Từ lâu, làng Đô Hai, xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã nổi tiếng với nghề làm sừng mỹ nghệ. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay người dân nơi đây, những chiếc sừng trâu, sừng bò phế phẩm đã thành những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Một xưởng sản xuất sừng mỹ nghệ.
“Đại công trường” làng
Sáng sớm tinh mơ, về đến đầu làng nghề Đô Hai đã nghe tiếng cưa, đục, tiếng đá mài râm ran vọng qua những cánh đồng chiêm trũng. Đi vào sâu trong làng, một cảnh tượng lao động nhộp nhịp như một “đại công trường lớn”. Ngôi làng nhỏ có đến năm xưởng chế tác sừng lớn, mỗi xưởng hàng chục công nhân đang mải miết với từng công đoạn chế tác của mình. Dưới ánh đèn, từ người già, trung niên đến những đứa trẻ đều miệt mài, tỷ mỉ với công việc của mình từ cưa sừng, mài, đánh bóng đến sơn quét trang trí…
Ngoài những xưởng lớn thì có đến hàng chục hộ gia đình khác cũng chuyên nghề làm sừng mỹ nghệ. Tất cả đều hối hả, tuần thục và nhuần nhuyễn. Bên ngoài trời lạnh cóng, nhưng trong nơi làm việc người nào cũng chỉ khoác trên mình những chiếc đồ cộc, áo lao động mỏng manh phủ đầy mùn cưa kèm theo những giọt mồ hôi thẩm đẫm. Khắp cả làng là tiếng cưa đục, máy móc. “Trong những ngày giáp Tết cả làng ai cũng gắng gấp rút hoàn thiện những lô hàng để kịp thời gian và đủ số lượng cho công ty đầu mối nhận hàng xuất khẩu sang các nước như Nga, Đông Âu và Trung Quốc”, ông Lê Văn Bình, một nghệ nhân làm sừng nói.
Hiện tại, xưởng sản xuất sừng mỹ nghệ của ông Bình đang sản xuất một loạt các sản phẩm vô cùng tinh xảo và đẹp mắt như rồng, phượng đôi, lược bỏ túi, hình dạng 12 con giáp để chuẩn bị cho những lô hàng xuất khẩu. Ông Bình cho biết đã học nghề làm sừng từ chính cha của mình khi mới 5 tuổi và gắn bó với nghề đã 45 năm.
“Theo các câu chuyện được lưu truyền lại thì cụ Nguyễn Văn Tuấn là ông tổ nghề làm sừng mỹ nghệ của làng. Hơn trăm năm trước, cụ Tuấn đã phải đi sang các nước Đông Dương, Châu Âu, Châu Phi để kiếm sống. Ở đâu cụ Tuấn cũng thấy người ta dùng sừng trâu, sừng bò để chế tác ra những sản phẩm khác nhau, từ chiếc lược ngà đến đồ vật sinh hoạt, đồ trang trí đẹp và tinh xảo. Từ đó, cụ học lại và dần thành nghề. Sau khi về quê hương, cụ lại sáng tạo thêm và truyền lại nghề này cho con cháu và dân làng mình. Từ đấy có nhiều học trò đã tìm đến học và sau này trở thành nghệ nhân có tiếng. Những sản phẩm đẹp mắt đã được họ đem đi bán khắp nơi và trở thành thương hiệu làng nghề nổi tiếng”, ông Bình kể.
“Kỹ nghệ” làm sừng
Sừng sau khi cắt ngỏ mài nhẵn được ngâm từ 12 đến 14 tiếng.
Bác Nguyễn Xuân Khoa người học nghề làm sừng từ khi 8 tuổi bây giờ trở thành chủ một cơ sở lớn chuyên cung và bán sản phẩm sừng mỹ nghệ tại làng Đô Hai cho biết: “Mình học nghề và làm nghề chế tác sừng cũng như là một phương pháp để rèn luyện bản thân vì khi làm nghề này phải thật kiên trì, tỷ mỉ và tinh tế thì mới cho ra một tác phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra trong khi làm phải có sự sáng tạo để thiết kế ra được những mẫu mã sản phẩm mới lạ thì mới thu hút được khách hàng.”.
Để có được một sản phẩm đẹp, ưng ý và hoàn mỹ từ những chiếc sừng trâu, bò các nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. “Khi mua sừng về phải ngâm với nước từ 12 đến 14 tiếng, sau đó cắt thành ống, tùy từng loại sản phẩm mà đo kích thước chuẩn có hình dạng khác nhau. Tiếp đến là hơ nóng ép dẻo thành khuôn, đây là công đoạn cực kì khó khăn và vất vả. Người công nhân phải ngồi bên bếp than nóng hơ từng miếng sừng dưới ngọn lửa vừa phải. Sừng không được nóng quá sẽ cháy và quăn lại coi như là bỏ đi không thể sử dụng được nhưng ngược lại cũng không thể hơ chưa tới lửa vì sừng sẽ cứng và không thế uốn theo ý của nghệ nhân. Công đoạn sau đó là cắt răng, chà lát. Công đoạn này cực kì khó chỉ giành cho những người thợ lâu năm có kinh nghiệm và “hoa tay” sau khi sừng được nung và uốn, công đoạn này nghệ nhân phải dùng bàn tay tài hoa của mình đế chể thành hình dáng những sản phẩm theo ý muốn hoặc theo đơn đặt hàng của khách. Và cuối cùng là đánh bóng sau khi sừng đã thành phẩm thì những người thợ cuối cùng phải đánh thật bóng nhẵn nhìn sáng loáng và đẹp mắt đem đi xuất bán. Mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, cẩn thận và cực kì tinh mắt”, ông Bình cho biết. Vẫn theo ông Bình, việc chế tác đồ mỹ nghệ từ sừng bao gồm mỗi người một công đoạn chứ không thể ôm đồm. Điều này yêu cầu phải dựa vào tay nghề của từng cá nhân, có những chi tiết làm cả ngày mới xong nên phải có tinh thần tập thể hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau thì mới có sản phẩm đẹp.
Trở thành “làng triệu phú”
Sản phẩm sau khi hoàn thành được xuất bán trong nước và nhiều nước trên thế giới.
Ông Trần Ngọc Thương- Phó chủ tịch UBND xã An Lão cho biết: “Từ lâu người dân xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam quanh năm chỉ biết đến việc đồng ruộng, dù lao động cật lực quanh năm suốt tháng “đầu tắt mặt tối” nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn nên được xét vào làng nghèo trong xã. Nhưng từ khi người dân chuyển dần sang làm sừng mỹ nghệ làng đã thay da đổi thịt từng ngày”.
Cũng theo ông Thương, tuy nghề làm sừng mỹ nghệ đã có cách đây gần 100 năm nhưng chỉ có một số nghệ nhân và hộ nhỏ lẻ chế tác. Chỉ cách đây khoảng hơn 30 năm (từ năm 1980, nghề bắt đầu mới phục dựng trở lại, người tham gia làm nghề bắt đầu đông dần lên. Đến gần 15 năm trở lại đây, làng nghề mới phát triển một cách mạnh mẽ. Hiện làng Đô Hai có 344 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu nhưng đã có khoảng gần 250 hộ làm nghề ...
Sản phẩm do làng làm ra được tiêu thụ nhiều nhất là vào các dịp cuối năm, dịp hè để phục vụ khách du lịch. Nhiều sản phẩm là các con vật, cây cối, tranh ảnh nghệ thuật được đưa đi xuất khẩu với bình quân mỗi sản phẩm dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng. Thậm chí có sản phẩm “độc” như chiếc đầu bò được gia công thêm bằng gỗ và đôi sừng oai vệ hay con rồng đang bay lên thì có giá cả chục triệu trên một sản phẩm. Từ khi làng nghề phát triển trở lại, cuộc sống của người dân nơi đây bắt đầu từng bước “thay da đổi thịt” bây giờ vào làng đường bê tông đã đổ sát vào tận sân. Những bức tường bê tông cao hàng mét bao quanh các ngôi nhà cao từng với mái ngói đỏ tươi. Hầu như ở làng Đô Hai ai cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy và con cái đều được học hành đến nơi đến chốn.
Thanh Vân