Chiều 3/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012.
Chiều 3/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2012.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Nguồn: TTXVN)
Yêu cầu tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nhìn chung kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt. Tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan.
Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 4,38% và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dấu hiệu hồi phục sản xuất công nghiệp ngày càng rõ nét. Tốc độ tăng giá tiêu dùng liên tục giảm, là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm. Bộ trưởng khẳng định: Mặc dù còn có những khó khăn, nhưng tình hình kinh tế-xã hội đang đi đúng hướng.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, yêu cầu trước mắt đặt ra là tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu sản xuất. Tuy số doanh nghiệp thành lập mới tăng và lớn hơn số doanh nghiệp phải giải thể song tốc độ tăng chậm hơn, phản ánh những khó khăn rất khách quan về điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, đương nhiên có sự hỗ trợ, thúc đẩy thông qua các biện pháp, chính sách của Nhà nước.
Khó khăn của doanh nghiệp trước mắt cũng như tới đây là thiếu vốn sản xuất; hàng sản xuất ra, một số sản phẩm tồn kho. Vấn đề vốn cũng là vấn đề Ngân hàng nhà nước đang và cần tiếp tục tập trung các giải pháp tạo thuận lợi tốt hơn cho doanh nghiệp. Hiện, lãi suất huy động đã giảm nhưng thực tế là doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn nhiều. Trong đó có lý do lãi suất còn cao và nợ đọng chưa được giải quyết triệt để. Ngân hàng Nhà Nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp giải quyết nợ đọng và để doanh nghiệp tiếp xúc nguồn vốn thuận lợi hơn.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, khó khăn dài hạn hơn là làm sao để 3 lĩnh vực tập trung tái cơ cấu phải có bước chuyển biến thực sự về chất; đầu tư công phải tiết kiệm và hiệu quả. Điểm mấu chốt, căn bản những năm tới đây là cần phải làm cho doanh nghiệp nhà nước và cả doanh nghiệp ngoài nhà nước có sức cạnh tranh cao hơn thông qua việc cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình quản trị, mô hình sản xuất, thay đổi công nghệ, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách vĩ mô của Nhà nước. Đây là vấn đề khó khăn cần sự đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng cho rằng, còn những vấn đề trong quản lý kinh tế cả vĩ mô, vi mô chưa thực sự theo cơ chế thị trường, ví dụ giá cả một số mặt hàng thiết yếu như giá xăng dầu,giá điện than....Vấn đề cốt lõi đặt ra là trong khó khăn chung của nền kinh tế, tập trung kiềm chế lạm phát, vẫn phải đưa những yếu tố này về đúng quy luật thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sáu tháng cuối năm, Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án đã được phê duyệt; kêu gọi các địa phương tập trung thi công để giải ngân đúng tiến độ. Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước một mặt tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, mặt khác có các biện pháp giải quyết nợ đọng một cách có hiệu quả để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Các địa phương thực hiện tốt quản lý nhà nước toàn diện trên địa bàn, đưa kỷ cương, trật tự an toàn xã hội dần vào nền nếp hơn. Các bộ, ngành cần sâu sát hơn, lắng nghe thông tin, dư luận nhân dân để điều hành sát thực tế hơn.
Quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước
Trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề điều hành giá điện, Bộ trưởng khẳng định về định hướng lâu dài, giá một số mặt hàng, trong đó có giá điện phải đưa về theo cơ chế thị trường để có cơ cấu giá hợp lý, hợp quy luật, khuyến khích nhân dân và doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng. Hiện nay, giá điện đang được bán dưới giá thành, dẫn tới có một số hệ lụy là nhiều ngành sản xuất tiêu tốn điện, gây ô nhiễm vô hình chung được lợi. Đương nhiên, việc đưa giá điện về giá thị trường cần có lộ trình.
Quan điểm của Chính phủ là phải đảm bảo các yêu cầu: Công khai, minh bạch; thực hiện đúng quy định của pháp luật và điều rất quan trọng là không làm ảnh hưởng tới người nghèo, người khó khăn, nếu có ảnh hưởng thì phải có giải pháp đi liền.
Dựa trên 3 nguyên tắc này, vừa qua ngành điện đã có những điều chỉnh về giá. Chính phủ chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và của một bộ phận nhân dân đồng thời cũng kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nỗ lực. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm trong việc tăng giá một loại mặt hàng ảnh hưởng đến rất nhiều người trong xã hội, ngoài việc công khai, minh bạch theo đúng quy định, cần làm tốt công tác tuyên truyền.
Trả lời câu hỏi về những điểm mới trong việc sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết việc sửa đổi sẽ theo hướng các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, đã được xác định. Những ngành nghề kinh doanh ngoài ngành nghề kinh doanh chính mà trước đây các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã đầu tư sang, đặc biệt là những ngành nghề có tính nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản sẽ tiến hành thoái vốn.
Nghị định mới cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu trước Nhà nước về đồng vốn, bảo toàn vốn...của Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành trong công tác định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cũng như trong công tác tham gia vào các khâu theo quy định về vấn đề bổ nhiệm cán bộ.
Đối với công tác cán bộ, quy định chặtc hẽ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành vì Bộ quản lý chuyên ngành là người theo sát quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hơn bất cứ cơ quan nào khác.
Về vấn đề thành lập một cơ quan ngang Bộ quản lý doanh nghiệp, hiện Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Viện nghiên cứu làm đầu mối, lấy ý kiến rộng rãi về mô hình này. Trong khi chưa có phương án nào thuyết phục, tăng cường trách nhiệm quản lý của các Bộ chuyên ngành và của Bộ Tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Chính phủ một cơ quan thuộc Bộ có trách nhiệm quản lý vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, theo dõi, giám sát tình hình doanh nghiệp. Trước mắt, sẽ làm theo mô hình này.
Đối với vấn đề giải quyết nợ xấu, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu vì đây chính là điểm mắc để doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Một trong những giải pháp là nghiên cứu thành lập một doanh nghiệp mua bán nợ xấu, nhưng không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đợi thành lập doanh nghiệp này xong mới tiến hành xử lý nợ xấu mà ngay tới đây, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các Ngân hàng thương mại làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, có sự hỗ trợ ở mức cần thiết của cơ quan chính quyền các cấp để xử lý các khoản nợ. Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về một số vấn đề khác như rút ngắn khoảng cách nông thôn-thành thị; giải ngân vốn đầu tư; tác động của việc tăng giá điện; điều hành giá xăng..../.
Theo Vietnamplus