Sự kiện hot
13 năm trước

Lãi suất ngân hàng: Cuộc chơi của các “ông lớn” ?

Doanh nghiệp sản xuất đang "đói" vốn nhưng đến ngân hàng hiện cũng lâm cảnh thiếu tiền. Lúc này “rủng rỉnh” và cần cậy nhờ nhất vẫn là các ngân hàng lớn.

Doanh nghiệp sản xuất đang "đói" vốn nhưng đến ngân hàng hiện cũng lâm cảnh thiếu tiền. Lúc này “rủng rỉnh” và cần cậy nhờ nhất vẫn là các ngân hàng lớn.

Năm mới doanh nghiệp vẫn đang lao đao vì vốn

“Tháng giêng là tháng ăn chơi” nhưng với nhiều doanh nghiệp sản xuất có lẽ khó có thể nói từ “chơi” được. Lý do đơn giản là đã qua 1 năm đầy khó khăn nhưng năm mới này còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Vốn của doanh nghiệp giống như máu nuôi một cơ thể. Nhiều doanh nghiệp hiện đang “chết héo” dần vì thiếu vốn. Yếu thanh khoản của các ngân hàng hiện là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Trao đổi với phóng viên, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất than thở, hiện doanh nghiệp của họ đang vay với lãi suất ngân hàng là 20%. “Trước đây tôi có nói vay ngân hàng dễ, giờ thì khó rồi vì ngân hàng không có tiền cho vay. Con số gần 50 nghìn doanh nghiệp lao đao, phá sản chưa phải là con số cuối cùng, bởi tôi được biết hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang sống dở, chết dở, lay lắt qua ngày”, vị giám đốc này tiết lộ.

Khổ nhất phải kể đến những doanh nghiệp bất động sản. Có công ty bất động sản trước đây nổi đình nổi đám trên thị trường, giờ cũng đang chết dở. Một giám đốc doanh nghiệp tiết lộ: "Hiện doanh nghiệp đang vay ngân hàng hàng nghìn tỷ, mới trả được khoảng 2/3, còn hơn nghìn tỷ nữa chưa trả được, vậy mà có tuần công ty không có nổi 1 đồng doanh thu...".

Cũng theo một số doanh nghiệp, dù có tiền ngân hàng lớn cũng không dám cho vay lúc này, thà cho các ngân hàng nhỏ vay với lãi suất cao, kỳ hạn ngắn còn hơn cho doanh nghiệp. Bởi dù sao ngân hàng vẫn có độ an toàn cao hơn so với doanh nghiệp. Không những vậy Chính phủ cũng đã nhắc tới đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng.

Bước sang năm 2012, khó khăn vẫn còn đầy trước mắt. Chính sách thắt chặt tín dụng vẫn tiếp tục được áp dụng khiến nhiều doanh nghiệp không dám trông mong gì hơn ngoài việc đang phải tự cứu mình bằng nhiều cách.

Ông Trần Anh Vương - Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Bắc Việt  cho biết, những dự án cũ công ty đóng lại và mở rộng dự án mới . Khó khăn về vốn nên công ty phải tìm hướng đi mới, trong đó công ty đã ký hợp tác đầu tư với một số đối tác nước ngoài trong việc sản xuất hàng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng thép. Hiện công ty đang sản xuất 3 mảng là khuôn mẫu-nhựa, ống thép và kết cầu thép phi tiêu chuẩn. "Giờ không thể nghĩ đến chuyện ăn cho mình mà còn phải lo cho hàng trăm công nhân viên của công ty..." - ông Vương nói.

Ngân hàng nhỏ cũng đang chịu vay với mức "cắt cổ".

Ngân hàng nhỏ cũng bị “đói”

Cũng theo vị giám đốc doanh nghiệp sản xuất, hiện giờ doanh nghiệp muốn có vốn chỉ còn cách đến cậy nhờ các ngân hàng lớn, bởi đến ngân hàng nhỏ bây giờ còn đi vay phải thế chấp.

Có thể hiểu mức trần lãi suất tiền gửi 14%/năm đang khiến nhiều ngân hàng nhỏ gặp khó khăn do không thể cạnh tranh nổi với các ngân hàng lớn. Tâm lý chung của phần đông những người có tiền là số tiền đi gửi cần có độ an toàn cao, bên cạnh đó còn nhiều ưu ái đi kèm của các ngân hàng lớn mỗi khi cần đến tiền.

 “Nếu tôi có tiền tỷ và các ngân hàng có cùng một mức tiền gửi là 14%, thì tôi sẽ không gửi ngân hàng nhỏ mà sẽ gửi ngân hàng lớn…”, ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty CP Thép Bắc Việt nói.  Như vậy, khi yếu thanh khoản những ngân hàng nhỏ lại phải vay từ các “ông lớn” trên thị trường 2 với lãi suất “cắt cổ”…”.  Đó là lý do một trong những lý do lớn vì sao lãi suất vay không thể hạ xuống.

Đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết, thanh khoản kém nên thời gian vừa qua có lúc cao điểm nhất ngân hàng phải đi vay trên thị trường 2 với lãi suất lên tới 30-40%/năm. Hiện mức lãi suất này dao động từ 15-17%/năm.

Đề nghị một trần lãi suất liên ngân hàng đã từng được nhắc đến,  tuy nhiên một số lãnh đạo ngân hàng lớn đã không đồng tình với đề nghị này. Yếu thế hơn, nhiều ngân hàng nhỏ đành "ngậm ngùi" tiếp tục cảnh trông chờ vào "lộc ban phát" từ những "ông lớn".

Cần quyết liệt hơn để hạ lãi suất

Mới đây (ngày 6/2), Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo về quan hệ cho vay, tiền gửi đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác để đánh giá hoạt động thi trường liên ngân hàng. Đây là một động thái tích cực để giám sát hoạt động vay, gửi giữa các tổ chức tín dụng.

Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm đã nhiều lần phát biểu rằng, để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2012 đưa lãi suất huy động về dưới 10%,  cần phải giảm sát chặt chẽ hơn hoạt động của các ngân hàng và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trần lãi suất.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, một trong những giải pháp hạ nhiệt lãi suất là cần có một trần lãi suất vay. Phải loại bỏ lợi ích nhóm để cứu nền sản xuất, giúp thị trường lành mạnh hơn.

Theo VnMedia

Từ khóa: