Để chủ động tìm đầu ra cho nông sản, không ít địa phương đã sẵn sàng phương án tiêu thụ, nhất là liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Cú hích từ dịch COVID-19 đã khiến nông sản Việt dần được phổ biến trên nền tảng mua sắm trực tuyến, cũng như sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Nông dân ngoài vai trò sản xuất, đã tận dụng các kênh truyền thông sẵn có để bán được sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, dần hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến bàn ăn".
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), từ những tháng đầu năm 2022, các Sở ban ngành liên quan tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Cần Thơ… đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản trên TMĐT. Những tỉnh, thành phố này cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong kết nối sở, ngành địa phương với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Vai trò của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là phối hợp để kết nối các tỉnh thành với những sàn TMĐT lớn tại Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 6 hàng năm là thời điểm nông sản Việt đồng loạt bước vào mùa vụ thu hoạch ở nhiều địa phương trên cả nước. Để chủ động tìm đầu ra cho nông sản, nhiều địa phương đã sẵn sàng phương án tiêu thụ, nhất là liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương dần quen thuộc với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu như vận hành, logistics. Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng tự thân vận động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Mặt khác, sự kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng đã và đang trở thành "chìa khóa" hiện thực hóa mô hình nông nghiệp hiện tại tại Việt Nam trước tác động của dịch COVID-19 trong thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F, gồm Feed-Farm-Food (từ trang trại đến bàn ăn), với mục tiêu cốt lõi tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và vận chuyển đến tay người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon như khi còn ở trang trại.
Các sàn TMĐT, doanh nghiệp chuyển phát cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con đẩy mạnh tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông sản. Chẳng hạn, hãng chuyển phát J&T Express đã đồng hành cùng nông dân Bắc Giang trong việc hướng dẫn trực tiếp cách livestream bán vải thiều trên mạng xã hội, hỗ trợ thu hái na bở cho người dân xã Liên Khê, góp phần tiêu thụ bưởi và sầu riêng cho các nhà vườn Nha Trang.
Những nỗ lực trong việc hỗ trợ nông sản Việt thông qua liên kết các bên trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến vận chuyển ra thị trường tiêu thụ đã tạo thuận tiện cho bà con nông dân tìm hướng giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào giai đoạn mùa vụ thu hoạch. Đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển còn là khâu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ, thu hoạch và đóng gói hàng hóa theo chuẩn quy định; đảm bảo chất lượng vận chuyển đến tay người tiêu dùng; giúp người nông dân có thể làm chủ giá cả mà không cần thông qua bất cứ đơn vị trung gian nào khác.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, nông dân ngoài vai trò sản xuất, cần tận dụng làn sóng mua sắm trực tuyến qua kênh thương mại điện tử, mạng xã hội... sẵn có để bán được sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, thức đẩy hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến bàn ăn."
Tuy nhiên để mô hình này có duy trì lâu dài và phát triển bền vững không, thì người nông dân cũng rất cần những giải pháp toàn diện; trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp, đơn vị chuyển phát nhanh và sàn thương mại điện tử, cùng với chính quyền địa phương.
Bảo Anh/ KTĐU