Sự kiện hot
10 năm trước

Lăng Tự Đức vẫn mở cửa đón khách trong giai đoạn trùng tu

Lăng Tự Đức vẫn đón khách du lịch trong giai đoạn trùng tu - vấn đề là tổ chức hợp lý trong khi thi công để vừa đảm bảo an toàn và tránh gây phiền hà cho du khách.


Di tích Xung Khiêm Tạ trong ngày khởi công trùng tu. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Hiện tại, mỗi năm có gần 300.000 lượt khách du lịch; trong đó, có gần 180.000 lượt khách du lịch nước ngoài tham quan lăng Tự Đức.

Đó là khẳng định của ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế khi đề cập đến việc trùng tu công trình này vào ngày 19/11.

Dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lăng Tự Đức có tổng vốn đầu tư 105,4 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục Lương Khiêm Điện, Chí Khiêm Đường, Lễ Khiêm Vu, Pháp Khiêm Vu, Tiểu Khiêm Trì, khu vực hồ Lưu Khiêm. Dự án triển khai thực hiện trong vòng 5 năm, bắt đầu từ cuối tháng 11/2014 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn huy động hợp pháp khác.

Công trình Lương Khiêm Điện, việc bảo tồn, tu bổ công trình có diện tích nền 532m2; hệ khung chính làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang; phần mái nhà chính lợp ngói âm dương Hoàng Lưu Ly, mái hai hành lang lợp ngói âm ống Thanh Lưu Ly; tu bổ, phục hồi nền điện, chái lát gạch Bát Tràng; tu bổ, phục hồi hệ thống lan can 153,15m; phục hồi các sân lát gạch Bát Tràng 2.446,6m2; tu bổ, phục hồi tường, cổng 94,2m2; bảo tồn, tu bổ nội thất công trình.

Đối với công trình Chí Khiêm Đường, dự án tiến hành tu bổ, phục hồi công trình có diện tích nền 370m2; hệ khung chính làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang; phần mái nhà chính lợp ngói âm dương Thanh Lưu Ly, mái hai hành lang lợp ngói liệt Thanh Lưu Ly; tu bổ, phục hồi nền nhà chính, hành lang lát gạch Bát Tràng; phục hồi sân lát gạch Bát Tràng 90,81m2; tu bổ, phục hồi tường, cổng, nội thất công trình.

Còn công trình Khiêm Vu, dự án tiến hành tu bổ, phục hồi công trình có diện tích nền 113,7m2; hệ khung chính làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang; phần mái lợp ngói liệt Thanh Lưu Ly; phục hồi nền lát gạch Bát Tràng; phục hồi nội thất công trình; phục hồi sân lát gạch Bát Tràng 1.170m2; tu bổ, phục hồi tường, cổng 16,5m2.

Với Pháp Khiêm Vu, dự án tu bổ, phục hồi công trình có diện tích nền 113,9m2; hệ khung chính làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang; phần mái lợp ngói liệt Thanh Lưu Ly; phục hồi nền lát gạch Bát Tràng, nội thất công trình. Đối với Tiểu Khiêm Trì, dự án tu bổ, phục hồi công trình có diện tích 360m2; tu bổ hệ thống lan can, kè hồ và các sân, lan can bao quanh khu vực Tiểu Khiêm Trì.

Các công trình thuộc khu vực hồ Lưu Khiêm, dự án tiến hành nạo vét hồ 10.500m3; phục hồi hệ thống đường dạo 2.268,4m2; tu bổ hệ thống lan can 1.014,4m2; tu bổ hệ thống kè; tôn tạo Đảo Tịnh Khiêm; phục hồi Đình Nhã Khiêm, Đình Lạc Khiêm: các công trình làm bằng gỗ, các cấu kiện gỗ được sơn quang, phần mái lợp ngói liệt Hoàng Lưu Ly, nền lát gạch Bát Tràng; phục hồi cầu chữ chi 59,48m2.

Đây là lần sửa chữa tổng thể lớn nhất nhằm bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới của lăng Tự Đức.

Trước đó, vào năm 2013, Ba Lan cũng hỗ trợ bảo tồn, trùng tu và đào tạo kỹ thuật hạng mục công trình Bi Đình tại lăng Tự Đức.

Bi Đình-lăng Tự Đức hiện có tấm bia đá lớn nhất Việt Nam với bài thơ của vua Tự Đức sáng tác nói về đức tính khiêm nhường và nêu ra những lỗi lầm của tự bản thân vua. Nhà bia và khu vực lăng mộ của vua Tự Đức vì thế luôn hấp dẫn và thu hút đông khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn.

Dự án có tổng nguồn vốn tài trợ 39.586 USD từ chương trình hợp tác phát triển của Ba Lan và một phần vốn đối ứng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Ngoài việc bảo tồn, dự án còn góp phần đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho 24 học viên hoàn thành các chuyên đề đào tạo chính liên quan đến phương pháp bảo tồn các di tích bằng ngói, gạch và vôi vữa truyền thống góp phần nâng cao năng lực trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế.

Quốc Việt
theo Vietnam+

Từ khóa: