“Tôi nghĩ rằng mức lãi suất này có thể giảm thêm nữa. Từ đây đến cuối năm, nếu nền kinh tế vẫn trong trạng thái như thế này thì có thể giảm thêm từ 0,5% - 1% nữa”, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định.
Lãi suất huy động giảm còn 4,5%/năm
Ngày 25/8 vừa qua, mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng đồng loạt giảm khá mạnh.
Cụ thể, lãi suất huy động VND của Vietcombank đã giảm thêm 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Sau điều chỉnh, kỳ hạn 1 tháng còn 4,8%/năm; các kỳ hạn ngắn 2-9 tháng chỉ còn từ 5%-5,7%/năm; mức cao nhất 6,8%/năm áp cho các kỳ hạn từ 24 - 60 tháng.
Như vậy, một lần nữa Vietcombank giảm lãi suất huy động VND, khi rút các kỳ hạn ngắn xuống sâu dưới mức trần quy định của NHNN (hiện tối đa 6%/năm cho các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng).
Mức lãi tiền gửi VND thấp nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi kỳ hạn gửi 1 tháng của ngân hàng này giảm về còn 4,5%/năm, giảm 1,3%/năm so với hồi đầu năm.
Các ngân hàng đồng loạt hạ mức lãi suất.
Ở mức kỳ hạn gửi 2 tháng, BIDV cũng giảm lãi suất về còn 5%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng được BIDV áp dụng mức lãi 5,75 -6,5%/năm. Kỳ hạn gửi 12 tháng tại BIDV hiện cao hơn Vietcombank 0,3%/năm, ở mức 6,8%/năm.
Mức lãi cao nhất mà BIDV đang áp dụng trên toàn hệ thống chỉ còn 7%/năm ở các kỳ hạn gửi tiền dài từ 12 tháng đến 36 tháng, giảm 1% so với thời điểm đầu năm 2014.
Một trong những mức lãi cao nhất trên thị trường thuộc về Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), 6%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng và 8,5%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi 36 tháng.
Tại một số ngân hàng thương mại, lãi suất kỳ hạn dài 12 tháng của DongABank chỉ còn 7,1% từ ngày 18/3, ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) mức lãi kỳ hạn 12 tháng giảm về còn 8,95%/năm. Hiện HDBank đang có mức lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng cao nhất với kỳ hạn 18 tháng 9%/năm và kỳ hạn 24, 36 tháng 9,5%/năm.
Theo thống kê của NHNN, tuần giao dịch từ 11/8 - 15/8 cho thấy, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8% - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5% - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6% - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5% - 8,1%/năm.
Lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 0,5% - 1%
Trước thực trạng các ngân hàng đồng loạt hạ mức lãi suất huy động vốn, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và pháp luật về nguyên nhân đẩy lức lãi suất giảm, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho biết: “Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động vốn đang giảm do một số tác động.
Thứ nhất, các ngân hàng thực sự ra họ rất dồi dào về vốn, hay có thể nói là tình trạng ế vốn trong khi đầu ra không tốt. Chính vì thế, họ dùng vốn của họ để mua trái phiếu Chính phủ. Mặc dù, trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn phải mua vì đầu ra không có. Như vậy, trong trường hợp các ngân hàng dư vốn thì họ không cần phải tăng lãi suất huy động vốn để hấp dẫn vốn.
"Đây là thời điểm để có thể “thả nổi” lãi suất thay vì “neo” lãi suất trần".
Thứ hai, Ngân hàng nhà nước đang chủ trương giảm mặt bằng lãi suất xuống. Thành ra, trên thị trường lượng tiền đưa vào lưu thông một cách dồi dào để đẩy lãi suất xuống. Đó là tác động của chính sách của ngân hàng Trung ương.
Thứ ba, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, tổng cầu yếu, chính vì thế các doanh nghiệp không còn mặn mà trong vấn đề đi vay.
Khi mà nền kinh tế không tăng trưởng mạnh, nhu cầu về vốn không cao. Từ tất cả những yếu tố như phía ngân hàng, chính sách của ngân hàng Trung ương, cho đến nền kinh tế, tổng cầu yếu thể hiện qua chỉ số lạm phát rất là thấp trong 8 tháng đầu năm 2014. Đó là những yếu tố chính đẩy mặt bằng lãi suất xuống”.
Việc các ngân hàng đồng loạt hạ mức lãi suất huy động, vị chuyên gia này nhận định: “Theo tôi, lãi suất cho vay sẽ giảm nhưng không giảm ngay. Nó có một độ trễ trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng. Vì một số món cho vay hiện tại vẫn được tài trợ bởi những nguồn huy động có lãi suất cao từ trước.
Để lãi suất cho vay hạ thì phải đợi những khoản tiền gửi đến hạn để các ngân hàng trả mức lãi suất thấp hơn. Bấy giờ, các ngân hàng mới có cơ sở để đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn trên thị trường để bảo toàn được mức độ lợi nhuận”.
Trước câu hỏi, mức lãi suất của ngân hàng đã giảm chạm đáy? Vị chuyên gia này cho rằng: “Tôi nghĩ rằng mức lãi suất này có thể giảm thêm nữa. Từ đây đến cuối năm, nếu nền kinh tế vẫn trong trạng thái như thế này thì có thể giảm thêm từ 0,5% - 1% nữa.
Nhưng hiện tại, đây là thời điểm để có thể “thả nổi” lãi suất thay vì “neo” lãi suất trần. Bởi vì, để cho lãi suất thích hợp với vận hành của cung cầu trên thị trường, dĩ nhiên vẫn còn những ngân hàng yếu kém họ huy động vốn cao với lãi suất cao. Thế nhưng nếu họ huy động vốn cao mà không cho vay ra được thì đúng là “gậy ông đập lưng ông”.
Hiện nay vẫn tồn tại hiện tượng là các ngân hàng yếu kém có nợ xấu cao mà không thu hồi được nợ. Chính vì dòng tiền đi thu hồi nợ không có, hay bị tắc nghẽn, thành ra ngân hàng phải huy động mới để trả cho huy động cũ. Vì thế các ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Nhưng các ngân hàng đó, nếu họ cứ tiếp tục làm như thế thì đến lúc họ cũng suy sụp. Bởi vì họ không thể huy động mãi với lãi suất cao mà khi cho vay với sự cạnh tranh trên thị trường họ không thể cho vay với lãi suất cao được.
Để lãi suất được thả nổi, có lẽ cần phải đi kèm một điều kiện là cho phép các ngân hàng phá sản. Còn nếu, chúng ta vẫn khư khư để “nuôi” các ngân hàng thì sẽ ở trong tình trạng “bao cấp”. Tức là các ngân hàng yếu kém vẫn được nuôi dưỡng bằng vốn này vốn kia, bằng các trương trình của ngân hàng Trung ương để họ tồn tại. Nhưng khi họ tồn tại, họ lại đẩy lãi suất lên cao, điều này sẽ làm méo mó thị trường.
Thành ra, thả nổi lãi suất phải đi kèm với điều kiện là cho các ngân hàng phá sản, để thị trường vận hành một các đúng. Tức anh nào yếu kém sẽ bị thị trường đào thải, ngân hàng Trung ương không cần nhẩy vào để cứu họ sống”.
Trước quy luật mức lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm, tức khách hàng là là người chịu thiệt, vị chuyên gia tài chính - ngân hàng này cho rằng: “Có thể một bộ phận nào đó người dân bị thiệt hại, nhưng cho cả nền kinh tế thì cái lợi có lẽ nhiều hơn cái hại.
Bởi vì, đến cuối cùng doanh nghiệp sẽ có cả hai hành động là gửi tiền và vay. Nếu mức lãi suất gửi tiền hạ thì khi vay họ cũng được hưởng mức lãi suất hạ. Như vậy, trong lúc nền kinh tế cần sự tăng trưởng mạnh thì đây là lúc có thể giảm mức lãi suất thêm từ 0,5% – 1%”.
Phạm Liễu
theo ĐSPL