Lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm không thay đổi trong tuần qua, tiếp tục nằm tại mức thấp nhất lịch sử 0,1%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần có diễn biến trái chiều. Lãi suất 1 tuần tăng 0,02% trong khi kỳ hạn 2 tuần giảm 0,01%, kết thúc tuần lần lượt ở mức 0,27% và 0,2%/năm.
Thị trường tiền tệ
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tuần 14/12 – 18/12/2020. NHNN không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng nào trong tuần quan trên thị trường mở.
Như vậy, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục duy trì ở mức 0 trong tháng thứ 7 liên tiếp, trong khi tổng lượng OMO đang lưu hành cũng quay lại mức 0 trong 4 tuần liên tiếp.
Với thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào (tăng trưởng tín dụng đạt 8,46% tính tới ngày 27/11/2020, so với 10,89% trong cùng kỳ năm 2019), BVSC cho rằng NHNN sẽ tiếp tục không can thiệp hoạt động thị trường mở trong thời gian còn lại của năm 2020.
Cũng theo BVSC, lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm không thay đổi trong tuần qua, tiếp tục ở mức thấp nhất lịch sử 0,1%/năm.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần có diễn biến trái chiều. Lãi suất 1 tuần tăng 0,02% trong khi kỳ hạn 2 tuần giảm 0,01%, kết thúc tuần lần lượt ở mức 0,27% và 0,2%/năm. Tính đến ngày 27/11, tăng trưởng tín dụng ở mức 8,46%, và được kỳ vọng sẽ đạt mức 10% kế hoạch của NHNN đặt ra cho năm 2020.
Do đó, BVSC cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ không có quá nhiều biến động trong 2 tuần cuối cùng của năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức thấp (dưới 1%/năm).
Thị trường ngoại hối
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại NHTM giảm nhẹ: Tỷ giá trung tâm trong tuần giảm 8 đồng, từ mức 23.146 VND/USD về mức 23.138 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại NHTM cũng giảm nhẹ 5 đồng, từ mức 23.130 VND/USD xuống 23.125 VND/USD.
Tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ sau một thời gian tiến hành điều tra đã phát hành báo cáo “Chính sách vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ” vào ngày 16/12/2020, chính thức cáo buộc Việt Nam và Thụy Sỹ là những nước có hành vi thao túng tiền tệ. Theo số liệu trong báo cáo này, lũy kế 12 tháng tính đến tháng 06/2020, Việt Nam đã vi phạm cả 3 tiêu chí mà Mỹ đề ra.
Cụ thể: thặng dư thương mại với Mỹ đạt 58 tỷ USD (vượt ngưỡng cho phép 20 tỷ USD); thặng dư cán cân vãng lai đạt 15 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP (lớn hơn ngưỡng 2% cho phép); mua ròng ngoại tệ giá trị 17 tỷ USD, tương đương 5,1% GDP (vượt ngưỡng 2% cho phép).
Theo quy định, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đệ trình báo cáo này lên Quốc hội Mỹ. Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ yêu cầu Chính phủ Mỹ tiến hành các cuộc thương lượng với nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ nhằm tìm ra giải pháp giảm các bất công thương mại. Nếu không tìm ra giải pháp sau thương lượng, Chính phủ Mỹ có thể áp các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Sau báo cáo nêu trên của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam cần sớm có các cuộc thương lượng với Chính phủ Mỹ. Theo BVSC, khả năng cao nhất là Việt Nam trong thời gian tới sẽ hạn chế việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối với quy mô lớn, đồng nghĩa với việc để VND mạnh lên.
Song song với đó, Việt Nam cũng cần giảm thặng dư cán cân thương mại vãng lai. BVSC ước tính Việt Nam cần giảm thặng dư cán cân vãng lai từ mức 15 tỷ USD (theo số liệu tính đến H1/2020 trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ) xuống mức 6,56 tỷ USD nhằm đưa chỉ tiêu này về ngưỡng dưới 2% GDP. Việc giảm thặng dư này có thể được thực hiện thông qua việc tăng nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh của Mỹ như máy móc thiết bị, khí LNG. Động thái này sẽ vừa giúp giảm thặng dư cán cân vãng lai vừa giúp giảm thặng dư TM với Mỹ.
Về mặt kinh tế, việc VND mạnh lên sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng XK Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đồng nội tệ của các nước có cạnh tranh hàng XK với VN, điển hình như Trung Quốc, đều đã lên giá mạnh so với USD trong 11 tháng đầu năm 2020 (6%).
Do vậy, nếu VND chịu áp lực tăng giá dưới 5% (theo nhận định của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 8/2020, VND trong năm 2019 bị định giá thấp 4,7% so với USD) thì hàng XK của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác.
Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam.
Chỉ số USD Index giảm điểm: Trong tuần qua, chỉ số DXY có phiên giảm xuống mức đáy 2 năm tại 89,82 điểm, trước khi đóng cửa tuần ở mức 90,016 điểm, giảm 1,06% so với tuần trước đó. Đồng USD có diễn biến giảm so với phần lớn các đồng ngoại tệ khác trong rổ DXY. Cụ thể, USD giảm giá lần lượt 0,72%; 2,26%; 1,20%; 2,49% và 0,74% so với các đồng JPY, GBP, EUR, SEK, và CHF. Ngược lại, đối với đồng CAD, USD tăng 0,15%.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tú Thành
Theo KTDU