Mặc dù lãi suất giảm nhanh, song điều kiện, thủ tục vay vốn vẫn là rào cản doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về tính ổn định và minh bạch trong mối quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng.
Mặc dù lãi suất giảm nhanh, song điều kiện, thủ tục vay vốn vẫn là rào cản doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về tính ổn định và minh bạch trong mối quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng.
Hạ lãi suất: cơ hội mới mở một nửa
Tại hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp do UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 20.7.2012, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Intimex, Đỗ Hà Nam, cho biết, lãi suất tín dụng trồi sụt bao nhiêu, doanh nghiệp lãnh đủ.
Đơn cử năm 2011, chỉ riêng chi phí về lãi suất của doanh nghiệp lên tới 150 tỷ đồng. "Có thể nói, chúng tôi làm được bao nhiêu, chỉ đủ trả tiền lãi cho ngân hàng. Nhưng chúng tôi cũng xác định, sống được là quý rồi, để qua cơn khó khăn tính tiếp", ông Nam nói.
Câu chuyện doanh nghiệp của ông Nam là một lát cắt nhỏ trong bức tranh về quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp - ngân hàng được nêu lên tại hội nghị. Ngoài vấn đề lãi suất quá cao, các thủ tục vay vốn cũng là một rào cản lớn khiến các doanh nghiệp cực kỳ khó tiếp cận vốn. Tổng giám đốc công ty TNHH Lexim Nguyễn Thu Hà, cho biết, là khách hàng quen của nhiều ngân hàng khác nhau, 11 năm qua, doanh nghiệp chưa bao giờ trả chậm một ngày. Vừa qua, Lexim làm thủ tục vay vốn tại chi nhánh Hà Nội của ngân hàng Vietinbank. Phương án kinh doanh đã rõ, tài sản thế chấp đầy đủ, song hơn một tháng nay, mỗi hôm phía ngân hàng lại đưa ra một yêu cầu bổ sung thủ tục.
Một công ty có “hồ sơ đẹp” như Lexim mà khó khăn trong việc vay vốn như vậy,
thì thử hỏi những doanh nghiệp khác sẽ ra sao?
"Thử hỏi, một công ty có "hồ sơ đẹp" như chúng tôi mà khó khăn như vậy, thì thử hỏi những doanh nghiệp khác sẽ ra sao? Ngân hàng nhiều vốn, thông thoáng như Vietinbank còn như vậy, nói gì những ngân hàng khác", bà Hà đặt câu hỏi.
Giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực máy móc, thiết bị xây dựng cho biết, cũng vì thiếu vốn, mà doanh nghiệp để tuột mất cơ hội mua một lô thiết bị, máy móc có giá rẻ. Khó khăn chồng khó khăn, khi mà 6 tháng liền, doanh nghiệp này không bán được một thiết bị nào như xe tải, máy gắn cầu... Bà Hà lo lắng: "Lãi suất 15%/năm, chúng tôi đã mong đợi hàng năm nay rồi. Hôm qua, Eximbank, MHB đã chính thức hạ tất cả các loại lãi suất cũ chúng tôi đang vay tại ngân hàng này. Nhưng câu hỏi đặt ra là, mức lãi suất này được duy trì bao lâu? Vì chúng tôi đã từng được vay 8%/năm trong năm 2010, nhưng sau khi mua một đống máy móc, khoản vay đã vọt lên tới 24% trong năm 2011. Mong muốn của chúng tôi là mức lãi suất dưới 15%/năm được giữ ít nhất trong vòng 1 năm".
Cả năm: tín dụng tăng trưởng 8-10%
Ngay sau chia sẻ của bà Hà, phó tổng giám đốc ngân hàng Vietinbank Lê Đức Thọ đã làm việc nhanh với chi nhánh Vietinbank Hà Nội và thông báo ngắn gọn trước khi hội nghị kết thúc: trường hợp của Lexim sẽ được xem xét ngay trong chiều 20.7! Cũng theo ông Thọ, hiện 85% dư nợ của Vietinbank được hưởng lãi suất dưới 15%/năm. Thậm chí, những doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề được khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu..., lãi suất tín dụng chỉ từ 10,5 - 12.5%; đặc biệt cho vay thu mua lúa gạo, có thời điểm chỉ còn 9% - 10%; cho vay tiêu dùng ở 13,5 - 14,5%.
Phó giám đốc sở KHĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam thông tin, 6 tháng đầu năm, GDP của TP tăng 7,6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch tăng trưởng 10 - 10,5% trong năm nay. Môi trường kinh doanh khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới trên địa bàn chỉ bằng 46% về số lượng và 44% về số vốn so với năm trước, trường hợp doanh nghiệp phải ngừng hoạt động gia tăng.
|
Giám đốc NHNN TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương, xác nhận, đến thời điểm nay, đại đa số các ngân hàng trên địa bàn đều đã thực hiện chủ trương giảm lãi suất về dưới 15%/năm theo chỉ đạo trước đó của Thống đốc NHNN. Riêng các khoản vay cho các đối tượng ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mức lãi suất bình quân ở mức 11 - 13%/năm. Cũng theo cơ quan này, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đạt 4,38%, trong đó riêng tháng 6 tăng 2,5%, mà nguyên nhân quan trọng, theo bà Sương, là nhờ lãi suất tín dụng giảm mạnh.
Trả lời câu hỏi của tổng giám đốc Lexim, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho biết: trong bối cảnh lạm phát cả năm được dự báo 7 - 8%, mức lãi suất tín dụng 14 - 15%/năm hoàn toàn có thể ổn định được. "Tôi khẳng định, mức lãi suất này có thể duy trì được ít nhất một năm, và tôi cố gắng để thời gian ổn định dài hơn nữa, với mức lãi suất thấp hơn nữa", ông Bình trấn an. Người đứng đầu NHNN cũng cho rằng, hiện các ngân hàng có sự cạnh tranh rất quyết liệt, nên nếu Vietinbank Hà Nội làm khó, doanh nghiệp như Lexim có thể "sang chi nhánh khác cho tôi nhờ. Trường hợp như doanh nghiệp của chị, nhiều ngân hàng đang muốn săn lùng", ông Bình khuyên.
Thống đốc cũng phân trần, khoản lãi suất 150 tỷ đồng Intimex phải trả cho ngân hàng, không phải ngân hàng được "bỏ túi", mà phải chi trả cho người gửi tiền với mức lãi suất ít nhất 14%/năm (mức trần huy động trong năm 2011)
Chia sẻ với băn khoăn của chủ tịch HĐQT công ty thép Bắc Việt, yêu cầu giảm lãi suất khoản vay cũ về dưới 15% có yếu tố pháp lý nào để đảm bảo, Thống đốc cho biết, đây chỉ là định hướng của NHNN với mong các ngân hàng chia sẻ cao nhất với các doanh nghiệp, nên cũng không có chế tài xử lý với trường hợp không thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, tuyệt đại đa số các ngân hàng đều có văn bản cam kết thực hiện. NHNN đang cho tổng hợp và sẽ thông tin đầy đủ", Thống đốc nói và cho biết thêm, tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ chỉ ở mức 8 - 10% và NHNN sẽ chỉ đạo tập trung giải ngân vào quý III để tránh gây áp lực lạm phát cho năm sau.
Theo SGTT