Giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp trung dài hạn thêm 1-1,5% là nhiệm vụ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong năm nay. Tuy nhiên, qua các diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây, không thể không đặt câu hỏi nhiệm vụ này liệu có khả thi?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sức ép từ nhiều phía
Các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, lãi suất đang chịu sức ép tăng do huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tăng chậm hơn cho vay.
Các chuyên gia này đưa ra dẫn chứng, tính đến 31/3/2015 tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,9%, ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm.
Trong đó, cho vay bằng VND tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%. Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng lên 84%, cao hơn mức 83% (tháng 12/2014). Đáng chú ý là tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.
Sự sụt giảm này cũng được thể hiện ở một số ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng trưởng tín dụng âm trong quý 1 như Ngân hàng An Bình khi dư nợ cho vay của ngân hàng này chỉ đạt 23.436 tỷ đồng, giảm 9,75%; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Exim Bank) giảm 5,6%, đạt 82.263 tỷ đồng; Ngân hàng Sài Gòn Công thương giảm 0,73%, đạt 11.149 tỷ đồng.
Bên cạnh tín dụng tăng chậm, tại Việt Nam có một thực trạng khá phổ biến, đó là sự tăng giá của những loại mặt hàng, vật tư quan trọng như điện hoặc xăng dầu sẽ tác động tới tâm lý chung của xã hội khiến giá cả các mặt hàng khác tăng theo và tác động làm tăng lạm phát. Theo lý thuyết, khả năng giảm lãi suất lại tỷ lệ nghịch với đà tăng của lạm phát.
Để có thể giảm lãi cho vay doanh nghiệp thì lãi suất huy động cũng cần được giảm theo. Từ đầu năm, việc lạm phát của Việt Nam ở mức thấp được đánh giá là điều kiện quan trọng để giảm mặt bằng lãi suất bởi hai yếu tố này luôn có mối quan hệ mật thiết. Tuy nhiên, trong hai tháng trở lại đây, CPI đang có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đến cuối tháng Tư tăng 0,99% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính trong đó là do giá điện và giá xăng tăng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng, quyết định sử dụng nốt 1% mức điều chỉnh tỷ giá còn lại của năm nay giữa đồng Việt Nam và đồng USD của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là phù hợp, đúng thời điểm. Tỷ giá tăng là đòi hỏi tất yếu của thị trường, nhưng từ đây cũng bộc lộ nhiều vấn đề, trước hết là lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0,75%/năm (tháng 10/2014) đã khiến lượng ngoại tệ gửi vào ngân hàng thương mại giảm sút đáng kể. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng tuy giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi bằng USD.
Cũng theo ông Kiêm, hiện cả thị trường chứng khoán và bất động sản đã bắt đầu khởi sắc trở lại, sẽ hút một lượng vốn đáng kể. Do đó, các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài. Vì từ tháng 2/2015, theo Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng sử dụng đến 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Lãi suất giảm-cần từ nhiều phía
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2015 hồi cuối năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết việc duy trì ổn định mức lãi suất như năm 2014 cũng đã hết sức khó khăn. Trong khi đó, áp lực tăng lãi suất trong năm 2015 là rất lớn khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhu cầu vốn cũng cao hơn.
Khoảng cách giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài bị thu hẹp, đường cong lãi suất sẽ không còn đẹp như trước. Điều này báo hiệu thị trường trong thời gian sắp tới có thể có những biến động. Việc quan ngại về lạm phát tăng mạnh trong năm nay là quá sớm, nhưng vấn đề nằm ở năm sau, khi độ trễ của những chính sách hiện nay chín muồi, cũng là thời điểm cho những bất cập bộc lộ.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cũng cho rằng, hiện nay lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 10%-11%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khoản vay ở các dự án được hưởng lãi suất thấp hơn nhiều. Ngoài ra, một số ngân hàng còn chấp nhận cho ân hạn gốc và lãi trong 6 tháng đến một năm, hay năm đầu lãi suất chỉ 6%-7%/năm...
"Như vậy, có thể thấy lãi suất cho vay không còn cao và hiện là mức phù hợp so với thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô. Mặt bằng chung của lãi suất cho vay (cả ngắn hạn và trung dài hạn) hiện khoảng 8%/năm, so với lãi suất huy động 5%-6%/năm nên sẽ rất khó giảm thêm,” ông Tuệ phân tích.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới vẫn có thể giảm nhờ vào những chính sách khác của Ngân hàng Nhà nước. Chuyên gia này phân tích, Ngân hàng Nhà nước có thể mua nhiều trái phiếu hơn, qua đó giảm lãi suất trên thị trường mở và từ đó tạo ảnh hưởng để các tổ chức tín dụng dư dả thanh khoản hơn thì họ sẽ hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay, còn các ngân hàng tiết giản được chi phí quản lý thì họ cũng sẽ có thể có điều kiện để giảm lãi suất.
Thúy Hà
theo Vietnam+