Lãi suất cho vay giảm là tín hiệu vui cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn rẻ
Sau 1 tháng Ngân hàng (NH) Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, ghi nhận cho thấy có sự chuyển động tích cực trong huy động vốn của các NH thương mại. Doanh nghiệp (DN) cũng "dễ thở" hơn khi cần vốn cho sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.
Vốn rẻ phải cho vay kỹ
Trước đó, đầu tháng 7-2017, NH Nhà nước ra quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay thêm 0,5%/năm.
Ngay lập tức, các NH thương mại đồng loạt giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, DN nhỏ và vừa. Đây được xem là nỗ lực lớn của hệ thống NH trong điều kiện nợ xấu chưa xử lý được, chênh lệch huy động - cho vay của các NH chỉ khoảng 2%...
Lãi suất giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn Ảnh: TẤN THẠNH
Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định này là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NH Nhà nước, giúp DN có thêm nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn trước, từ đó giảm giá thành sản phẩm, làm ăn tốt hơn. Bằng chứng là một số DN đủ điều kiện đã nhanh chóng tiếp cận cơ hội vay vốn rẻ hơn.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, đánh giá việc các NH điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đã và đang cung cấp nguồn vốn rẻ hơn cho DN sản xuất, tích trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ thị trường Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2018. Về cơ bản, việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn có tác động tốt, cần thiết cho DN nhưng điều cần nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, khi vốn rẻ hơn thì NH chắc chắn chọn lọc đối tượng vay kỹ càng hơn để tránh phát sinh nợ xấu. Điều này khiến DN không có tài sản thế chấp, không minh bạch tài chính khó tiếp cận nguồn vốn chính thức.
Không thiếu tiền, chỉ thiếu niềm tin
Hiện nay, những DN cần vay vốn trung và dài hạn vẫn chưa được hưởng lợi vì lãi suất huy động không giảm dẫn đến lãi suất thỏa thuận trung - dài hạn khó giảm theo. Trong khi đó, đa phần DN rất cần nguồn vốn trung - dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư công nghệ, nhà xưởng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi vậy, theo các DN, lãi suất vay ngắn hạn giảm trong giai đoạn này là tốt nhưng cần phải giảm thêm nữa ở nguồn vốn trung - dài hạn, nhằm tạo điều kiện cho giới doanh nhân trong nước sử dụng vốn rẻ vào sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, trên lý thuyết, lãi suất tín dụng hạ sẽ giúp DN tăng khả năng cạnh tranh dù không đáng kể. Đây là tín hiệu tốt nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng DN. Khu vực DN nhỏ và vừa có nhu cầu tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn trung - dài hạn và cách thức, quy trình cho vay trên cơ sở tín chấp dựa vào tài sản hình thành từ vốn vay để đầu tư sản xuất - kinh doanh, đổi mới công nghệ. Nếu chỉ được vay vốn ngắn hạn giá rẻ, DN rất khó tính toán chiến lược lâu dài vì chưa kịp đầu tư, làm thị trường đã phải lo trả nợ. Hạn chế trong tiếp cận vốn đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội tăng trưởng của họ.
"NH không thiếu tiền, chỉ thiếu niềm tin vào DN nên không dám mạo hiểm cho vay tín chấp. Khung pháp lý đã có sẵn nhưng họ quá thận trọng, ngại vi phạm luật hình sự vì không kiểm soát được độ rủi ro. Vì vậy, cần gỡ nút thắt này để NH mạnh dạn cho vay" - ông Nam nhìn nhận.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số tiêu dùng tháng 7-2017 tăng 0,31% so với tháng 12-2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Đặc biệt, tín dụng tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây - tăng 8,92% so với tháng 12-2016 trong khi cùng kỳ năm 2016 tăng 8,02%. Lãi suất cho vay của các NH thương mại đều giảm, góp phần tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2017 vào chiều 3-8, Thủ tướng đã nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch. Thủ tướng giao NH Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông NGUYỄN TRÍ KIÊN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến - Miti:
Còn nhiều thứ cần hơn giảm lãi suất
Lãi suất giảm được chút nào thì DN mừng chút đó nhưng hiện tại, DN đứng trước rất nhiều nỗi lo lớn hơn nỗi lo về lãi suất, như đầu ra, sức mua.
Chính phủ cần tập trung vào các rào cản thương mại, kích cầu thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính… để hỗ trợ thiết thực hơn cho DN. Cấu thành chi phí giá thành ở Việt Nam bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có cả logistics, chi phí không chính thức… nên rất cần sự quan tâm, trợ lực mang tính toàn diện hơn là giảm một phần nhỏ lãi suất cho vay ngắn hạn.
Ông NGUYỄN ĐẶNG HIẾN, Tổng Giám đốc Công ty Nước giải khát Bidrico:
Tin vui trước chu kỳ kinh doanh Tết
Đây là tin vui cho tất cả DN, nhất là vào chu kỳ DN đang chuẩn bị hàng hóa cho mùa kinh doanh cuối năm. Với tất cả DN sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và nhiều mặt hàng khác phục vụ cuộc sống thì chu kỳ Tết là chu kỳ có doanh số cao nhất. Việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn giúp giảm chi phí cho DN khá lớn. Nhờ đó, DN có kế hoạch sản xuất mới, có kế hoạch cho thị trường mới. Khi lãi suất giảm thì DN sẵn sàng dự trữ vật tư lớn hơn, sẵn sàng cho khách hàng có những khoản lợi lớn hơn để tạo thuận lợi cho việc tung hàng ra thị trường nhằm tạo ưu thế đối với những sản phẩm đang cạnh tranh với mình, đặc biệt là sản phẩm nước ngoài. Khi Việt Nam trở thành thành viên Cộng đồng ASEAN thì các nước trong khu vực có nhiều lợi thế khi đưa hàng vào nước ta. Động thái giảm lãi suất - giảm chi phí vốn góp phần quan trọng cho hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh.
Mức giảm 0,5% đối với những DN có hạn mức tín dụng cao, từ vài chục đến 100 tỉ đồng, rất có ý nghĩa. Bidrico lâu nay có sử dụng vốn vay ngắn hạn, được ưu đãi lãi suất tốt và được NH tin tưởng cho vay tín chấp. Kinh nghiệm cho thấy muốn tiếp cận các khoản vay tín chấp, DN phải tạo được sự tín nhiệm với NH dựa trên hiệu quả kinh tế rõ ràng, minh bạch...
TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng:
Cần cải cách thủ tục cho vay
Sáu tháng đầu năm 2017, tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống chỉ ở mức 6,2% nhưng tín dụng tăng trưởng gần 9%, cao nhất từ trước đến nay, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và các DN rất tốt. Tăng trưởng tín dụng tăng cao như vậy cũng chứng minh không phải DN quá khó tiếp cận vốn. Không riêng gì Việt Nam mà tại các nước trong khu vực, DN nhỏ và vừa cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn do không đáp ứng được điều kiện tín dụng. Theo tôi, các NH cần cải tiến về quy trình, thủ tục cho vay theo hướng vẫn bảo đảm an toàn nhưng không quá phức tạp; cải tiến, đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu DN; tư vấn giúp DN minh bạch hơn về thông tin tài chính, qua đó đánh giá được dòng tiền làm cơ sở cho vay để không quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp như hiện tại.
Cần nói thêm rằng chi phí tài chính là một trong nhiều chi phí của DN tại Việt Nam. Theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí không chính thức chiếm đến 10% - 12% tổng doanh thu của DN. Vì vậy, nỗ lực tăng hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức sẽ giúp DN được lợi nhiều hơn.
TH.NHÂN ghi
Phương An
Theo Người Lao Động