Sự kiện hot
12 năm trước

Lào Cai gắn phát triển thương mại với dịch vụ, du lịch

Phát triển thương mại-dịch vụ là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong chương trình phát triển kinh tế nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010-2015, trong đó phát triển nâng cấp, mở rộng các chợ thương mại vùng cao gắn với du lịch và dịch vụ là giải pháp quan trọng lồng ghép trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Phát triển thương mại-dịch vụ là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong chương trình phát triển kinh tế nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010-2015, trong đó phát triển nâng cấp, mở rộng các chợ thương mại vùng cao gắn với du lịch và dịch vụ là giải pháp quan trọng lồng ghép trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Mua bán tại chợ Sa Pa, Lào Cai. (Ảnh: Trần Việt /TTXVN)

"Đánh thức" chợ vùng cao

Theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, chợ vùng cao phải được xây dựng theo hướng vừa là chợ thương mại, vừa là nơi để đồng bào sinh hoạt, giao lưu văn hóa nhằm nâng cao dân trí và hình thành, phát triển tư duy sản xuất hàng hóa. Vì vậy, các chợ được đầu tư xây dựng mới, ngoài việc đảm bảo tính kiên cố và đồng bộ còn phải đề cập đến các yếu tố về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc.

Ở Lào Cai, chợ Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai là những điển hình thể hiện rõ nét nhất đặc điểm kinh tế và văn hóa, lịch sử của địa phương.

Ngoài hơn 30 chợ trung tâm cụm xã, toàn tỉnh đã có thêm bảy cửa hàng đại lý thương nghiệp bán lẻ tại các điểm cụm xã Thanh Bình, Nậm Chảy (huyện Mường Khương); Bản Liền, Cốc Ly (Bắc Hà); Tả Phìn, Bản Hồ (Sa Pa); Dương Quỳ (Văn Bàn) và xã Tòng Sành (huyện Bát Xát), nâng số lượng cửa hàng bán lẻ toàn tỉnh lên hàng trăm điểm, đảm bảo đáp ứng các mặt hàng chính sách, tư liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng và thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nhiều địa phương như Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương, hệ thống thương nghiệp phát triển nhanh và bài bản. Ở đâu có đường giao thông là du lịch cộng đồng phát triển gắn với dịch vụ và các điểm đại lý cung cấp đầy đủ mặt hàng thiết yếu cho người dân và phát triển dịch vụ phục vụ du lịch và sản xuất tới đó.

Ngay như ở thành phố Lào Cai, hai năm trở lại đây, thành phố đã nâng cấp, cải tạo, mở mới đưa vào sử dụng các chợ thuộc phường Thống Nhất, Vạn Hòa, chợ Chiềng (phường Bình Minh), chợ văn hóa vùng cao Hợp Thành.

Sự hoạt động trở lại của các chợ, trong đó có một số chợ tưởng như đã "ngủ yên" góp phần không nhỏ trong phát triển thương mại-dịch vụ, khai thác điều kiện thuận lợi của địa phương, đồng thời hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu người Việt tiêu ưu tiên dùng hàng Việt.

Những chợ trên dù mới đưa vào hoạt động song thực sự là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa đối với người tiêu dùng địa phương. Riêng các chợ vùng cao lại có ý nghĩa văn hóa, là nơi người dân vùng cao giao lưu văn hóa, văn nghệ, mua bán hàng hóa và thu hút ngày càng đông khách du lịch đến thăm.

Nâng cấp chợ theo hướng văn minh hiện đại

Phát triển mạng lưới chợ đạt tiêu chuẩn văn minh, hiện đại là mục tiêu của tỉnh Lào Cai đến năm 2020. Với số vốn hàng trăm tỷ đồng, từ năm 2005 đến nay, Lào Cai đã cải tạo 23 chợ trong hệ thống mạng lưới chợ nông thôn, chợ biên giới. Riêng thành phố Lào Cai có 15 chợ vừa vừa được cải tạo.

Để các chợ thực sự trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân sở tại, vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch tham quan, giao lưu, mua bán, trong thời gian tới Lào Cai sẽ huy động mọi nguồn lực nâng cấp hàng chục chợ từ vùng thấp đến vùng cao.

Nếu như ở vùng thấp có chợ Cốc Lếu, chợ Phố Ràng, thì vùng cao có các chợ Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương, Mường Hum, Sín Chéng, Cán Cấu sẽ được nâng cấp trong thời gian tới có thể đáp ứng hàng vạn hộ tiểu thương kinh doanh. Các chợ này ngoài việc bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân còn tham gia bán các đồ lưu niệm cho khách du lịch.

Người ta thường nói rằng, "muốn biết bộ mặt kinh tế-xã hội của một địa phương phát triển như thế nào thì hãy đến chợ quan sát." Ý kiến đó quả thật có cơ sở thực tế vì các điểm chợ vùng cao hiện nay mặt hàng đã phong phú hơn rất nhiều do sản xuất và lưu thông phát triển. Tại các phiên chợ, ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa rất đa dạng còn có sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, giữa người địa phương với khách du lịch.

Trong chương trình kết nối du lịch các tỉnh Tây Bắc, Lào Cai đã quy hoạch một số chợ văn hóa gắn với dịch vụ du lịch như chợ Bắc Hà, Tả Van Chư (huyện Bắc Hà), chợ Cán Cấu, Sín Chéng (huyện Si Ma Cai), chợ Mường Khương, Pha Long, La Pán Tẩn (huyện Mường Khương).

Các điểm chợ đã xây dựng những tuyến phố chuyên kinh doanh từng mặt hàng nhất định, vừa tạo cơ hội phát triển thương mại vừa tạo mỹ quan cho đô thị du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, cho biết để chấm dứt tình trạng bán hàng rong, bán hàng trên vỉa hè, lòng đường tại một số tuyến phố, trong quy hoạch phát triển các chợ, tỉnh Lào Cai đang chú trọng cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ kinh doanh. Theo đó, quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của đô thị và nhu cầu của người dân.

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 14%/năm, trong đó thương mại, du lịch, dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng trên 30% GDP trở lên. Việc đầu tư nâng cấp chợ theo hướng văn minh, hiện đại sẽ góp phần giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các tiểu thương, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa tại Lào Cai và tăng nguồn ngân sách cho nhà nước./.

Theo TTXVN

Từ khóa: