Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa có quyết định giảm lãi suất cho vay, song lãi suất huy động lại tăng lên khá mạnh.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa có quyết định giảm lãi suất cho vay, song lãi suất huy động lại tăng lên khá mạnh.
Từ ngày 16/2/2012, Vietcombank thông báo hạ lãi suất cho vay, mức lãi suất cho vay thấp nhất chỉ còn 14,5%/năm.
Cụ thể, đối với đối tượng khách hàng xuất khẩu thanh toán qua Vietcombank được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 14,5%/năm. Các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn (bao gồm hộ gia đình), Vietcombank áp dụng mức lãi suất 15%/năm.
Riêng các khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn (bao gồm hộ gia đình) hoạt động tại địa bàn Tp.HCM, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay 14,5%/năm.
Cùng với thông báo trên, biểu lãi suất huy động niêm yết của Vietcombank cũng có điều chỉnh đáng chú ý.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của ngân hàng này đã tăng khá mạnh ở các kỳ hạn dài. Trước đó, Vietcombank áp mức lãi suất huy động 14%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng; các kỳ hạn 24, 36, 48, 60 tháng chỉ áp ở 12%/năm. Song hiện mức 14%/năm đã được kéo thẳng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng.
Nếu như trong năm 2011, việc áp tối đa 14%/năm cho các kỳ hạn dài hay quyết định tăng nói trên của Vietcombank không có nhiều ý nghĩa bởi thực tế các nguồn tiền gửi phổ biến chỉ là các kỳ hạn ngắn.
Cá nhân một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 11/1/2012 cũng từng nói rằng: “Một thời gian dài hệ thống huy động chủ yếu là ngắn hạn, người gửi tiền hiếm khi gửi các kỳ hạn 3 - 5 năm. Nếu tôi đi gửi tiền thì cũng chỉ gửi 1 tháng, cùng lắm là 3 tháng. Nhiều năm vừa qua chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn”.
Nhưng hiện nay, việc đẩy lãi suất các kỳ hạn dài như vậy lên 14%/năm có thể xem là để kích thích và thu hút các nguồn tiền gửi dài hạn, tăng thêm sự chủ động vốn cho ngân hàng. Điều này phù hợp với dự tính của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra vừa qua là với triển vọng kiềm chế lạm phát dưới một con số thì cuối năm 2012 lãi suất huy động có thể ở mức 10%/năm.
Ngược lại, nếu theo triển vọng trên thì ngân hàng có thể chịu rủi ro chi phí với mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài như vậy.
Qua sự điều chỉnh trên của Vietcombank, cũng như trên biểu niêm yết của một số ngân hàng khác thời gian qua, lãi suất huy động tiếp tục kẻ thẳng một đường 14%/năm qua tất cả các kỳ hạn, bất kể dài hay ngắn, ngoại trừ dưới 1 tháng tối đa 6%/năm mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định.
Minh Đức
Theo VnEconomy