Từ đầu năm đến nay, làn sóng tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng (NH) thương mại chưa có dấu hiệu dừng khiến thị trường lo ngại đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ là lãi suất cho vay.
Ngân hàng khát vốn, lãi suất 'leo rào'?
Báo Người lao động đưa tin, ngày 22/3, nhân viên Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết biểu lãi suất tiền gửi của NH này đã được điều chỉnh vài ngày qua, mức cao nhất ở kỳ hạn 36 tháng lên tới 7,2%/năm. Kỳ hạn 3 tháng lãi suất 5,5%/năm và kỳ hạn 6 tháng lãi suất 5,8%/năm.
Các kỳ hạn trên 18-24 tháng cũng được điều chỉnh lên mức 7%/năm. Kỳ hạn 12 tháng hiện là 6,8%/năm. "Tuy nhiên, mỗi chi nhánh có thể điều chỉnh lãi suất riêng theo thỏa thuận với khách hàng nhưng mức chênh lệch không đáng kể” - nhân viên này lý giải.
Một “ông lớn” NH quốc doanh khác là NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, sau khi kỳ hạn dài trên 36 tháng đã được đẩy lên mức 7%/năm vào đợt trước. Cụ thể, kỳ hạn từ 3-6 tháng ở mức 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lên tới 5,8%/năm…
Ngay cả NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vốn niêm yết lãi suất huy động ở mức khá thấp so với thị trường, cũng vừa nhập cuộc làn sóng này. Cụ thể, lãi suất tiền gửi của Vietcombank ở các kỳ hạn dài 12 - 60 tháng đang dao động trong khoảng từ 6,2%/năm lên 6,5%/năm.
Các mức lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng được BIDV, Vietinbank áp dụng còn cao hơn cả một số NH cổ phần khác như Sacombank (từ 5,3%-5,5%/năm)…
Theo giới phân tích, việc các NH thương mại quốc doanh điều chỉnh lãi suất đã khiến khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động giữa khối NH cổ phần và quốc doanh thu hẹp đáng kể. Điều này sẽ gây áp lực cạnh tranh trong thu hút tiền gửi từ phía NH cổ phần, bởi mức chênh lệch chỉ từ 0,5%/năm sẽ không đủ hấp dẫn để người dân dịch chuyển khoản tiền tiết kiệm sang NH khác.
Theo giới phân tích, việc các NH thương mại quốc doanh điều chỉnh lãi suất đã khiến khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động giữa khối NH cổ phần và quốc doanh thu hẹp đáng kể. (Ảnh minh họa)
Dù vậy, trao đổi trên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, lãi suất không có cơ sở để tăng mạnh.
“Lạm phát 3 tháng đầu năm chưa đến 1%, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm đang ở mức 7%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi thực dương ở nước ta đang ở mức tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn huy động (LDR) vẫn dưới 80%, chứng tỏ thanh khoản của hệ thống dồi dào, ngân hàng không thiếu tiền. Như vậy, việc một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất thời gian qua mang tính cục bộ. Tôi cho rằng, trước đây, hệ thống ngân hàng thừa quá nhiều tiền, nên đã đẩy lãi suất huy động xuống quá sâu, nên giờ tăng thêm một chút, chứ về mặt xu hướng, chắc chắn năm nay lãi suất không thể tăng mạnh”.
Rất gay go
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, song các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tín dụng chưa thể tăng trưởng mạnh. Chưa kể, so với khu vực, lãi suất cho vay ở nước ta vẫn ở mức rất cao. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, sản xuất - kinh doanh vừa mới chớm hồi phục có nguy cơ bị dập tắt, khi đó, ngân hàng cũng sẽ phải gánh hệ lụy.
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) khẳng định, việc một số ngân hàng tăng lãi suất chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, chứ không phải là xu hướng. NHNN chưa thấy các yếu tố thanh khoản và lợi nhuận biên ròng đột biến để gây áp lực lên lãi suất.
Trong khi đó, nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng cho hay, suốt nửa năm nay, chỉ tiêu huy động vốn đã “căng” trở lại, đặc biệt là từ khi NHNN đưa ra Dự thảo sửa đổi Thông tư 36.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung chưa đến mức rủi ro, song nhìn vào một số khía cạnh thì rất đáng báo động. Cụ thể, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng trung và dài hạn tăng quá nhanh (31,8%) và chiếm tới 55%, trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ 10%, đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. “Nếu nhà điều hành không có giải pháp điều chỉnh kịp thời, thì các ngân hàng sẽ lâm vào khó khăn thanh khoản, sức khoẻ tiếp tục ‘mong manh’ và không thể được coi là trụ cột, bệ đỡ bền vững của nền kinh tế”, ông Vũ Viết Ngoạn cảnh báo.
Báo Người lao động đưa tin, từ đầu năm đến nay, làn sóng tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng (NH) thương mại chưa có dấu hiệu dừng khiến thị trường lo ngại đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ là lãi suất cho vay. Nền kinh tế đang hồi phục, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa dễ thở một chút với lãi suất nên việc rục rịch tăng lãi suất đầu vào của các NH thương mại khiến DN lo ngại.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng khu vực tài chính NH năm nay sẽ còn khó khăn khi nợ xấu chưa được xử lý triệt để và hạ lãi suất là bài toán khó. Thế nhưng, nếu không xử lý để lãi suất tăng cao thì DN sẽ rất gay go. Việc định hướng chính sách tỉ giá, lãi suất trong năm nay là rất quan trọng bởi không chỉ làm DN khó khăn mà cả cơ cấu kinh tế cũng sẽ không thay đổi được khi DN chỉ thích nhập khẩu về để tiêu dùng, ảnh hưởng đến lạm phát, thay vì đầu tư sản xuất.
Dù lãi suất cho vay chưa tăng theo lãi suất huy động nhưng DN rất lo bởi chỉ mới bớt gánh nặng chi phí tài chính một thời gian. Vài năm trước, có thời điểm lãi suất cho vay tăng rất cao (trên 20%/năm) đã khiến hàng chục ngàn DN rời khỏi thị trường. Tại những cuộc họp về kinh tế gần đây, chủ đề được đề cập nhiều vẫn là bài toán lãi suất còn cao so với các nước trong khu vực khiến DN khó cạnh tranh khi hội nhập. Do đó, cộng đồng DN rất kỳ vọng lãi suất cho vay trung - dài hạn sẽ giảm thêm hoặc ít nhất là ổn định như hiện nay.
Đại diện một DN dệt may cho biết không chỉ lãi suất cho vay bằng VNĐ mà lãi suất cho vay bằng USD cũng cao hơn so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vay vốn từ các nước. Mới đây, một vài NH thương mại làm việc với Hiệp hội Dệt may TP HCM để thúc đẩy cho vay tín chấp hỗ trợ DN nhưng đưa ra mức lãi suất cho vay tín chấp từ 16%-18%/năm là quá sức của họ. Chi phí đầu vào đang tăng, nay lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng càng khiến DN sốt ruột bởi đơn giá xuất khẩu gần như không tăng so những năm trước.
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, cho rằng sở dĩ thị trường xuất hiện tâm lý lo ngại lãi suất tăng bởi những yếu tố vĩ mô như lạm phát năm nay dự kiến 3%-4%, trong khi năm ngoái chỉ là 0,6%. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68% của năm ngoái. Khoảng 5 năm qua, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn từ nền kinh tế. Trong khi đó, cầu vốn tăng nhưng huy động tiền gửi lại giảm. Năm 2015, huy động vốn chỉ tăng 14% trong khi tăng trưởng tín dụng tăng hơn 17%... Yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm nay tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm khoảng 50% so với dự toán nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù đắp bội chi tiếp tục lớn (khoảng 220.000 tỉ đồng, cao hơn năm 2015). Yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung - dài hạn.
“Năm nay, thách thức đặt ra đối với điều hành ổn định lãi suất là lớn do kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng lạm phát tăng và nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ cao tạo áp lực tăng lãi suất lớn. Đặc biệt, chính sách tiền tệ vừa phải điều tiết thanh khoản hài hòa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng vừa phải bảo đảm hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho NH thương mại đầu tư vào trái phiếu Chính phủ... Từ đó, yếu tố này tác động trở lại đến lãi suất dài hạn trên thị trường, gián tiếp cản trở mục tiêu ổn định lãi suất cho vay của NH thương mại” - ông Dũng phân tích.
Ngọc Anh
theo ĐSPL