Lãi suất ngân hàng qua đêm sẽ giảm về đáy trước khi bật tăng trở lại là nhận định được đưa ra trong Báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 vừa được CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam công bố.
Có thể còn đợt giảm lãi suất
Theo KIS, điểm nhấn trong tháng qua là Quyết định 1424/QĐ-NHNN về việc cắt giảm lãi suất điều hành 0,25% và giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, từ ngày 10/07, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với ngân hàng giảm từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.
KIS cho rằng, nền tảng cơ sở cho quyết định cắt giảm lãi suất đến từ: thứ nhất, lạm phát được kiểm soát với biên độ tăng liên tục thu hẹp từ 5,22% (tháng 1) xuông 2,52% ( tháng 7), đặc biệt lạm phát lõi chỉ dừng ở mức 1,3%; thứ hai, diễn biến thị trường ngoại hối thuận lợi; thứ ba, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tích cực và thứ tư, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm.
Về tác động chính sách, KIS đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất trên mang tính thăm dò phản ứng thị trường do tâm lý thận trọng của NHNN. Do đó, cần thời gian để đánh giá tác động của chính sách này. Trong trường hợp tích cực, không loại trừ khả năng về một đợt giảm tiếp khoảng 0,25% và kéo dài đến giữa năm 2018.
Hiện tại, đã có hàng loạt ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Vietinbank và Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm. BIDV giảm từ 0,5%-1%/năm trong khi Vietcombank cũng điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Bên cạnh đó còn có các NHTMCP như LienVietPostBank, VPBank, SHB, Sacombank,….
Trong bối cảnh hệ số NIM (Net Interest Margin – hệ số xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí phải trả cho nhà đầu tư) của hệ thống ngân hàng Việt Nam liên tục giảm trong thời gian qua, từ 3,07% năm 2013 xuống 2,69% năm 2016, KIS ghi nhận một số ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động đầu vào. Cụ thể, Eximbank giảm lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,2%/năm. VPBank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống còn 4,8%/năm. Theo thống kê, nhìn chung lãi suất huy động 1 tháng đã giảm từ 0,25%-0,5%.
Một chỉ báo quen thuộc, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong suốt tháng qua và tiến về gần vùng đáy hồi tháng 09/2016. Tính đến ngày 31/07, lãi suất qua đêm giảm 99 bps (điểm cơ bản) xuống 0,48%/năm, theo sau bởi kỳ hạn 1 tuần (0,63%/năm), 2 tuần (0,77%/năm).
Theo KIS, sự khác biệt khả năng vay vốn thông qua trái phiếu chính phủ của các ngân hàng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Cụ thể, những ngân hàng sở hữu lượng lớn trái phiếu chính phủ có thể sử dụng tài sản này làm tài sản bảo lãnh để vay lượng vốn giá rẻ từ NHNN. Trong khi các NHTMCP với quy mô vốn hạn chế sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn trên. Qua đó, thị trường liên ngân hàng ghi nhận sự dịch chuyển vốn ngắn hạn trong hệ thống.
Phân tích trên đồ thị cho thấy, KIS kỳ vọng lãi suất qua đêm sẽ giảm về đáy, 0,36%/năm, xuất hiện vào giữa tháng 9/2016, trước khi bật tăng trở lại vào các tháng cuối năm.
Trung hòa dòng vốn khối ngoại đang ồ ạt chảy vào Việt Nam bằng tăng tỷ giá trung tâm
Diễn biến thị trường ngoại hối gần như lặn sóng trong suốt tháng qua. Tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch USD/VND gần như đi ngang. Tính đến ngày 31/07, tỷ giá trung tâm đạt 22.432 USD/VND, tăng 1,24% ytd (year - to- date, lũy kế từ đầu năm đến thời điểm 31/7) trong khi tỷ giá giao dịch dừng ở mức 22.726 USD/VND, giảm 0,34% ytd. Diễn biến bất động thuận trên trái ngược với những gì xảy ra trong năm 2016 khi tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch lần lượt tăng 1,20% và 1,27% ytd.
KIS cho rằng NHNN đã chủ động tăng giá trung tâm để mua vào lượng lớn ngoại tệ nhằm trung hòa dòng vốn khối ngoại đang ồ ạt chảy vào Việt Nam. Trong khi đó, diễn biến sụt giảm mạnh của đồng US Dollar trên thị trường ngoại hối (-9,27% ytd) cùng tình trạng yên ắng của hoạt động đầu cơ là nguyên nhân chính giữ tỷ giá giao dịch trên thị trường khá cân bằng.
Nổi bật nhất trong 7 tháng/2017 là sự lao dốc của đồng bạc xanh khi chỉ số US Dollar giảm 9,27% ytd từ 102,3 điểm xuống 92,81 điểm, phá vỡ mức đáy ngắn hạn 92,626 điểm hồi tháng 5/2016. KIS nhận định có một số nguyên nhân chính lý giải cho sự lao dốc trên, gồm:
Thứ nhất, thị trường tỏ ra thất vọng với khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi các chính sách kích thích kinh tế như đã hứa trong suốt cuộc tranh cử khi nhà lãnh đạo này liên tục vướng vào những cuộc điều tra về mối quan hệ với Nga cũng như việc dự luật chăm sóc sức khỏe mới vẫn chưa thể thông qua.
Thứ hai, dù khả năng FED tăng lãi suất trong các tháng cuối năm vẫn khá cao nhưng KIS nhận thấy sự thận trọng của các nhà điều hành. Trong khi đó, việc các NHTW lớn như BOE (Bank of England), BOC (Bank of Canada), ECB (European Central Bank),…lên tiếng về khả năng chấm dứt chương trình kích thích kinh tế đã, đang và sẽ hạn chế tác động của chính sách bình thường hóa bảng cân đối kế toán của FED lên sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác. Thứ ba, căng thẳng chính trị tại Nga và bán đảo Triều Tiên.
Đinh Bách
Theo VnMedia