Sáng 15- 9, tại xã Sơ Pai (huyện K’Bang, Gia Lai), Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, UBND huyện Kbang cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienviet Postbank) tổ chức “Lễ khởi công tài trợ trồng cây mắc ca tại huyện K’Bang và tập huấn canh tác cây mắc ca”.
Tham dự có ông Huỳnh Ngọc Huy- Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Nguyễn Lân Hùng, GS. Hoàng Hòe- Phó Chủ tịch Hiệp hội...
Hướng dẫn trồng cây mắc ca
Tại đây, đại diện Lienviet Postbank cam kết tài trợ chi phí ban đầu gồm giống và phân bón, hệ thống nước tưới cho người dân trồng mắc ca trong 2 năm đầu với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng, bắt đầu từ năm thứ 3, người dân sẽ được vay vốn ưu đãi (5 năm sau mới phải trả) để tiếp tục chăm sóc vườn mắc ca. 3 năm sau khi xuống giống, mắc ca cho thu hoạch. Lúc này, Hiệp hội sẽ ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân, đồng thời trong tương lai gần sẽ xây dựng nhà máy chế biến mắc ca tại Gia Lai. Trước mắt, khoảng 100 hộ dân Ba Na sẽ được hỗ trợ trồng 100ha với 1 vạn cây giống.
Theo ông Nguyễn Lân Hùng: Cả nước chỉ có 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển cây mắc ca. Riêng vùng đất Tây Nguyên được thiên nhiên ưu ái với đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp để trồng cây mắc ca cho năng suất cao. Tuy nhiên, lâu nay nhiều hộ dân, nhất là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo, kinh tế vẫn rất khó khăn. Theo đó việc phát triển mắc ca nơi đây là hoàn toàn hợp lý, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
GS Nguyễn Lân Hùng đang chia sẻ kinh nghiệm trồng mắc ca
Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, tổng diện tích trồng cây mắc ca tại Tây Nguyên là 6.490ha, trong đó trồng thuần chỉ có 550ha, diện tích còn lại 5.940ha trồng xen gắn với xây dựng 6 cơ sở chế biến công suất từ 100- 200 tấn/năm/cơ sở.
Được biết vào giữa năm 2016, tại Đà Lạt, Lienviet Postbank và Công ty Cổ phần Him Lam đã cam kết dành trên 11.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Trước đó (năm 2015), Lienviet Post Bank nhận định, trong vòng 5 năm tới ngân hàng này sẽ đầu tư cho Tây Nguyên khoảng 22.000 tỷ đồng cho nông dân để phát triển khoảng 250.000 ha cây mắc ca.
Đăng Lâm
Theo Nông nghiệp Việt Nam