Sự kiện hot
7 năm trước

Lê Công Vinh: Tấm gương sáng cho U23 Việt Nam tránh xa cám dỗ trong vinh quang

Nếu có một cầu thủ nào xứng đáng làm tấm gương cho U23 Việt Nam, đó là cựu tiền đạo Lê Công Vinh – một người gặt hái thành công và gương mẫu từ cuộc sống đến sự nghiệp sân cỏ.

Công Vinh và vết mực trên tờ giấy trắng

Trong suốt 18 năm thi đấu chuyên nghiệp và 12 năm cống hiến cho ĐTQG, Công Vinh là cầu thủ rất hiếm dính điều tiếng với dư luận. Anh là tấm gương thành công cho mọi cầu thủ trẻ Việt Nam cần noi theo.

Cả sự nghiệp, Công Vinh duy nhất một lần dính điều tiếng với chuyện vái lạy trọng tài trên sân Cao Lãnh hồi năm 2010. Đó là trận đấu giữa Đồng Tháp và CLB Hà Hội T&T (CLB Hà Nội). Hôm ấy, Vinh ức chế trọng tài Vũ Bảo Linh vì những quyết định gây tranh cãi nên dẫn đến tình huống vái lạy.

Cú phốt trong sự nghiệp huy hoàng của Công Vinh.

Đó cũng là lần duy nhất mà Vinh dính điều tiếng lớn. Cần nhắc, thời điểm ấy thì Công Vinh đã gặt nhiều thành công trong sự nghiệp với chức vô địch AFF Cup 2008, anh là người ghi bàn thắng “vàng” đưa Việt Nam đến chức vô địch. Vinh cũng là cầu thủ Việt đầu tiên thi đấu ở Bồ Đào Nha.

Công Vinh nổi tiếng thông minh, kiên trì và bản lĩnh. Thế nhưng, Vinh cũng không thể kiềm chế được bản thân để dẫn đến hành động bồng bột được xem là “vết mực trong tờ giấy trắng” trong sự nghiệp đầy ngưỡng mộ.

Cú phốt của Công Vinh cho thấy rằng, khi cầu thủ bước sang một chương mới, gặt hái vinh quang và có thành tựu trong sự nghiệp thì đôi khi cách hành xử có thể khác đi, kể cả sân cỏ đến cuộc sống.

Không phải ai cũng có thể xuyên suốt sự nghiệp tránh xa được điều tiếng và quan trọng hơn cả là sau vất ngã ấy để đứng dậy viết tiếp thành công. Vinh là một ví dụ thiết thực, anh lỡ một lần điều tiếng nhưng biết sửa sai, biết thay đổi để trở thành tượng đài của bóng đá Việt Nam.

Đến tấm gương sáng cho thế hệ trẻ

Trong làng bóng đá Việt, Công Vinh được ví là tấm gương lớn về sự thành công. Vinh chuyên nghiệp và luôn ý thức về hình ảnh bản thân, nhất là sau câu chuyện không hay ở sân Cao Lãnh.

Có một câu chuyện nhỏ để thấy được sự chuyên nghiệp của Vinh. Anh về đầu quân cho CLB Bình Dương với cái giá lên đến gần 10 tỷ đồng nhưng HLV Lê Thụy Hải tuyên bố: “Tôi không biết Công Vinh là ai. Một phát biểu chẳng khác nào dằn mặt Công Vinh và ông Hải “lơ” cũng không ít lần đè Vinh trên ghế dự bị.

Thậm chí, Vinh chỉ được cho khởi động gần cuối trận và vào sân giống như để kéo dài thời gian. Ấy vậy, Vinh vẫn ý thức và luôn thể hiện sự chuyên nghiệp hiếm thấy để chờ cơ hội chứng tỏ bản thân.

Công Vinh - biểu tượng thành công của bóng đá Việt Nam.

Sự chuyên nghiệp cùng ý thức được giá trị bản thân cũng như nỗ lực trong thi đấu, Vinh tuổi 19 đã giành Quả bóng Vàng Việt Nam và luôn phát triển để hoàn thiện bản thân. Nhờ vậy, Vinh gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp.

Công Vinh là cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất ở V.League, ghi 51 bàn sau 85 trận khoác ĐTQG - một kỷ lục đáng nể mà chưa có cầu thủ nào có thể làm được. Sự đóng góp to lớn trong 12 năm khoác áo ĐTQG của Vinh là điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy và ghi nhận.

Nhìn lại các cầu thủ được xem cùng thế hệ của Công Vinh như Văn Quyến, Như Thành, Đoàn Việt Cường, Quốc Vượng, Quang Thanh… có thể thấy Vinh nổi bật hơn tất cả, từ chuyện xây dựng hình ảnh đến cuộc sống ngoài sân cỏ.

Công Vinh biết cách tránh xa sự cám dỗ trong vinh quang. Vinh kiếm tiền và biết gìn giữ để lo cho gia đình. Nhờ vậy, anh bây giờ có quyền tự hào nói về cuộc sống là rất hạnh phúc và đang làm Quyền chủ tịch CLB TP.HCM.

Đằng sau sự thành công là bài học lớn

9 năm trước, Công Vinh phát biểu rằng: “Đời cầu thủ bóng đá bạc bẽo lắm. Bản thân tôi trong 10 năm làm cầu thủ cũng đã gặp đủ những thăng trầm rồi.

Khi tôi thi đấu thành công, mọi người tung hô và nhớ đến tôi. Nhưng nếu một vài trận ở những giải quan trọng mà không ghi được bàn là ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Họ gọi tôi bằng cái từ “tịt ngòi”. Làm tiền đạo mà bị nói là “tịt ngòi” thì làm gì còn cái gì đau hơn, đáng sợ hơn. Làm tiền đạo mà không ghi nổi bàn thắng thì coi như vô dụng.

Công Vinh - tấm gương sáng cho mọi cầu thủ trẻ.

Tôi đã từng khổ sở, thậm chí phải khóc… 5 năm tôi thi đấu tốt thì không sao, nhưng chỉ cần 3 trận không ghi được bàn thẳng, tôi như trở thành kẻ tội đồ. Về Việt Nam tôi không dám ra đường, không dám gọi điện cho gia đình….”.

Hãy nhớ rằng, Vinh nói điều này sau một năm giành chức vô địch AFF Cup 2008 cùng ĐTVN. Anh là người hùng với pha đánh đầu ngược vào lưới Thái Lan làm cho hàng triệu người hâm mộ bật khóc. Thế nhưng, Vinh tự đúc kết được chuyện hôm nay là người hùng thì cả nước tung hô nhưng ngày mai bị dư luận, người hâm mộ chỉ trích đủ các kiểu.

Bóng đá cũng như cuộc sống, một tờ giấy trắng tinh bị nhỏ một vết mực thì phần lớn thường nhìn vào vết mực để soi mói, thay vì nhìn vào phần trắng sạch. Bản thân Vinh thừa hiểu được điều ấy, khi anh từng hai lần bật khóc ở Mỹ Đình vào năm 2008 và năm 2016 thì đón nhận 2 kết cục khác nhau.

Năm 2008, Công Vinh bật khóc trong vinh quang thì hàng triệu người tung hộ và bật khóc trong sung sướng. Nhưng cũng tại Mỹ Đình vào năm 2016, Vinh khóc giải nghệ thì phần lớn lại chỉ trích, họ quên mất những đóng góp to lớn của anh cho bóng đá Việt Nam. Đó là sự nghiệt ngã của trái bóng tròn.

Công Vinh khóc trong ngày giã từ sự nghiệp.

Trường hợp của Công Vinh cũng như nhiều cầu thủ khác được cựu tiền vệ Phan Văn Tài Em đúc kết rằng: “Khi giành vinh quang thì tất cả đều vây quanh, còn thất bại sẽ bị quay lưng”.

Thế nên, Công Vinh tránh xa cám dỗ, hiểu được mặt trái sau vinh quang cùng sự tung hô trong bóng đá. Anh luôn ý thức được sự nghiệp ngã của trái bóng để bản lĩnh đứng trước mọi “búa rìu” dư luận.

U23 Việt Nam cần noi gương sự thành công của Lê Công Vinh.

Sự thành công đầy ngưỡng mộ của Công Vinh là hệ quả của một cầu thủ tài năng, không bị sa ngã, chuyên nghiệp và bản lĩnh. Thế nên, các cầu thủ U23 Việt Nam bây giờ muốn vươn xa, bay cao sau vinh quang cần lắm sự ý thức như Công Vinh để phát triển bản thân.

Theo Sao Star

Từ khóa: