng đất được xác định là “mỏ” nên mới có chuyện “đào mỏ”. Từ bấy đến nay, Công ty Hoàng Khang quây kín “lãnh địa” 50ha trong tổng số 70ha quy hoạch, phần 20ha còn lại do người dân địa phương phát hiện có chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” nên cương quyết không chịu bàn giao.
Cũng tại phiên thảo luận của kỳ họp, bà Trần Thị Thảo cho biết huyện có đề nghị Công ty Hoàng Khang nhượng lại 20ha của dự án cấp cho công ty để làm làng nghề truyền thống. Khi bà Thảo chuẩn bị rời bục, ông Lê Hữu Phúc - bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh - đã đặt vấn đề thêm với bà Thảo: “Cụm công nghiệp là của huyện, do huyện quản lý, sao lại phải đi “xin” lại doanh nghiệp?”. Bà Thảo cho biết số diện tích đất này được UBND tỉnh cấp cho Công ty Hoàng Khang, theo thỏa thuận ban đầu là sau khi xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, công ty này sẽ bàn giao cho huyện một phần diện tích đã hoàn chỉnh hạ tầng để triển khai cụm làng nghề truyền thống. Hạ tầng không thấy đâu, chỉ thấy những giàn khoan khai thác titan mọc lên. Không ít người cho rằng chỉ cần tận thu hết số lượng titan trong cụm công nghiệp cũng đủ để công ty vớ bẫm.
Không phải ngẫu nhiên mà Công ty Hoàng Khang “nhảy dù” xuống vùng đất vốn được xác định là mỏ quặng titan. Theo thông lệ, khi xây dựng các cụm công nghiệp, UBND huyện lập đề án, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện sẽ là chủ đầu tư cụm công nghiệp. Tuy nhiên, với cụm công nghiệp Đông Gio Linh, thay vì UBND huyện trở thành chủ đầu tư, UBND tỉnh lại cho phép Công ty Hoàng Khang được đầu tư 100% vốn cho cơ sở hạ tầng. Liệu vấn đề này có liên quan gì đến chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản? Bởi một khi bị cấm khai thác, doanh nghiệp sẽ tìm cách lách luật dưới một danh nghĩa khác, với Công ty Hoàng Khang chính là việc khai thác titan dưới danh nghĩa “đầu tư hạ tầng”.
theo Tuổi Trẻ