Sự kiện hot
12 năm trước

Lãi suất hạ nhiệt: Đầu ra tín dụng vẫn nghẽn

Thông tin các mức lãi suất chủ chốt được hạ xuống thêm 1% kể từ ngày 26.3 có giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt hay tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra tín dụng hay không, hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Thông tin các mức lãi suất chủ chốt được hạ xuống thêm 1% kể từ ngày 26.3 có giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt hay tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra tín dụng hay không, hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Lãi suất cho vay vẫn là ẩn số

Lãi suất huy động chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc các NHTM hạ xuống mức 7,5% cho thấy, thực tế các ngân hàng đang rất được ưu ái để có thể huy động được nguồn vốn giá rẻ. Ngoài chuyện họ tự nguyện đồng loạt hạ xuống mức này trước đó, thì với quyết định của NHNN, nguồn vốn rẻ còn dồi dào hơn bởi ngoài vốn huy động, các nguồn vốn khác như tái cấp vốn, liên ngân hàng cũng rẻ hơn mức cũ.


Lãi suất tiền gửi giảm, nhưng tiền vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Từ đầu năm 2013 đến nay, các gói tín dụng lãi suất thấp, chỉ khoảng 10 - 12%/năm đã liên tục được các ngân hàng tung ra. Tại Ngân hàng ACB, trong "10 ngày vàng" từ ngày 20 – 30.3, các khách hàng vay hiện hữu tại ACB khi vay thêm số tiền tối thiểu 300 triệu đồng sẽ được hưởng mức lãi suất rất thấp, 10,99%/năm đối với các khoản vay cho mục đích sản xuất kinh doanh. Các khoản vay tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà cũng được hưởng mức lãi suất 11,99%/năm. Ngân hàng Oceanbank cũng vừa triển khai kế hoạch dành 800 tỷ đồng cho vay ngắn hạn hộ kinh doanh lãi suất ưu đãi chỉ từ 13,5%/năm.

Tuy nhiên, câu chuyện vốn đầu vào cho ngân hàng rẻ hơn lại không đồng nghĩa với vốn đầu ra cho doanh nghiệp (DN) sẽ hạ nhiệt. TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: Việc NHNN hạ lãi suất là động thái hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, cũng có một số điểm nên quan tâm: Việc hạ 0,5% lãi suất huy động thì tác động thế nào tới lãi suất cho vay? Nếu lãi suất cho vay giảm tương ứng 0,5% thì kết quả cũng chưa như mong muốn. Việc hạ 0,5% lãi suất tiền gửi có thể giúp lãi suất cho vay giảm 1-2%/năm, nhưng không có gì bảo đảm cả, nên việc hạ bao nhiêu lãi suất cho vay thì vẫn là ẩn số.

Không chỉ là lãi suất cao

Phản ứng chung của đại diện DN trước thông tin nhiều mức lãi suất chủ chốt đã hạ nhiệt thì đều cho rằng “lãi suất hạ vẫn không phải là tất cả” bởi dù có giảm, lãi suất cho vay trên thực tế vẫn đang vượt quá sức chịu đựng và khả năng hấp thụ của số đông DN. Chủ một DN sản xuất đồ gỗ tại Hà Nam chia sẻ, hiện cơ sở của gia đình ông đang được một NHTM cho vay với lãi suất 1,2%/tháng với hạn mức vay tối đa 500 triệu đồng. Mức lãi suất này, tương đương 14,4%/năm, vẫn là quá cao trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này là đúng đắn. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có thể thực sự tiếp cận được nguồn vốn hay không còn phụ thuộc vào uy tín của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp yếu, không đủ điều kiện vay, không có tài sản thế chấp, hàng tồn kho chất cao thì việc hạ lãi suất lần này chưa thể giúp doanh nghiệp vực dậy ngay được.

Đó là còn chưa kể xung quanh việc tiếp cận được với nguồn vốn vẫn còn không ít các rào cản. Ông Bùi Cao Thạch - Giám đốc DN Mây tre đan xuất khẩu (Chương Mỹ, Hà Tây) cho biết: “Có bao nhiêu tài sản đều đã đem thế chấp hết, thậm chí vẫn có khoản nợ chưa trả được, nên giờ nghe lãi suất hạ cũng không thấy vui. “Một thực tế nữa là ngân hàng nào cho vay lãi suất thấp thì thẩm định giá trị thấp, còn ngân hàng nào thẩm định cao thì lại cho vay lãi suất cao. Tóm lại là vẫn rất khó cho chúng tôi vay vốn từ ngân hàng” - ông Thạch cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Hạ lãi suất cũng quan trọng nhưng chưa đủ để giúp DN yếu kém vực dậy”. Nếu DN không đủ điều kiện vay, không có tài sản thế chấp, hàng tồn kho chất cao, thì theo tôi, với những DN này, Chính phủ nên bảo lãnh cho tổ chức tín dụng để họ cho những DN đó vay vốn” - ông Hiếu gợi ý.

Cũng xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi nhận định: “Phía ngân hàng sợ rủi ro chất lượng tín dụng, còn phía người vay, DN thì sợ nền kinh tế vẫn loay hoay chưa có lối thoát nên mức lãi suất vay chắc sẽ ăn hết lợi nhuận, vì thế lãi suất hạ cũng chỉ là một yếu tố. Trong giai đoạn này việc đưa vốn đến tay DN hiệu quả cũng quan trọng không kém phần so với thông tin lãi suất cho vay hạ nhiệt”.

Yêu cầu của ngân hàng còn khắt khe

Khi chúng tôi đi vay vốn, các ngân hàng đều đưa ra những yêu cầu khắt khe về thủ tục giấy tờ mà quan trọng nhất là chúng tôi sẽ phải chứng minh với ngân hàng rằng doanh nghiệp mình hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ. Đa phần doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi cần vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng không còn đủ tài sản để thế chấp cho khoản vay mới. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo với tỷ lệ cao hơn nhu cầu vay vốn khoảng 20-30% mới được duyệt hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Thu (Công ty Mây tre SANDA Hòa Bình)

Vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

Với các thủ tục vay vốn rườm rà như hiện nay, chúng tôi không muốn vay vốn ngân hàng mà tìm nguồn vốn từ những nguồn khác theo khả năng.Từ việc đi vay vốn của mình, tôi thấy rõ, mặc dù lãi suất đã giảm và các tổ chức tín dụng đều khẳng định sẵn sàng đáp ứng vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì điều kiện cho vay ngày càng chặt chẽ.

Ông Trần Ngọc Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu

Mai Hương (ghi)

Phương Hà
theo Dân Việt

Từ khóa: