Tối ngày 27/9, tại Sân Chung cư CT7 Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông tổ chức Chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành chế biến nông sản năm 2024”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành chế biến nông sản năm 2024”
Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo ông Hoàng Minh Lâm - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (IDC Hanoi) cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.
Các đại biểu tham quan các gian hàng
Với mong muốn xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thiết thực, phát triển bền vững; trong những năm qua Thành phố Hà Nội luôn quan tâm và chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các sở, ngành khác tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng với các doanh nghiệp, người tiêu dùng như: kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững; sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế...
Chế biến nông sản là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hiện nay, Hà Nội có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 400 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Hằng ngày, các cơ sở này cung cấp một lượng lớn thực phẩm đã qua chế biến cho người tiêu dùng.
Cùng với việc đầu tư công nghệ chế biến sâu, doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quy trình sản xuất. Hiện tại, công nghiệp chế biến nông sản đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, đóng góp không nhỏ trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Sự kiện diễn ra đến hết ngày 29/9/2024 với quy mô 80 gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm thuộc ngành chế biến nông sản khác nhau đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội.
Người tiêu dùng mua nông sản tại chương trình kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành chế biến nông sản năm 2024
Chương trình sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, sự kiện hứa hẹn mang đến cho các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thể hiện sự đồng hành của TP. Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
PV
Theo KTDU