Sự kiện hot
13 năm trước

Lễ ra mắt Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á

Ngày 7/1, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã ra mắt nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (7/1/1972 - 7/1/2012).

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ.

Dự buổi Lễ ra mắt có các ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; ông Võ Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama…

Đại diện lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam đọc quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Ảnh: Hải Lê)

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae đã ôn lại mối quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ trong suốt 40 năm qua. Theo Đại sứ, việc ra mắt Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á vào ngày hôm nay (7/1) đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phản ánh những tăng trưởng không ngừng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược trong những năm qua.

Đại sứ hoan nghênh sáng kiến thành lập Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á bởi nó sẽ góp phần làm dồi dào hơn nữa mối quan hệ tương tác giữa Ấn Độ và Việt Nam. Với việc tập trung vào lịch sử, ngôn ngữ, văn học và chính trị, kinh tế và các nghiên cứu xã hội đương đại của Ấn Độ, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á sẽ đóng góp lớn vào việc thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Đại sứ khẳng định, Chính phủ Ấn Độ luôn sẵn sàng ủng hộ tối đa đối với hoạt động của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á .
 
Nhân dịp này, Đại sứ công bố khoản tài trợ 20.000 USD của Chính phủ Ấn Độ để hỗ trợ những yêu cầu về hậu cần và học thuật của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á .

PGS.TS Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cho biết: Sự kiện ngày hôm nay sẽ ghi dấu và góp phần mở ra những trang sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ và các nước Tây Nam Á.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ra mắt (Ảnh: Hải Lê)

Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, là cơ quan khoa học, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề cơ bản về đất nước Ấn Độ và các quốc gia thuộc khu vực Tây Nam Á, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng các luận chứng làm tiền đề thúc đẩy các mối quan hệ thân thiện giữa Việt Nam và các nước bạn. Viện gồm các phòng chuyên môn như chính trị và an ninh, kinh tế và hội nhập, lịch sử và văn hóa, môi trường và phát triển bền vững, quan hệ quốc tế, trung tâm thông tin - thư viện, tạp chí và website…

Trong hơn 5 tháng qua, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã thuyết minh thành công đề cương chi tiết và được xét duyệt cho triển khai đề tài cấp Bộ với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế và chính trị cơ bản của Ấn Độ thập niên đầu thế kỷ 21 và dự báo xu hướng phát triển đến năm 2020”; tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học hàng tuần tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu; xúc tiến kế hoạch ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác với Viện nghiên cứu Châu Á Maulana Abul Kalam Azad, Kolkata (Ấn Độ)…Thời gian tới, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tiếp tục ổn định về cơ cấu tổ chức, kiện toàn các phòng, ban chuyên môn, phấn đấu ra mắt tạp chí, website, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ và năng lực cao, đủ sức triển khai và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu.

Cùng ngày, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, Viện nghiên cứu Châu Á Maulana Abul Kalam Azad (Ấn Độ) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ hai nước. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu tập trung làm rõ về mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược, an ninh, lịch sử, văn hóa, chính trị - xã hội… giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, những vấn đề về nghiên cứu triết học Ấn Độ, ô nhiễm môi trường, đăc khu kinh tế, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Việt Nam, vai trò của các nhà sư Ấn Độ trong việc truyền bá Phật giáo vào Việt Nam… cũng được đề cập.

Hải Lê
Theo Dangcongsan

Từ khóa: