Sự kiện hot
7 năm trước

Lê Thiện Hiếu: 'Biết tôi chuyển giới, nhiều người không dám đến gần'

Lê Thiện Hiếu trải lòng về những tháng ngày bị kì thị, xúc phạm trên con đường tìm lại giới tính của chính mình.

VTC News có cuộc trò chuyện với Lê Thiện Hiếu - một trong những giọng ca trẻ nổi bật với nhiều ca khúc hit như Ông bà anh, Người ta và anh, Tội gì phải cưới...

Thiện Hiếu chia sẻ, để có được ngày hôm nay, nam ca sĩ từng phải trải qua những ngày bị người xung quanh kì thị khi biết anh là người chuyển giới, không dám đến gần vì "sợ bị lây".

“Biết tôi chuyển giới, có người nói tôi bệnh, sợ bị lây”

- Lê Thiện Hiếu nghĩ gì về chiến thắng của Hương Giang tại Hoa hậu Chuyển giới?

Tôi cảm thấy chiến thắng của chị Giang rất xứng đáng bởi chị ấy rất xinh đẹp. Cũng là người chuyển giới, bản thân tôi không khỏi tự hào bởi chị cũng là người đầu tiên đạt danh hiệu Hoa hậu trong một cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc tế dành cho những người thuộc cộng đồng LGBT.

Tôi nghĩ, người chuyển giới chắc chắn sẽ được công nhận hơn sau khi chị Hương Giang mở đường bằng chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu, thay đổi cách nhìn của mọi người về người chuyển giới.

Có thể, họ sẽ không nhìn người chuyển giới bằng con mắt kì thị nữa và sẽ thân thiện với những người thuộc LGBT hơn trước đây.

- Bạn cảm thấy Hương Giang có khác đi khi trở thành Hoa hậu?

Hình ảnh khác hơn vì chị ấy trở nên thùy mị, dịu dàng và có thần thái của một Hoa hậu. Thú thật, tôi vẫn chưa quen lắm nhưng từ từ rồi cũng thích nghi được thôi. Nói chung, chị Giang trông vẫn rất xinh đẹp và thông minh nhưng tôi hơi bất ngờ, chưa dám tin chị là Hoa hậu.

Sau khi chị đăng quang, tự tôi cũng giữ chút khoảng cách với chị bởi chị giờ là Hoa hậu Quốc tế nên tôi ngại chứ không phải do chị ấy thể hiện gì cả.

- Công khai mình là người chuyển giới, bạn có từng bị kì thị không?

Trước đây, khi đi xin việc, tôi từng bị từ chối bởi giới tính trên giấy tờ và ở ngoài khác nhau. Không việc làm, không thu nhập để nuôi sống bản thân. Những người hàng xóm ban đầu hơi dè dặt nhưng khi tiếp xúc rồi, họ cũng thoải mái với tôi hơn.

Cũng có vài người khi biết tôi chuyển giới lại không dám tiếp xúc gần, nặng hơn có người nói xấu kiểu như "nó bị bệnh, chơi với nó bị lây". Tôi nghe kể lại nhưng mặc kệ, không quan tâm. Ban đầu, tôi buồn lắm nhưng về sau thì quen, cuộc sống mình sinh ra như vậy, mình phải chấp nhận nó.

"Biết tôi là người chuyển giới, có người nói tôi bệnh, sợ bị lây", Lê Thiện Hiếu tâm sự.

- Khi đi tập gym, bạn có bị kì thị không?

Ngày xưa tôi đi tập ở Thái Nguyên, ban đầu người khác cũng không biết nhưng sau thấy mình tập nhiều cũng nói rằng "nó là con gái đấy, nó cắt tóc rồi tập tạ", họ nói đểu xong bật cười với nhau.

Lúc đó, tôi bỏ về vì thấy họ nói cười lố bịch quá - đây cũng là khoảng thời gian mới đi tập nên tôi chưa quen với môi trường đó. Sau tôi tiếc chi phí mình đóng để tập nên quay lại nhưng chọn giờ nào vắng người hơn. Đến bây giờ vẫn vậy, vẫn thích nơi vắng vẻ chắc do thói quen ngày xưa.

- Dường như mặc cảm về bản thân khiến bạn thu mình lại vì sợ bị kì thị?

Sự mặc cảm là do xã hội hình thành bởi nhiều khi bản thân mình không bị mặc cảm đâu nhưng do xã hội ném sự kì thị vào mình nên mình bị cô lập. Nói dễ hiểu là tôi mặc cảm vì bị cô lập, chứ không phải mặc cảm vì chính bản thân mình.

- Thời gian đầu tiêm hormone thay đổi ngoại hình, bạn có khó khăn trong việc kết bạn mới hay gặp gỡ người yêu không?

Tôi không gặp khó khăn gì cả bởi khi tiêm hormone vào người, tôi có được giọng nói, thể hình và mọi thứ mình muốn cũng như mình sẽ trở thành nên tự tin hơn dù phải mất 6 tháng đến 1 năm để giọng nói thay đổi, có được vẻ ngoài nam tính. Có thể nói, quyết định tiêm hormone là tôi tự mở cho mình con đường trở thành người bản thân muốn.

- Trước đây khi lên truyền hình, Lê Thiện Hiếu từng công khai mình là người chuyển giới?

Thật ra, ngay từ khi tôi chưa từng thông báo chính thức với mọi người rằng mình là người chuyển giới, ai cũng đều biết cả rồi nhưng họ không muốn tin. Việc tôi chọn cách chia sẻ trên sóng truyền hình chỉ là một lời nói chính thức để cho mọi người một định nghĩa rõ ràng hơn để không suy nghĩ nhiều.

- Ngoài gia đình, họ hàng có từng khiến Thiện Hiếu áp lực khi công khai?

Dĩ nhiên là có bởi họ hàng tôi đều ở thôn quên, những việc như này rất khó để họ hiểu được. Bản thân tôi cũng không nói với họ mà chỉ những người sống trong gia đình, thân cận với tôi ở quê nhà Thái Nguyên mới biết.

Thế nhưng, khi biết chuyện, mọi người đều rất bất ngờ bởi tôi cũng ít về quê. Dần dần mọi người cũng chấp nhận khi báo chí cập nhật thông tin hằng ngày.

- Nếu như không nổi tiếng, bạn nghĩ mình có được chấp nhận dễ dàng như vậy?

Tôi nghĩ là rất khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được, việc nổi tiếng giúp tôi rút ngắn khoảng thời gian chứng minh bản thân nhưng nếu ngược lại, bằng cách nào đó tôi vẫn chứng minh được dù là người chuyển giới, tôi vẫn sống tốt, lo được cho bản thân và gia đình dù sẽ mất thời gian hơn.

- Dường như bạn tự tìm hiểu thông tin về giới tính, tiêm hormone hay cả cách thức chuyển giới? Từ khi nào bạn biết mình là người chuyển giới chứ không phải đồng tính?

Trước đây, tôi vẫn nghĩ mình đồng tính chứ không có khái niệm chuyển giới hay lưỡng tính gì cả. Lên cấp 3, cập nhật thông tin trên mạng, tôi tìm hiểu thêm mới biết được LGBT không chỉ gồm người đồng tính mà còn có chuyển giới, lưỡng tính.

Khi ở Thái Nguyên, tôi có tham gia vào một dự án của trung tâm ICS là giúp đỡ những người thuộc LGBT ở mỗi vùng để họ xây dựng thành một cộng động và có hoạt động tạo ra kiến thức.

Trong một lần đi Hà Nội để tập huấn kiến thức về LGBT, tôi được biết nhiều hơn, trao đổi với những anh chị chuyển giới và được chia sẻ về quá trình thay đổi, chuyện tiêm hormone hay tác dụng phụ của việc chuyển giới.

Lúc đó, tôi chỉ nghe và tiếp thu thông tin chứ không có điều kiện kinh tế để sang Thái Lan thực hiện phẫu thuật. Tôi hỏi các anh chuyển giới ở Thái Lan, mọi người khuyên tôi có thể đến bác sĩ nội tiết tư nhân.

- Bạn có lo lắng việc sẽ giảm tuổi thọ, sức khoẻ không? Động lực nào khiến bạn muốn đánh đổi những điều đó để trở thành người mình muốn?

Như tôi nói ở trên, khi mình chưa trở thành người bản thân mong muốn sẽ rất mặc cảm, lúc đó tôi thu mình lại vì bị xã hội kì thị, ghẻ lạnh và rất bứt rứt nên mới quyết định làm để “giải phóng” bản thân.

Tuy vậy, tôi cũng lo lắng vì tiêm hormone sẽ không hát hay được như lúc trước. Đến bây giờ, nghe lại nhũng ca khúc cũ của mình, tôi vẫn tiếc vì cảm thấy giọng ngày xưa hay hơn.

''Phía sau lưng tôi là bố''

- Sau chiến thắng của Hương Giang, có người coi trọng người đồng tính và chuyển giới hơn những cũng có người cho rằng đó là cổ súy sự lệch lạc về giới tính. Bạn có ngại mình sẽ khiến người khác lệch lạc giới tính không?

Tôi không, bởi người ta sinh ra như thế nào, khi trưởng thành họ vẫn vậy và không có sự lệch lạc gì cả, chỉ là họ có biết bản thân mình là ai hay chưa mà thôi. Còn chiến thắng của chị Hương Giang, tôi nghĩ đó là điều đáng chúc mừng chứ không phải lo lắng nếu có ai đó hùa theo bởi nhìn vào rất dễ nhận biết.

Hơn nữa, tôi nghĩ cũng không cần quan tâm lắm, quan trọng là chị Hương Giang làm được và tạo nên điều tốt đẹp cho xã hội khi mang màu sắc lạc quan hơn cũng như niềm tin cho nhiều người.

- Khi biết bạn chuyển giới, gia đình phản ứng ra sao?

Gia đình tôi khá kì lạ bởi ít khi nào nói lời yêu thương mà chỉ thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ hoặc hành động. Ngày tôi kéo vali về nhà sau khi kết thúc cuộc thi Sing my song 2016, bố xuống nhà thấy tôi về nhưng không nói gì cả, chỉ hỏi tôi có mệt không và vào bếp nấu ăn cho tôi.

Không biết người khác thế nào nhưng với riêng tôi, đó là điều còn hơn cả sự động viên. Cảm giác một người già ngồi trong nhà, đóng của nhưng nghe thấy tiếng vali liền chạy ra mở cửa, đón con mình về là hình ảnh rất đẹp tôi không bao giờ quên.

- Sau này, bố có chia sẻ gì với bạn không?

Tôi và bố trước giờ vốn rất ít khi nào tâm sự, trải lòng với nhau, chỉ hỏi những câu mang tính chất quan tâm như dạo này con/bố ra sao. Đôi khi, bố có hỏi vu vơ chuyện tình cảm của tôi nhưng chỉ để cho có chuyện nói thôi bởi gia đình tôi không hay tâm sự với nhau.

- Có phải do bạn mặc cảm với giới tính của mình thời gian đầu?

Lý do của việc ít tâm sự với gia đình chắc có lẽ bắt nguồn từ khoảng thời gian gia đình tôi chưa chấp nhận nên lâu dần hình thành thói quen đó, đến bây giờ vẫn vậy nhưng tôi cũng không muốn thay đổi.

- Nếu không phải là người nổi tiếng, bạn có gặp khó khăn gì khi làm quen với một cô gái không?

Tôi thuộc tuýp người khá e dè, trong tình cảm phải biết người kia thích mình, tôi mới bày tỏ còn nếu không thì dù bản thân có thích cách mấy, tôi cũng sẽ không bày tỏ. Nếu người ta nghĩ tôi là con trai, không phải người chuyển giới tôi cũng sẽ bày tỏ và giải thích, nói rõ với họ.

- Sau khi chuyển giới, có bao giờ bạn mong có mẹ để được tâm sự tất cả mọi thứ?

Tôi cũng có nghĩ đến nhưng bản thân tôi sống không có mẹ cũng 10 năm rồi nên hình thành thói quen không tâm sự với ai. Nếu bây giờ bỗng dưng mẹ xuất hiện, tôi không dám chắc mình sẽ tâm sự với bà.

Tôi cũng buồn khi người khác có mẹ để tâm sự, được mẹ quan tâm nhưng cũng 10 năm rồi nên mình được rèn luyện và trở nên cứng rắn hơn.

- Nếu có thể, bạn muốn tâm sự với mẹ điều gì nhất?

Tôi sẽ kể về công việc, như “mẹ ơi tháng này con ít show, con ít đi hát quá, ở trong này ồn ào con muốn về nhà” rồi mẹ sẽ bảo rằng “thôi con ơi, cố gắng lên, có mẹ ở đây”. Mẹ sẽ trấn an mỗi khi tôi than không có tiền ăn uống, tôi sẽ nói với mẹ cho đi chơi một ngày rồi về sẽ có tiền để ăn.

- Nếu mẹ còn sống, bạn có nghĩ bà sẽ chấp nhận mình?

Điều này chưa chắc chắn được bởi từ khi học lớp 6, mẹ muốn tôi nuôi tóc dài. Nếu mẹ còn sống, chắc tôi nuôi tóc dài, học trường đại học nào đó rồi đi làm văn phòng bởi đó là con đường mẹ tôi muốn con mình hướng đến.

- Với tính cách của bạn, chắc hẳn sẽ nói hết với mẹ?

Đúng vậy nhưng tôi nghĩ nếu thương mẹ đủ nhiều, tôi sẽ không bao giờ nói ra và giấu con người ấy đi, sống trong sự bức bối, gò bó bản thân.

- Vậy bạn có lời khuyên nào dành cho những ai đang che giấu con người thật của bản thân, chỉ cố gắng sống như bình thường vì muốn vui lòng gia đình?

Tôi không phải là họ, không thể hiểu những gì họ chịu đựng nên nếu nói ra, họ sẽ nghĩ tôi biết gì mà nói. Tuy nhiên, tôi thật sự nghĩ rằng sẽ luôn có lối đi cho mỗi người, quan trọng họ có bước đi hay không. Tôi mong rằng nếu không thể “giải phóng bản thân”, hãy cứ sống và làm những gì mình thích để thoải mái được phần nào.

- Người ta nói, gia đình là nơi luôn ủng hộ mình, đối với bạn và người chuyển giới nói chung, liệu có chuyện đó hay không?

Người ta nói, gia đình là nơi để ủng hộ và đồng hành cùng quyết định của mình nhưng thật sự ở Việt Nam, hầu hết gia đình là nơi muốn con cái làm theo ý phụ huynh chứ không phải đi theo mong muốn của con cái. Đó là một thực trạng ở nước mình bây giờ nhưng phải chấp nhận.

- Bạn nghĩ sao khi Hương Giang đăng quang, có những bình luận châm chọc ác ý "chỉ có đàn ông Việt Nam mới chiến thắng những giải quốc tế"?

Tôi nghĩ nếu người nói câu đấy là đàn ông thì họ không xứng đáng là đàn ông.

- Bạn nghĩ gì khi những người chuyển giới hay đồng tính thường có sự nhạy cảm về nghệ thuật nhưng đôi khi thành công của họ bị phủ nhận bằng những lời châm chọc ác ý?

Tôi cảm thấy tội nghiệp cho những người nói ra câu đấy bởi họ không có được sự thành công, không bằng được người khác nên mới thốt ra những câu như vậy.

- Đa số người đồng tính, chuyển giới thuộc showbiz quá nhiều trong khi lĩnh vực khác không có?

Tôi nghĩ ở các lĩnh vực khác, họ giỏi che giấu thôi chứ không hẳn là không có. Showbiz là một môi trường đa dạng, cởi mở nên mọi người có thể thoải mái thể hiện bản thân còn ở nơi khác sẽ bị gò bó, thành ra họ phải giấu mình đi.

- Bạn có nghĩ đa số những người thuộc cộng đồng LGBT đều sở hữu tài năng về nghệ thuật?

Tôi nghĩ là có.

(Ảnh: Ngô Minh Anh)

- Bạn nghĩ sao khi nhiều người lợi dụng giới tính để “câu view”, chiêu trò gây chú ý?

Tôi cũng thấy tội nghiệp cho họ bởi chắc có lẽ không còn gì nữa nên họ mới lấy giới tính ra để gây chú ý. Đôi khi cũng do đây là cách thức vận hành showbiz, phải có chuyện gì đấy ồn ào trước khi ra sản phẩm mới.

- Chuyện đó ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng LGBT?

Dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng bởi người ngoài nhìn vào sẽ nói cộng đồng LGBT lợi dụng giới tính để lôi kéo sự thương hại nhưng chúng tôi lại không cần điều đó nên thiết nghĩ vẫn không nên chút nào.

- Bạn dự tính gì cho gia đình tương lai của mình?

Tôi chưa có dự tính gì cho gia đình riêng bởi mọi chuyện còn xa quá, bản thân tôi vãn chưa ổn định bởi đang ở nhà thuê, xe sắp hỏng đến nơi nhưng chưa có tiền mua xe mới nữa (cười).

- Bạn có dự định kết hôn không?

Có chứ và tôi hi vọng sẽ có luật hôn nhân chính thức cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Tôi mong tân Hoa hậu Hương Giang sẽ tham gia, đóng góp hình ảnh để đẩy nhanh tiến độ cho việc này.

- Bạn có thấy mình chưa đủ nam tính hay muốn thay đổi gì về bản thân không?

Tôi nghĩ do mình chưa đủ chín chắn bởi bản thân vẫn còn khá tăng động như một cậu bé. Sau này, khi tôi trưởng thành, chín chắn hơn, hình ảnh của mình cũng sẽ tự nhiên đàn ông hơn thôi.

- Cám ơn Lê Thiện Hiếu về những chia sẻ trên!

Video: Lê Thiện Hiếu đổi tên ca khúc vì U23 Việt Nam.

Chu Nguyên
Theo Vtc

Từ khóa: