Trong một nền kinh tế suy thoái toàn cầu, với lãi suất cho vay 15%/năm, các NHTM đang bắt nền kinh tế phải chịu giá cả sử dụng vốn quá cao. Điều này càng đẩy nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng.
Trong một nền kinh tế suy thoái toàn cầu, với lãi suất cho vay 15%/năm, các NHTM đang bắt nền kinh tế phải chịu giá cả sử dụng vốn quá cao. Điều này càng đẩy nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng.
Cái lý của các ngân hàng
Lãi suất là chi phí hay giá cả sử dụng vốn, lãi suất tiền vay có nguồn gốc từ lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp doanh nghiệp (DN). Các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ có thể “sống” được khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có hiệu quả và phát triển. Trong một nền kinh tế suy thoái toàn cầu, với lãi suất cho vay 15%/năm, các NHTM đang bắt nền kinh tế phải chịu giá cả sử dụng vốn quá cao. Điều này càng đẩy nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) tả tơi như xác pháo nên việc huy động vốn qua kênh này tê liệt, kênh huy động vốn quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn từ các NHTM. Các DN thiếu vốn không có cách nào khác là gõ cửa các ngân hàng (NH). Cũng chính vì vậy, lãi suất là một quyền lực lớn của các ông chủ NH.
Trước khi có khủng hoảng tài chính, vào giữa năm 2007, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 12%/năm. Thế rồi, từ những biến động xấu từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất cho vay cứ thế leo thang. Đỉnh điểm nhất có thể ghi nhận là vào giữa năm 2008, lãi suất leo thang đụng trần 21%/năm.
Các NH TM thường đưa ra lý lẽ, do lạm phát cao nên các NH phải huy động vốn với lãi suất cao nên phải cho vay cao. Nếu cho vay thấp hơn lãi suất sẽ bị lỗ. Bằng chứng là đã có không ít NH nợ đọng, nợ xấu đang đứng trước nguy cơ phá sản đó sao…
Vậy ta thử mổ xẻ cái “lý” này của mấy ông chủ nợ xem hợp lý đến đâu.
Trong nền kinh tế của thị trường lành mạnh, lãi suất cho vay thường phải tuân thủ theo bất phương trình: L1 < L2 < L3 < L4. Trong đó, L1 là mức lạm phát, L2 là lãi suất huy động, L3 là lãi suất cho vay, L4 là tỷ suất khả năng sinh lợi bình quân xã hội trong cùng kỳ hạn. Chỉ số này tương đồng với tốc độ tăng trưởng GDP trong cùng kỳ hạn lãi suất, thường được tính theo năm tài chính.
Nói nôm na, lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát, như thế mới có thể đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Tiếp theo là việc cho vay phải thu lãi cao hơn lãi suất huy động, bởi NH là tổ chức kinh tế, không thể uống nước lã để làm dịch vụ không công cho DN. Huy động được vốn, cho vay ra phải có chênh lệch để bù vào các chi phí quản lý. Vấn đề nan giải nhất là lãi suất cho vay phải nhỏ hơn khả năng sinh lợi của nền kinh tế. Nếu L3> L4, đương nhiên, các DN làm ăn bình thường, chân chính sẽ chết.
Cũng bởi bị chi phối bởi quy luật khắc nghiệt như đã nói ở trên, nên mới có chuyện, trong nhiều năm trời, trong điều kiện kinh tế bình thường, lãi suất huy động của các NH thương mại ở Mỹ và các nước EU, thường chỉ dao động trên dưới 1%/năm. Lãi suất cho vay thường cao hơn lãi suất huy động khoảng 1%. Cá biệt, có khoản lên tới 2%/năm. Với các NH thương mại, như thế đã sống khoẻ. Bởi nguồn thu của họ không chỉ trông chờ vào tín dụng mà còn có phần quan trọng khác là từ dịch vụ.
Với một số nước khu vực ASEAN có nhiều điểm tương đồng với ta, mức huy động có cao hơn một chút, cũng chính vì thế mà mức cho vay thường cao hơn. Thí dụ, hiện nay mức lãi suất huy động ở Thái Lan là 2%/năm. Con số này ở Trung Quốc là 3,25%; Mỹ 0,5%, Nhật 1%... Theo đó, mức cho vay cứ cộng thêm xấp xỉ 1%.
Nhờ có nguồn vốn huy động giá rẻ, ở những xứ này, lãi suất cho vay chỉ độ 1- 3%/năm. Nhắc đến điều này để thấy rằng, mức lãi suất cho vay 15%/năm không phải là một đặc ân của ngân hàng dành cho DN mà thực ra đây chỉ là chuyện riêng có ở xứ ta.
Lãi suất vay vốn là một trong những yếu tố tạo nên giá thành của sản phẩm. DN được vay vốn với giá rẻ sẽ có cơ hội giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, yên tâm đầu tư chiều sâu, nhờ đó sản phẩm có cơ hội vươn ra ngoài biên giới quốc gia.
NH quen ăn đậm
Quay trở lại chuyện xứ ta. Tại thời điểm này, khi vốn được huy động từ các nguồn, ngắn hạn, dài hạn tựu chung chỉ khoảng 9%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay ở thời điểm hiện nay đang ở mức 15- 18%/năm. Mức chênh lệch giữa huy động và cho vay khoảng từ 7- 9%/năm. Theo tính toán về chỉ số giá tiêu dùng, tỷ lệ lạm phát hiện đang ở mức 5,5 - 6%/năm, mức chênh lệch giữa lạm phát và cho vay khoảng hơn 10%/năm. Nhìn thấy con số này, so với các nước, có vẻ như các NH thương mại “ăn dày” quá.
Trong khi đó, những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ đưa ra con số tăng trưởng kinh tế trong năm nay chỉ từ 5- 6%. Con số này đồng nghĩa với việc khả năng sinh lợi bình quân của cả nền kinh tế cũng chừng ấy. Vậy, với giá vốn 15%, những doanh nghiệp nào có thể chịu nổi? Chính vì thế, một DN trong lĩnh vực xây dựng cho biết: Thi thoảng, cần kíp một khoản thiếu hụt thanh toán cho một dự án hời, cũng phải gõ cửa ngân hàng. Xong xuôi, bằng cách này cách nọ phải thu xếp để trả sớm, nếu không chẳng có cách nào sinh lợi để trả nổi khoản lãi vay cắt cổ ấy.
Một nghịch lý là, cái mức lãi 15%/năm ấy, tưởng như là một đặc ân của NH nhưng thực chất cũng chỉ là những lời khuyến cáo, còn việc có đưa mức lãi vay cũ cao ngất ngưởng về 15% nhưng DN có được hưởng hay không còn tuỳ thuộc vào các NH TM.
Một doanh nhân trong ngành thuỷ điện hiện có năm khế ước vay vốn ở các NH, trong đó phần lớn là phải chịu lãi trên 16%/năm. Một số khế còn ghi chung chung là: chênh so với trần huy động là 3,5%/năm. Giờ đây, nghe tuyên bố của Thống đốc mà sung sướng như nở từng khúc ruột. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi dưới 15%/năm, chắc còn nhiều việc phải làm, kể cả việc phải lobby với cán bộ ông tín dụng.
Thị trường xấu, DN khốn đốn, loay hoay tìm cách tồn tại, trong khi các NH thương mại vẫn cho vay với giá cao ngất ngưởng. Con số 15%/năm so với một vài năm trước đang là ước mơ của những khổ chủ phải liên luỵ đến NH. Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra so với các nước khu vực thì đây vẫn là cái giá cắt cổ.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của UB Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/6 tăng 0,17% so với đầu năm, cải thiện đáng kể so với mức -0,28% tính đến ngày 31/5. Với một nền kinh tế non trẻ đang phát triển, con số trên là một tín hiệu xấu.
Cuộc suy thoái kinh tế đã khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động dẫn đến hàng triệu người thất nghiệp. Những hiện tượng trên, một phần do những tác động khách quan không mong muốn, nhưng có một phần rất quan trọng là hệ quả của chính sách tiền tệ như hiện nay.
Phan Thế Hải
Theo Vietnamnet