Gặp nhà báo Lại Văn Sâm nhân dịp ông vào TP.HCM để ghi hình một chương trình mới. Hai tháng sau khi chính thức về hưu, ông đã có một cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn về quá trình hơn 30 năm làm nghề.
"Tôi không thích làm lãnh đạo mà vẫn phải làm mấy chục năm qua''
* Hơn 2 tháng sau khi chính thức nghỉ hưu tại VTV, cuộc sống của ông hiện nay như thế nào?
Có nhiều người hỏi tôi, sau khi nghỉ hưu sẽ làm gì? Tôi bảo việc đầu tiên là làm người (Cười). Trước kia, tôi cũng nghe người ta dọa về hưu sẽ bị "sốc" nhưng bản thân tôi lại thấy khá thanh thản, giống như "anh nông dân cày xong thửa ruộng" vậy.
Tôi nghĩ rằng không gì hạnh phúc hơn khi đã làm tròn nhiệm vụ được giao. Còn bây giờ thì phải sống một cuộc sống thật thoải mái vì không còn những cái gánh nặng, áp lực, không còn phải làm những việc mình không thích nữa. Điển hình là tôi không thích làm lãnh đạo nhưng tôi vẫn phải làm mấy chục năm qua.
Tất nhiên có lúc này, lúc kia, có những sai lầm trong quá trình làm nhiệm vụ nhưng tổng kết lại, tôi thấy mình đã hoàn thành tốt hơn so với khả năng mình có. Con người sẽ chỉ hạnh phúc khi cảm thấy mãn nguyện với những gì mình đã trải qua. Và tôi thấy mình là người hạnh phúc.
Nhà báo Lại Văn Sâm đã nghỉ hưu được hơn 2 tháng.
"Tôi vẫn nói đùa, tôi là một thằng vô học trong lĩnh vực truyền hình"
Nhà báo Lại Văn Sâm
* Trước khi đến với truyền hình, ông chỉ là một người bán hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Điều gì đã "đưa đẩy", khiến ông gắn bó với lĩnh vực này suốt hơn 30 năm qua?
Đến tuổi này, nhìn lại chặng đường đã qua, xâu chuỗi lại những gì diễn ra, tôi thấy rằng con người đôi khi không biết hết khả năng của mình. Vào cái hoàn cảnh nào đấy, môi trường nào đấy thì tự nhiên phát hiện ra điều mà mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được.
Tôi vẫn nói đùa, tôi là một thằng vô học trong lĩnh vực truyền hình vì tôi không được học báo chí mà là học tiếng Ấn Độ. Nhưng rồi số phận đưa đẩy thế nào, từ một kẻ thất nghiệp, đi xin việc hết chỗ này đến chỗ khác cuối cùng lại bước vào lĩnh vực này. Tôi cố gắng học hỏi, chịu khó quan sát xung quanh và dần dần cũng làm được, không dám nói là làm giỏi mà làm không đến nỗi tệ.
Bạn thấy đấy, mỗi người sinh ra dường như đã có một số phận định đoạt từ trước. Chỉ cần trật một nhịp, có khi tôi đã không ngồi đây rồi. Tôi nói như vậy không phải để ru ngủ ai mà để các bạn hiểu rằng con người sinh ra đã là may mắn rồi, dù bạn thành công hay thất bại, hãy hạnh phúc với sự tồn tại của mình, đừng băn khoăn chuyện mình may hay rủi, mình hạnh phúc hay mình đau khổ… Chúng ta đều là những con người thế thôi.
Nhà báo Lại Văn Sâm đã trở thành gương mặt quen thuộc trong các chương trình truyền hình trên sóng VTV. Ảnh: Ân Nguyễn
* Thời gian qua, hiếm khi ông nhận trả lời phỏng vấn nhưng thông tin về ông vẫn thu hút sự quan tâm rất lớn từ khán giả, đặc biệt là chuyện ông nghỉ hưu. Nhân đây, có điều gì mà ông muốn đính chính lại cho độc giả hiểu rõ hơn không?
Thứ nhất, tôi không có Facebook. Tôi đã nói không biết bao lần rồi nhưng trên mạng vẫn có cả chục trang Lại Văn Sâm. Thứ hai, rất nhiều thông tin không chính xác về tôi. Chẳng hạn, tôi đang đi nghỉ ở Trung Quốc với gia đình thì thấy thông tin nhà báo Lại Văn Sâm xin tự nguyện nghỉ hưu để nhường chỗ cho lớp trẻ. Tôi không tốt đến như thế. Tôi đến tuổi thì nghỉ hưu theo đúng chế độ nhà nước, đơn giản thế thôi. Và tôi cũng không nhường ai cái gì vì tôi có tranh ai cái gì đâu. Cơ hội là cho tất cả mọi người.
Thông tin đó chắc mọi người suy đoán từ trên mạng, vì trên mạng ghi tôi sinh năm 1958 trong khi tôi sinh năm 1957, năm nay tròn 60 tuổi. Thế nên, cá nhân tôi không thích mạng xã hội vì nó gây nhiễu nhiều quá. Người sử dụng mạng cũng nên thông mình hơn khi nhìn nhận mọi thứ. Có người đã bảo tôi đi kiện người này, người kia nhưng tôi bảo thôi, vì thật sự tôi không có thời gian. Thời gian để làm việc và dành cho gia đình còn không đủ nữa, huống chi là lên mạng đôi co.
Đau nhất là phóng sự Dùng chổi quét rau
* Nhìn lại chặng đường đã qua, có điều gì khiến ông cảm thấy tiếc nuối vì chưa làm được hoặc chưa kịp làm?
Thật ra, nếu nói không có tiếc nuối gì thì không đúng vì với con người, không bao giờ là đủ. Nhưng bảo là có gì đấy khiến mình dằn vặt, đau khổ vì chưa làm được thì không. Tôi quan niệm, những gì mình làm được là những điều may mắn và những gì chưa làm được thì tôi cũng coi đấy là sự sắp đặt từ trước.
Điều khiến tôi cảm thấy đau nhất là phóng sự Cây chổi quét rau. Đó là sự non nớt, không phải là tai nạn như những chương trình kia. Khi tôi biết được việc này, câu đầu tiên tôi bật ra là "Thật là ngu xuẩn".
Nhà báo Lại Văn Sâm
Có lần, tôi gặp một người phụ nữ. Bà ấy nói rằng bà có khả năng ngoại cảm và cho rằng chương trình tôi làm khó có thể thành công. Tôi nghe nhưng tôi vẫn làm và tôi đã thành công. Tôi thấy rằng, tất cả mọi thứ trên đời chỉ là tương đối thôi. Bất công luôn tồn tại và con người chỉ có cách thích nghi với nó mà thôi. Tôi là người luôn dễ thích nghi với mọi bất công. Những gì tôi chưa làm được, tôi không coi đấy là thất bại, có thể tiếc vì giá như làm được thì khán giả có thêm cái này, cái kia.
* Khi còn là Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam, "tai nạn nghề nghiệp" nào khiến ông nhớ nhất?
Chắc mọi người cũng đều biết, chẳng hạn như Điều ước thứ 7 với phóng sự cô Lượm. Khi tôi lên Bộ Thông tin Truyền thông nộp phạt hành chính, tôi có nói với họ, đấy là tai nạn, chúng tôi bị lừa. Còn điều khiến tôi cảm thấy đau nhất là phóng sự Dùng chổi quét rau. Đó là sự non nớt, không phải là tai nạn như những chương trình kia. Khi tôi biết được việc này, câu đầu tiên tôi bật ra là "Thật là ngu xuẩn". Lenin có câu nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại. Trong trường hợp này, tôi thấy rất đúng.
Cô phóng viên rất trẻ, thấy ở quê có việc người ta làm giả những luống rau bị sâu để bán được giá thì mang chuyện đó lên truyền hình nhưng khi quay lại đúng hôm trời mưa không quay được. Vậy là cô ấy vận động người nhà làm "diễn viên" để quay mà quên mất rằng cái có thật và cái diễn tả là hai điều hoàn toàn khác nhau. Việc này khiến tôi vừa bực vừa cảm thấy ám ảnh. Tự nhiên từ một việc muốn đóng góp cho xã hội cuối cùng đi ngược trở lại, làm dư luận mất lòng tin.
Hình ảnh dàn dựng của phóng viên VTV3 trong phóng sự Dùng chổi quét rau. Ảnh: Chụp màn hình.
* Tạm gác lại những chuyện không vui đã qua, chương trình nào khiến ông cảm thấy tâm đắc nhất trong suốt 30 năm làm truyền hình?
Việc tôi không thích thì không ai bắt tôi làm được, kể cả tổng giám đốc. Vậy nên, tất cả chương trình mà tôi làm, cả nhỏ và lớn, tôi thích thì tôi mới làm. Bây giờ hỏi tôi tâm tâm đắc chương trình nào nhất thì rất khó, vì nói tâm đắc chương trình này sẽ "oan" cho chương trình khác.
Tôi vẫn nói, khi làm một chương trình nào đấy, bước ra trường quay mà không còn thấy hồi hộp nữa thì tôi sẽ không làm. Ví dụ, chương trình Ai là triệu phú, 12 năm rồi nhưng lần nào cũng vậy, khi bước ra bao giờ tôi cũng hồi hộp, không biết mình sẽ gặp ai, chương trình hôm nay thế nào, có ai đạt giải cao không... Mỗi chương trình đều là ấn tượng riêng, kỷ niệm riêng.
* Trong 30 năm ấy, ông thấy gameshow đã biến đổi như thế nào khi vừa qua, làn sóng "tẩy chay" gameshow diễn ra khá mạnh mẽ?
Cũng giống như thời trang chỉ ngần đấy mốt rồi lại xoay vần, gameshow sau một thời gian ngự trị trên sóng truyền hình cũng có lúc bão hòa. Mọi người kêu ca thì cũng có lý do bởi cứ "ăn" mãi một món thì cũng chán. Vả lại, hiện nay khán giả có quá nhiều sự lựa chọn. Ví dụ, tôi là một khán giả, tôi dại gì xem một gameshow mất 2-3 tiếng đồng hồ trong khi có chương trình khác hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, gameshow vẫn tồn tại vì có đối tượng khán giả riêng. Nếu bỏ hết đi thì trên sóng truyền hình phát cái gì? Bản thân tôi khi còn đang làm ở VTV thì cũng không theo dõi được hết đâu. Chương trình tôi thích nhất là Đường lên đỉnh Olympia. Nếu có điều kiện thì tôi sẽ xem, không bỏ sót. Còn làm ở đài thì ngày nào tôi cũng duyệt nên không xem trên truyền hình nữa. Về nhà còn ít thời gian, ăn tối xong thì tranh thủ xem thể thao hoặc phim truyện thôi.
Từng muốn thôi làm MC Ai là triệu phú
* Sau khi nghỉ hưu, ông đã có kế hoạch gì cho mình?
Tôi chỉ thôi vai trò lãnh đạo nhưng vẫn giữ vai trò MC ở một số chương trình, điển hình như Ai là triệu phú và sắp tới đây là vai trò host trong chương trình Little Big Shots phiên bản Việt, một chương trình về trẻ em mua bản quyền từ Warner Bros. chuẩn bị lên sóng VTV3.
Tôi thích làm việc trong những chương trình có fomat nước ngoài vì ê-kíp nước ngoài, đặc biệt là Anh, Mỹ... rất thông minh, chuyên nghiệp. Họ có những yêu cầu rất khắt khe, đặc biệt là với vị trí host như tôi. Tôi từng làm việc với ê-kíp nước ngoài trong các chương trình như Trò chơi thi đấu liên tỉnh năm 1996 - 1997, sau đó tới chương trình Ai là triệu phú... Người nước ngoài nguyên tắc đến mức bảo thủ nhưng làm việc với họ rất dễ chịu. Chúng ta thường dễ lầm tưởng rằng mình làm vậy đã tốt nhưng phải để người ngoài đánh giá sẽ tốt hơn.
* Ông có tự tin rằng mình có khiếu hài hước và có duyên với trẻ em?
Tôi không biết lên sân khấu thế nào còn ngoài đời, trẻ con xem tôi như bạn. Ở Hà Nội, đi đường, mấy đứa trẻ thấy tôi không gọi là anh hay chú mà giơ tay "Chào Lại Văn Sâm!". Tôi nghĩ rằng đó là sự thân thiện nhưng không biết vào trường quay thì có thế không.
Tôi không phải diễn viên hài nên không có khả năng chọc cười khán giả theo kiểu diễn viên. Xem chương trình này (Little Big Shots - PV), tôi nghĩ câu chuyện của tôi với các cháu sẽ tạo cho khán giả nhiều cảm xúc. Quan trọng là cảm xúc chứ không phải cười hay không cười bởi vì đôi khi yếu tố bất ngờ đưa đến cho khán giả nhiều thú vị hơn những câu chọc cười rẻ tiền, có người cười, có người không. Tôi nghĩ nếu đúng như thế thì mình có thể đáp ứng được.
Nhà báo Lại Văn Sâm dẫn chương trình Ai là triệu phú. Ảnh: Chụp màn hình.
* Hiện nay, các chương trình về thiếu nhi khá nhiều, nhiều đến mức người ta cho rằng các tài năng nhí không kịp "nảy mầm" với mật độ gameshow truyền hình dày đặc như bây giờ. Điều đó có khiến ông lo lắng cho vai trò sắp tới?
Chương trình tôi sắp làm không phải là chương trình tìm kiếm tài năng, càng không phải là cuộc thi để xem ai tài hơn ai, mà là giới thiệu những khả năng đặc biệt của những đứa trẻ từ 3 - 13 tuổi, đơn giản vậy thôi. Và host không được tiếp xúc với các bé trước để chính bản thân host cũng cảm thấy ngạc nhiên, thích thú. Nước ngoài thú vị là ở chỗ đó. Ở Việt Nam, người lớn hay nghĩ ra kịch bản rồi bắt trẻ con phải nói thế này, thế kia như kiểu diễn. Còn tôi có hai nguyên tắc. Thứ nhất, tôi không cho ai trang điểm hay bôi gì lên mặt mình. Thứ hai là tôi không thích diễn trên sân khấu.
* Hiện nay, tham gia dẫn dắt các gameshow ngoài các MC còn có những người nổi tiếng, nghệ sĩ hài "lấn sân". Một "MC quốc dân" như ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc về vấn đề này cả. Bởi vì, nghệ sĩ hay những gương mặt nổi tiếng chuyển sang làm MC các gameshow cũng bình thường và hợp lý thôi bởi đó đâu phải là chương trình đòi hỏi nhiều kiến thức hay yêu cầu nọ kia đâu. Đấy là chương trình giải trí và nhiệm vụ của người dẫn chương trình làm sao giữ được nhịp, giữ được tính giải trí của chương trình để khán giả đừng có ngủ gục, đừng có chuyển kênh. Họ là những người có lợi thế về ngoại hình, khả năng hoạt ngôn và hơn hết là họ được khán giả yêu quý, biết đến.
Tôi không biết ở Việt Nam có trường lớp nào dạy MC không. Nếu có thì tôi cũng... nghi ngờ lắm vì tôi không biết họ dạy cái gì ở đấy. Còn những chương trình chính luận, ví dụ như những chương trình bình luận, thời sự trong nước và quốc tế thì phải có kiến thức, không thể nói theo kiểu hoạt ngôn được vì thứ nhất là cần độ chính xác cao, thứ hai là phải có tính thuyết phục và thứ ba là phải có sự lôi cuốn.
* Tại sao trong chương trình Ai là triệu phú, đến bây giờ vẫn chỉ có ông đảm nhận vai trò MC mà không phải là ai khác thay thế?
Người Anh nhiều khi nguyên tắc đến bảo thủ. Ngày trước, đích thân tổng đạo diễn của phiên bản Ai là triệu phú toàn cầu sang Việt Nam và chọn tôi làm người dẫn. Sau khi dẫn được khoảng 6-7 năm gì đấy, tôi có ý định tuyển người khác vào vị trí này nhưng họ không đồng ý. Chính ông tổng đạo diễn đã viết thư cho ông Vũ Văn Hiến (khi đó là Tổng giám đốc VTV - PV), nói rằng: "Tôi nghe nói ông Lại Văn Sâm có ý định tuyển MC khác cho chương trình và tôi hiểu chương trình Ai là triệu phú sẽ không sản xuất ở Việt Nam nữa".
Thế nên, ông Hiến nói với tôi: "Chú phải làm tiếp thôi". Vì lẽ đó mà tôi làm đến giờ chứ không phải không ai có thể thay thế được tôi. Đơn giản vì đó là yêu cầu từ đơn vị giữ format gốc. Chương trình này mua bản quyền đến năm 2018 nên ít nhất tôi sẽ dẫn đến hết năm 2017 rồi tính tiếp.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thiên Hương
Theo Thanh niên