Sự kiện hot
12 năm trước

Lãi suất từ nay đến cuối năm: Sẽ khó giảm thêm!

Tại cuộc hội thảo "Đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ và những khuyến nghị” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định: Mặc dù mong muốn của các doanh nghiệp là lãi suất tiếp tục giảm thêm nhưng nhìn vào những chỉ số vĩ mô cho thấy dư địa cho các nhà làm chính sách gần như không còn...

Tại cuộc hội thảo "Đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ và những khuyến nghị” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định: Mặc dù mong muốn của các doanh nghiệp là lãi suất tiếp tục giảm thêm nhưng nhìn vào những chỉ số vĩ mô cho thấy dư địa cho các nhà làm chính sách gần như không còn...

Ảnh minh họa; Nguồn: Internet.

Lo ngại lạm phát tăng trở lại

Mặc dù, những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm nhưng nay đã tăng trở lại (3,3%) với cơ cấu tín dụng được chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trước sức ép giảm lãi suất và mở rộng tín dụng rất lớn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng không còn dư địa để giảm lãi suất. Bởi ngoài những yếu tố bất thường như về giá, tín dụng... thì vấn đề lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia: Lạm phát lõi thấp nhất khoảng 0,8% mỗi tháng và leo dần lên 0,85% chứng tỏ khả năng lạm phát lõi có nguy cơ tăng trở lại và ở mức khá cao.

"Lạm phát lõi hoàn toàn do cung ứng tiền, vì vậy không thể mở rộng tiền tệ nhanh vào lúc này. Độ trì trệ của nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Đơn cử như ở lĩnh vực công nghiệp, mặc dù giá trị của nhóm dịch vụ không thay đổi nhiều nhưng một số mặt hàng sản xuất chủ chốt như khai khoáng, chế biến lại giảm sút mạnh," ông Nghĩa phân tích.

Thực tế trên thị trường cho thấy, lãi suất cho vay đang rục rịch vượt trần buộc Ngân hàng Nhà nước phải quyết định việc tiếp tục duy trì trần lãi suất. Thế nhưng, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu cứ giữ quy định này sẽ đẩy các ngân hàng vượt trần vào vòng rủi ro pháp lý, khiến tính minh bạch giảm sút. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, buộc các ngân hàng tuân thủ. "Trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài thì nên tính toán để đầu năm tới từng bước bỏ trần lãi suất ngắn hạn," ông Nghĩa nói.  

Bên cạnh đó, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi, thời gian tới, Ngân hàng Trung ương cần nắn dòng vốn và xử lý bất ổn trong nội tại một số ngân hàng để hướng tín dụng vào nơi thực sự có hiệu quả, phục vụ sản xuất kinh doanh; trong đó đặc biệt chú ý đến khu vực kinh tế tư nhân vì đây là đối tượng có sức bật nhanh. Thế nhưng, chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến tình trạng "cái khó bó cái khôn," của hệ thống ngân hàng hiện nay, bởi bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang phải vật lộn với một "cục nợ xấu" to đùng...

Lại vẫn chuyện... nợ xấu

Tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng tới 82% khu vực kinh tế doanh nghiệp, trên 30% khu vực đầu tư công và 28% vốn FDI… Vì vậy, muốn xử lý nợ xấu, Chính phủ phải vào cuộc bởi nếu để nhiều doanh nghiệp phá sản thì phục hồi không đơn giản. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, khi bắt tay vào xử lý mới thấy nợ xấu là rất lớn, gấp khoảng 20 lần con số thống kê. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này rất cần sự minh bạch và áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, tiêu chí an toàn trong dài hạn và có cảnh báo sớm.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu lớn nhất tại Việt Nam tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản và công ty sân sau của ngân hàng (các công ty con). Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tại Việt Nam được ông Hiếu chỉ ra là do tăng trưởng ảo vì cạnh tranh giữa các ngân hàng và áp lực từ phía cổ đông.

"Vậy trách nhiệm nợ xấu trước tiên là thuộc về ngân hàng nhưng cùng đó phải kể đến cả chính sách vĩ mô thả lỏng đồng tiền và nới lỏng cung tiền," vị chuyên gia này nhận định.

Theo tính toán của ông Hiếu, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Nếu chỉ tính mức nợ xấu chiếm khoảng 10% thì con số này đã là 250 nghìn tỷ đồng, nhưng trên thực tế có khi còn lớn hơn rất nhiều. Chuyên gia này cho hay, mỗi tháng nợ xấu tăng khoảng 8% nhưng vẫn chưa lên đến cực điểm và dự báo sẽ tiếp tục cao hơn nữa bởi nền kinh tế chưa được cải thiện. Nếu khả năng nợ xấu lên đến 15% thì con số này vào mức 375 nghìn tỷ đồng.

"Theo kinh nghiệm quốc tế, khoảng 50% số nợ xấu là mất. Vậy tại Việt Nam, con số trích lập dự phòng từ các ngân hàng là 70 nghìn tỷ đồng vẫn là quá ít, phải tăng lên ít nhất 2,5 lần nữa," ông Hiếu nhận xét. 

Thống kê cho thấy 84% số nợ xấu có tài sản bảo đảm với giá trị bằng 135%, nhưng ông Hiếu cho rằng mặc dù các ngân hàng đã thẩm định giá trị này nhưng trong khi bất động sản tụt dốc, giảm giá tới 30% thì giá trị tài sản này không còn thực tế. Bởi vậy, nếu cộng dồn tất cả lại, đem đi xử lý thì số tiền mang về cũng không đủ giải quyết 50% số nợ xấu!

Như vậy bản thân các ngân hàng không thể tự giải cứu mình trong hoàn cảnh này. Theo ông Hiếu, bản chất nợ xấu tại Việt Nam không giải quyết được nếu không thành lập công ty xử lý nợ quốc gia. Đơn vị đó phải do Ngân hàng Nhà nước chủ trì vì nắm rõ nhất mọi ngóc ngách cũng như sức khỏe toàn hệ thống. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của công ty mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính cùng kiểm toán và các bộ, ngành liên quan.

Cũng theo ông Hiếu, trên thế giới có hai mô hình xử lý nợ xấu. Hoa Kỳ là điển hình với mô hình xử lý nợ tập trung thông qua việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, mua nợ và chứng khoán hóa các khoản nợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia chọn cách xử lý không tập trung tức là để các ngân hàng tự xử.

Nhìn lại thời điểm quý VI/2011, các chuyên gia cho rằng hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ rất cao. Tuy nhiên, cùng với việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời tái cấp vốn nhanh, kết hợp chặt chẽ với việc mua lại, sáp nhập các ngân hàng. Như vậy, một mũi tên đã trúng hiệu quả cả mục đích là tái cấp vốn tạo thanh khoản và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Với con số đề xuất dành 100 nghìn tỷ đồng cho công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu, theo ông Hiếu, không nhất thiết phải bỏ tất cả số tiền này ra để giải quyết vấn đề nhưng có thể dùng khoảng 20%, các ngân hàng đóng góp 20- 30%, kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ giúp đỡ 20-30% hoặc có thể dành một phần ngân sách hay phát hành trái phiếu.../.

Theo Vietnam+

Từ khóa: