Theo BVSC, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng, lần lượt ở mức 0,01%; 0,03% và 0,07% lên mức 2,12%; 2,27% và 2,52%/năm.
Thị trường tiền tệ
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tuần 12/4 - 15/4/2022. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng tổng cộng 2.808 tỷ đồng trên thị trường mở. Trong đó, NHNN bơm 987 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh OMO. Trong khi đó, 3.794 tỷ OMO kỳ hạn 14 ngày đã đáo hạn trong tuần này. Như vậy, lượng OMO đang lưu hành giảm xuống còn 2.818 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn tiếp tục ở trạng thái đóng băng.
Cũng theo BVSC, LSLNH có chung diễn biến tăng. Cụ thể, từ ngày 7/4 đến 14/4/2022, LSLNH các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng, lần lượt ở mức 0,01%; 0,03% và 0,07% lên mức 2,12%; 2,27% và 2,52%/năm.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính tới hết quý 1/2022 đạt 5,04% YTD. Diễn biến này cũng đồng nghĩa với việc chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm (từ mức 4,03% tính tới ngày 21/3/2022). Mức tăng 5,04% tới cuối tháng 3 cũng là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sự mở cửa ổn định của nền kinh tế sau các tháng phong toả của năm 2021 nhờ tiêm phủ vaccine đã giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại. Sự hồi phục này cũng kéo theo nhu cầu về vốn cao hơn, làm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, qua đó khiến cho mặt bằng LSLNH cao hơn giai đoạn 2 năm 2020-2021.
Thị trường ngoại hối
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá NHTM có chung diễn biến tăng: Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 5 đồng, từ 23.101 VND/USD lên 23.106 VND/USD. Tương tự, tỷ giá tại NHTM cũng tăng 35 đồng trong tuần qua, từ 22.865 VND/USD lên mức 22.900 VND/USD. Đây là mức tỷ giá NHTM cao nhất từ đầu năm tới nay.
Chỉ số USD Index duy trì đà tăng: Trong tuần qua, chỉ số DXY tăng 0,71% lên mức 100,5 điểm. Như vậy, chỉ số DXY đã quay lại ngưỡng 100 điểm sau gần 2 năm. Đồng bạc xanh có diễn biến tăng so với phần lớn các đồng ngoại tệ khác trong rổ tính DXY. Cụ thể, đồng USD tăng 1,68%; 0,62%; 1,27%; 0,30% và 0,93% so với các đồng JPY, EUR, SEK, CAD và CHF. Ngược lại, so với đồng GBP, đồng USD giảm 0,27%.
Chỉ số CPI trong tháng 3 của Mỹ tăng mạnh lên mức 8,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/1981 tới nay. Như vậy, chỉ số CPI của Mỹ đã liên tục tăng kể từ tháng 9/2021 tới nay và liene tục thiết lập những mức đỉnh mới trong vòng 40 năm.
Trước diễn biến này, thị trường tiếp tục lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất quyết liệt hơn trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 tới đây, ở mức 0,5 điểm phần trăm, cao hơn so với dự báo trước đó của các thành viên FOMC trong cuộc họp hồi tháng 3.
Việc tăng lãi suất mạnh mẽ cũng đi kèm với việc Fed bắt đầu thực hiện lại QT sau hơn 2 năm QE như đã tuyên bố trong cuộc họp trước. Những động thái này của Fed đã khiến cho đồng USD liên tục có diễn biến tăng trong thời gian vừa qua, và hiện tại đã đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Trong khi đó, các NHTƯ khác như BoJ hay ECB vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp ở mức kỷ lục, do đó đồng tiền của 2 khu vực này (JPY và EUR) đã liên tục mất giá so với đồng USD.
Ánh Tuyết
Theo KTĐU