Lần đầu tiên các công ty chứng khoán buộc phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) theo quy định, thay vì xây dựng một cách tự nguyện mà mỗi nơi mỗi khác như hiện nay.
Lần đầu tiên các công ty chứng khoán buộc phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) theo quy định, thay vì xây dựng một cách tự nguyện mà mỗi nơi mỗi khác như hiện nay.
Để hiểu hơn về cơ chế xây dựng và hoạt động của Bộ phận QTRR tại các CTCK, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK.
Ông Phạm Hồng Sơn.
CTCK buộc phải thiết lập hệ thống QTRR theo Quyết định 105/QĐ-UBCK vừa được ban hành. Thưa ông, hệ thống này sẽ giúp CTCK ngăn ngừa và xử lý những rủi ro nào chủ yếu trên thị trường?
Trong thời gian, các CTCK cũng đã thực hiện việc kiểm soát rủi ro dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số công ty vẫn còn hoạt động QTRR tương đối yêu kém và bản thân các công ty đó cũng đã trả giá cho hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, UBCKNN cũng muốn xây dựng, thiết lập một quy chế thống nhất trong hoạt động QTRR của các CTCK.
Sau Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, ngày 26-2-2013, Chủ tịch UBCK ký Quyết định 105/QĐ-UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống QTRR cho CTCK. Theo đó, các CTCK phải thiết lập và vận hành hệ thống QTRR phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của công ty.
Hệ thống QTRR của CTCK phải bao gồm một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, một cơ chế vận hành thống nhất và một bộ quy trình QTRR xử lý ít nhất 5 loại rủi ro trọng yếu gồm: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý.
Hệ thống QTRR được thiết lập phải đảm bảo CTCK có khả năng xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo rủi ro và xử lý một các hiệu quả các rủi ro trọng yếu đồng thời đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tuân theo của mình tại mọi thời điểm.
Các CTCK làm gì để để xác định hạn mức rủi ro trong quá trình QTRR?
Các CTCK phải quy định bằng văn bản quy trình xác định rủi ro. CTCK phải xây dựng và sử dụng các phương pháp đo lường rủi ro thích hợp để làm cơ sở QTRR, có thể sử dụng phương pháp định tính hoặc định lượng tương ứng với các loại rủi ro khác nhau.
Việc xác định và phân bổ hạn mức rủi ro có thể được thực hiện trên cơ sở các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh, hoặc trên cơ sở các loại sản phẩm, độ dài của kỳ hạn…. Sau khi xác định được hạn mức rủi ro, CTCK phải tiếp tục đánh giá về tính hợp lý để thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Tổng giám đốc (Giám đốc) phải giám sát và kiểm soát các hạn mức rủi ro để đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh của công ty không vượt quá mức độ rủi ro chấp nhận được.
CTCK phải đảm bảo nguyên tắc không có hoạt động kinh doanh nào được thực hiện khi hạn mức rủi ro chưa được xác định trước.
Nhiệm vụ chính của hệ thống QTRR này như thế nào, thưa ông?
Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu CTCK giao quyền cho Tổng giám đốc (Giám đốc) thực hiện triển khai hoạt động QTRR theo chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro mà HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty đã phê duyệt.
Tổng giám đốc (Giám đốc) phải thành lập Bộ phận QTRR hoạt động độc lập với các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ khác.
Các CTCK phải đảm bảo công tác QTRR được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực, thống nhất và phải được thể hiện bằng văn bản.
CTCK phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận QTRR được tổ chức tách biệt và độc lập với nhau, người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận QTRR và ngược lại.
Trưởng Bộ phận QTRR thực hiện theo dõi, đánh giá hàng ngày trạng thái rủi ro của CTCK.
UBCKNN giám sát hệ thống QTRR của các CTCK như thế nào và nhà đầu tư trên thị trường được hưởng lợi như thế nào từ quy chế này?
Theo quy chế, CTCK phải báo cáo UBCKNN trước ngày 31-1 và 30-7 hằng năm về hoạt động QTRR theo mẫu báo cáo.
CTCK phải báo cáo UBCKNN trước ngày 31-1 hằng năm chính sách rủi ro đã được HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty đã phê duyệt.
Theo đó, các CTCK sẽ biết cách xác định các rủi ro trong quá trình hoạt động để có biện pháp nhằm chủ động xử lý kịp thời. Qua đó các cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường sẽ được yên tâm hơn với đơn vị mình góp vốn và sử dụng dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!
Trần Anh
theo Tiền phong