Sự kiện hot
12 năm trước

Liên kết ATM, người dùng có mất phí ?

Dantin - Theo các ngân hàng, việc đầu tư một cây ATM rất tốn kém. Tuy nhiên trên thực tế tại Hà Nội, có nhiều điểm đặt nhiều cây ATM cạnh nhau.

Dantin - Theo các ngân hàng, việc đầu tư một cây ATM rất tốn kém. Tuy nhiên trên thực tế tại Hà Nội, có nhiều điểm đặt nhiều cây ATM cạnh nhau. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao các ngân hàng không liên kết, dùng chung cây ATM vừa tiết giảm chi phí đầu tư vừa để người dân không bị thu phí rút tiền nội mạng như hiện nay.

Các NH không cần tiết giảm chi phí?


Liên kết ATM người dùng có thể không phải trả phí rút tiền?

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ ngân hàng kiêm Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thừa nhận thực tế trên và cho biết: Các ngân hàng quốc doanh thường xảy ra tình trạng đó, trong khi các ngân hàng tư nhân hầu như không có.Theo ông Tuân, các ngân hàng Nhà nước thường cạnh tranh nhau về số lượng. “Nếu BIDV đặt cây ATM rồi, kiểu gì cũng có Vietcombank, Agribank, Vietinbank. Người dân bình thường cũng nhìn thấy tình trạng ấy, cớ gì ngân hàng không nhìn thấy? Họ đều nhìn thấy nhưng để sửa cần có thời gian, chưa kể các ngân hàng có được tự chủ về cơ chế hay không?”, ông Tuân nói.

Mới đây, từ ngày 1/3/2013, một số ngân hàng đã chính thức thu phí rút tiền ATM nội mạng. Theo quan điểm của ông Tuân, nếu không thu phí, các ngân hàng vẫn phải hoàn thiện chất lượng.“Đó là sản phẩm mình làm ra đáng nhẽ phải được bán. Khuyến mại bao nhiêu năm rồi nay mới được bán với giá rất “lỗ”. Rất vô duyên vì việc thu phí này lại bị gắn với lạm phát. Việc này không liên quan đến lạm phát”, ông Tuân nói.

“Việc thu phí nội mạng nằm trong chính sách hạn chế không dùng tiền mặt của NHNN. ATM là sản phẩm mang tính thị trường nên phải nhìn nhận nó như sản phẩm thị trường: tốt dùng, xấu bỏ. Để việc thu phí “nhẹ nhàng” hơn, đừng gán cho nó khái niệm phải bao cấp, phải giảm phí”, ông Tuân chia sẻ.

Có đánh “tụt” hạn mức rút tiền?

Việc thu phí ATM nội mạng cũng khiến người sử dụng dịch vụ lo sợ các ngân hàng sẽ hạ thấp hạn mức rút tiền tối đa/giao dịch, để thu được nhiều tiền phí.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng, việc rút tiền ở cây ATM, về lý thuyết quản lý thì không nên cho rút nhiều để chống cướp giật. Tuy nhiên, tùy vào từng ngân hàng, sẽ có chính sách quản lý rủi ro riêng. “Ngân hàng nào kiểm soát được rủi ro, có gắn camera theo dõi thì cho phép rút 5 triệu đồng; có ngân hàng cho được rút 7 triệu đồng; nhưng cũng có ngân hàng chỉ cho rút 3 triệu đồng... Điều này tùy vào trình độ quản lý rủi ro của mỗi ngân hàng”, vị lãnh đạo này nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ ngân hàng khẳng định: “Chắc chắn không có sự điều chỉnh hạn mức rút tiền xuống. Chúng tôi sẽ theo sát việc này”.

“ Để giải quyết sự cố trục trặc và hết tiền ở các cây ATM đang được phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua thì Việt Nam nên học tập nước ngoài, họ có các công ty tiếp quỹ cho các cây ATM .Các công ty này không chỉ làm cho một ngân hàng mà làm cho nhiều ngân hàng. Các ngân hàng tự góp cổ phần vào công ty tiếp quỹ. Khi các cây ATM hết tiền hoặc trục trặc, công ty tiếp quỹ sẽ cập nhật và bổ sung quỹ. Lúc đó, việc khắc phục lỗi hết tiền sẽ hiệu quả hơn” , ông Tuân nhấn mạnh.

Được biết, NHNN cũng đã tiếp nhận ý kiến từ phía Hiệp hội thẻ VN và đang trong quá trình xem xét để thành lập cty cổ phần tiếp quỹ. Ông Tuân khẳng định: “Để việc thành lập các công ty tiếp quỹ hiệu quả, không nên ra các mệnh lệnh hành chính mà phải để cho thị trường tự thúc đẩy ”.

Thảo Nguyên

Từ khóa: