Dù có nhiều ý kiến khác nhau về mật độ 2 năm tổ chức liên hoan phim quốc gia một lần (LHPVN), nhưng chắc chắn LHPVN 17 kỷ niệm 40 năm LHPVN vẫn diễn ra tại Phú Yên từ ngày 13-16.12.2011.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau về mật độ 2 năm tổ chức liên hoan phim quốc gia một lần (LHPVN), nhưng chắc chắn LHPVN 17 kỷ niệm 40 năm LHPVN vẫn diễn ra tại Phú Yên từ ngày 13-16.12.2011.
Thời hạn đăng ký phim theo quy định trước đây đã hết, nhưng Cục Điện ảnh vẫn gửi thư mời các hãng phim mang phim tham dự LHPVN 17. Và bao giờ cũng thế, “nóng” nhất và gây sự chú ý nhất vẫn là các phim truyện nhựa, như một thước đo về quy mô, tầm vóc và sức hút của LHP. Tính đến thời điểm này, đã có 11 phim đăng ký tranh giải Bông sen vàng (BSV).
“Hot boy nổi loạn...” của BHD sẽ dự LHP 17.
50/50 phim nhà nước và tư nhân
Hãng phim Truyện VN tham dự các phim: “Vũ điệu đam mê” và 2 phim mới toanh là “Tâm hồn mẹ”, “Mùi cỏ cháy” (nếu kịp làm xong hậu kỳ). Hãng phim Giải Phóng đưa “Long thành cầm giả ca” đã quá quen thuộc, với giải Cánh diều vàng (CDV) của Hội Điện ảnh và giải “Nữ chính xuất sắc” tại LHP quốc tế VN lần thứ nhất tranh giải. Hãng phim Hội Điện ảnh VN có phim “Nhìn ra biển cả”. Các hãng tư nhân lần này vẫn là các “đại gia” quen thuộc như Thiên Ngân: “Khi yêu đừng quay đầu lại”, Phước Sang: “Thiên sứ 99”, đặc biệt BHD tung 4 phim thuộc hàng vedette về doanh thu phim Việt: “Những nụ hôn rực rỡ”, “Cánh đồng bất tận”, “Cô dâu đại chiến”, “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt”. Đáng ra còn có thêm phim “Khát vọng Thăng Long”- Cty CP Kỷ Nguyên Sáng, nhưng do được chọn dự tranh giải phim nước ngoài hay nhất Oscar năm 2012 nên không thể dự LHPVN 17 được. Và sự vắng mặt của “Bi, đừng sợ” giành nhiều giải tại các kỳ LHP quốc tế là một điều không còn làm ai ngạc nhiên khi đích đến của đạo diễn Phan Đăng Di là các LHP quốc tế.
50/50 chia đều cho hai khu vực nhà nước - tư nhân, mà tư nhân có phần “nhỉnh” hơn, có thể là tín hiệu công bằng của LHPVN 17, tư nhân đã sánh vai với Nhà nước để cạnh tranh BSV, không còn là “phim góp vui” như các LHPVN trước. 11 phim truyện nhựa là số ít cho một LHP quốc gia, nhất là số phim làm mới chưa hết một bàn tay. Số đầu phim của Nhà nước là một con số khá ít ỏi, đã thế vẫn còn phập phồng với một phim hiện còn kẹt hậu kỳ ở Thái Lan do lũ lụt, khả năng không có bản phim hoàn chỉnh nộp đúng thời hạn, sẽ ra khỏi danh sách tranh giải BSV LHPVN 17. Và cũng là nghịch lý, nếu liệt kê các phim của tư nhân đã công chiếu trong thời gian quy phạm của LHPVN 17, thì số phim tham dự cũng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
Phải chăng vì tư nhân chưa thật sự tin tưởng vào phim của mình hay vẫn còn đó những khoảng cách vô hình giữa phim nhà nước và tư nhân?
Bông sen vàng về tay ai?
Phim nhà nước tham dự LHPVN 17, cả 5 phim đều thuộc dòng chính luận, gồm thể loại lịch sử - danh nhân, chiến tranh, tâm lý xã hội. Hai phim mới là “Mùi cỏ cháy” chưa công chiếu, dù là phim chiến tranh duy nhất, nhưng vẫn không biết có kịp hoàn chỉnh phim để tham dự LHPVN 17. Phim “Tâm hồn mẹ” cũng chưa ra mắt, nên chưa thể biết giá trị phim, dù nữ đạo diễn Nhuệ Giang có nhiều giải thưởng phim VN. Phim “Long thành cầm giả ca” đề tài lịch sử - danh nhân văn hóa, thuần Việt, “lưng vốn” đã có giải thưởng, nhưng chưa phải là một phim vượt trội để đoạt BSV. Một phim đề tài lịch sử - danh nhân lãnh tụ “Nhìn ra biển cả”, dù mang ý nghĩa về một giai đoạn lịch sử đất nước gắn với hình ảnh thời thanh niên của vị lãnh tụ kiệt xuất cách mạng VN - Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhưng phim chưa thuyết phục được đông đảo người trong nghề."Vũ điệu đam mê" cũng đã thử sức cả việc ra rạp lẫn “Cánh diều” là một cố gắng lớn của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, nhưng có lẽ giải CDB là đỉnh cao của phim này.
Nhìn sang khu vực phim tư nhân, 6 phim, thể loại khá phong phú, đa dạng. “Cô dâu đại chiến”, “Những nụ hôn rực rỡ”,“Thiên sứ 99”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”... cho dù doanh thu cao, phim đẹp, nhưng thuần giải trí và có thể chỉ là phim góp vui, góp sắc cho LHPVN 17, nếu để tranh vị trí ứng viên BSV thì chỉ có thể ở các mục như: Kỹ xảo, âm thanh, hay âm nhạc... Nhưng dù là dòng phim giải trí, những kết hợp giữa nghệ thuật - giải trí , với công thức mặc định như: Hot girl-hot boy - hài- kinh dị - âm nhạc - kỹ xảo bắt mắt... đã được thử nghiệm và có những điểm thành công như “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt”... Tiếc là phim này nếu Vũ Ngọc Đãng tập trung hẳn vào tuyến chàng khờ và cô gái điếm hoặc giả tuyến đồng tính nam sẽ có thể tạo ra một bộ phim nghệ thuật mạnh mẽ. Một phim khác doanh thu cao và nhiều yếu tố nghệ thuật cũng sẽ là ứng viên giải BSV là “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình...
Nhưng nhìn bằng con mắt khắt khe thì thực sự nếu không tính đến những nhân tố gây đột biến hay ở những phim mới chưa ra mắt thì chưa thấy có tên tuổi nào bứt hẳn lên.
Cuộc đấu giữa hai dòng phim nhà nước và tư nhân, ai là chủ nhân BSV của LHPVN 17? vào 20 giờ ngày 16.12.2011, tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên), công chúng yêu phim Việt sẽ có câu trả lời.
Việt Văn
Theo Laodong