Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Tập đoàn Messe Frankfurt

Ngày 30/3, Cục Xúc tiến thương mại đã ký kết Bản ghi nhớ với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại lễ ký kết

Nhờ vào chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực, trở thành 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới từ năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2020 đạt trung bình 8-10%/năm. Riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt mốc kỷ lục 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021.

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực triển khai các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, đã tích cực triển khai hợp tác với các cơ quan quản lý, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nhằm tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương của Việt Nam.

Có thể nói, hoạt động xúc tiến thương mại với hình thức tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đã mang lại nhiều giá trị kinh tế cũng như đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả trong hoạt động ngoại thương và phát triển thị trường nội địa, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã và đang thực hiện, 2 FTA đang trong quá trình hoàn tất đàm phán.

Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều phát huy được hiệu quả, đóng góp rõ nét trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

“Thực tế hiện nay vẫn đòi hỏi các hoạt động hỗ trợ thương mại, xúc tiến xuất khẩu cần phải chuyển hướng, nâng cao hiệu quả để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Thời gian gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã rời văn phòng vùng của mình từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi ý thức được rằng hoạt động xúc tiến thương mại cần cập nhật ở trình độ quốc tế”, ông Vũ Bá Phú chia sẻ.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Tập đoàn Messe Frankfurt

Trước mắt, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt tổ chức 4 hội chợ quốc tế chuyên ngành như: Hội chợ thương mại quốc tế về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu; Hội chợ thương mại quốc tế về hàng tiêu dùng, bao gồm đồ trang trí và nội thất gia đình, đồ dùng nhà bếp và ăn uống cũng như quà tặng; Hội chợ thương mại quốc tế về công nghệ tự động hóa công nghiệp; Hội chợ thương mại quốc tế dành cho ngành công nghiệp xe đạp từ thành phẩm đến phụ tùng và linh kiện. 

Theo đó, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định việc hợp tác với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả công tác tổ chức các sự kiện, hoạt động tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, mặt hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia các hoạt động hội chợ quốc tế hiệu quả, qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối, giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

PV

Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: