Sự kiện hot
12 năm trước

Lắp camera chống tiêu cực trong thi tuyển

Dù chưa phát hiện hành vi đưa – nhận tiền, song đợt kiểm tra vừa qua cũng chỉ ra nhiều khâu dễ xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng công chức, viên chức ở Hà Nội.

Dù chưa phát hiện hành vi đưa – nhận tiền, song đợt kiểm tra vừa qua cũng chỉ ra nhiều khâu dễ xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng công chức, viên chức ở Hà Nội.

Ý kiến phản hồi từ nhiều quận, huyện cho biết, cần khẩn trương áp dụng các thiết bị công nghệ giám sát hiện đại để chống tiêu cực, gian lận trong thi tuyển.


Đặt camera sẽ giúp hạn chế tình trạng vi phạm trong thi tuyển. Ảnh minh họa

Ngậm ngùi, lo lắng

Buổi tổng kết năm 2012 của Sở Nội vụ TP Hà Nội sáng qua 17-1, “nóng” hơn hẳn mọi năm vì dư âm của thông tin “phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng...”.

Tâm sự thực lòng, có vị trưởng phòng nội vụ cấp huyện cho biết, sau khi thông tin “đầu mối chạy công chức nằm ở phòng nội vụ” loang ra, đa số cán bộ ngành ở cơ sở đều có tâm tư. Nhiều người tới cơ quan trong tâm trạng buồn bã. Đại diện một số sở ngành có đợt thi tuyển công chức, viên chức trong đợt đó cũng rơi vào trạng thái lo lắng. Có nơi còn băn khoăn đặt vấn đề có nên tổ chức thi tuyển nữa hay không trong bối cảnh hết sức “nhạy cảm” như vậy.

Chánh Văn phòng Sở Công Thương, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, lãnh đạo Sở đã yêu cầu kiểm soát thật chặt và thực hiện nghiêm túc các quy định trong đợt thi tuyển của Sở này ngay sát thời điểm đó. Bà Trần Thị Phương Lan nói: “Sự thực là nếu làm nghiêm túc thì cũng chẳng phải băn khoăn gì. Kết quả thi tuyển cũng rất tốt, phản ánh đúng điều đó”.

Phát hiện khâu dễ có tiêu cực

Dành nhiều thời gian phát biểu để nói tới phản ánh của dư luận về tiêu cực trong tuyển dụng công chức, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thẳng thắn, quan điểm của Thành ủy, UBND TP là trân trọng và lắng nghe ý kiến phản ánh, công luận, dư luận. Đồng thời, TP đã nghiêm túc chỉ đạo yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.

Ngay khi có ý kiến từ dư luận, Thường trực Thành ủy đã có ý kiến chỉ đạo; UBND TP cũng đã giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát việc thi tuyển công chức tại các quận, huyện, thị xã. 3 đoàn kiểm tra đã trực tiếp kiểm tra công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2012 của các huyện Thanh Trì, Ứng Hòa và quận Hà Đông. Chủ tịch UBND TP nói: “Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, đến ngày 4-1-2013, chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để “chạy vào công chức, viên chức, kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa”.

Có trường hợp cả tin, bị đối tượng xấu lợi dụng mạo danh lừa đảo, hứa hẹn “chạy giúp vào công chức, viên chức” để chiếm đoạt tiền. Đơn cử trường hợp của chị P.T.T, quận Hoàng Mai, bị đối tượng Nguyễn Thu Hằng, ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, lợi dụng, mạo danh là cán bộ Sở Nội vụ, nhận 280 triệu đồng của chị P.T.T và một số người khác để “chạy quyết định vào làm giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều”. 
Dù vậy, theo lãnh đạo TP, qua kiểm tra, TP đã phát hiện khâu dễ xảy ra sai sót nếu không có biện pháp kiểm tra chéo, kiểm tra nhiều lần là khi lên điểm, vào điểm. Ngoài ra, khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành giảng bài. Theo quy định, không thực hiện phúc khảo khâu này nên có nhiều ý kiến cho rằng, cần đặt camera, máy ghi âm để giám sát, hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng tiêu cực.

Nên đặt thiết bị giám sát

Đại diện Phòng Nội vụ huyện Thạch Thất hoàn toàn đồng tình với giải pháp dùng các phương tiện, thiết bị công nghệ giám sát hiện đại để chống tiêu cực trong thi tuyển. Ông Nguyễn Như Đạt, Trưởng phòng Nội vụ cho biết: “Thực tế trong kỳ thi tuyển vừa qua ở Thạch Thất, chúng tôi đã làm rồi. Huyện sử dụng luôn 21 phòng thi đã có gắn camera ở một trường học để tổ chức thi tuyển viên chức. Kết quả khả quan. Sau khi thi tuyển, các thí sinh và cán bộ trông thi cũng cho biết cảm thấy rất thoải mái, không có áp lực tâm lý gì...”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, tổ chức thi tuyển công chức, viên chức là một vấn đề xã hội nhạy cảm, phức tạp. Do số lượng thí sinh tham gia dự thi đông gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển dụng nên rất dễ nảy sinh hiện tượng thí sinh và gia đình tìm gặp người thân quen để nhờ vả giúp đỡ. Đây là vấn đề xã hội phản ánh, không phải hoàn toàn không có, đâu đó vẫn có thể xảy ra...

Năm 2012, Sở Nội vụ đã tổ chức kỳ thi tuyển công chức hành chính và tuyển chọn được 743/2.433 thí sinh dự thi. Kỳ thi tuyển công chức cấp xã năm 2012 đã tuyển dụng 1.339 thí sinh trúng tuyển; tuyển dụng 7.280 giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học và THCS.

Chính Trung
theo ANTĐ

Từ khóa: