Trong lịch sử loài người, đã có lúc người ta dùng lông chim và vỏ sò làm tiền, chỉ vì đơn giản là có đủ niềm tin được đặt vào đó.
Nguồn ảnh: CoinDesk
Bài viết thể hiện quan điểm của James Rickards, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Các cuộc chiến tranh tiền tệ" (Currency Wars), được đăng trên trang Daily Reckoning.
Trong lịch sử tiến hóa của loài người, lông chim và vỏ sò đã từng được coi tiền bạc. USD và euro là tiền. Vàng và bạc chắc chắn cũng là tiền. Bitcoin và các đồng tiền ảo (còn gọi là tiền mật mã) cũng có thể được coi là tiền.
Người ta hay nói rằng một số loại tiền, chẳng hạn như Bitcoin hoặc USD, không được đảm bảo bởi bất cứ điều gì.
Nhưng điều đó không đúng. Chúng được đảm bảo bởi một điều: sự tin tưởng.
Nếu bạn và tôi tin rằng một thứ gì đó là tiền bạc và chúng ta cùng đồng ý rằng đó là tiền, thì nó sẽ là tiền. Tôi có thể gọi một cái gì đó là tiền, nhưng nếu không ai khác trên thế giới muốn nó, thì nó không phải là tiền. Điều đó cũng tương tự với vàng, USD và tiền ảo.
Các chính phủ có lợi thế trong việc này, bởi vì họ yêu cầu bạn phải nộp thuế bằng tiền của họ. Nói một cách khác, các chính phủ tự tạo ra nguyên nhân tồn tại cho đồng tiền của họ phát hành, bằng cách đe dọa phạt người dân với hình phạt nếu không đóng thuế bằng loại tiền do chính phủ phát hành.
Tại Mỹ, đồng USD có một sức mạnh độc quyền vì người dân Mỹ phải đóng thuế cho chính quyền liên bang bằng đồng tiền này. Theo John Maynard Keynes và nhiều nhà kinh tế khác, khả năng của nhà nước trong việc áp đặt phải nộp thuế bằng một loại tiền tệ nhất định là điều tạo ra giá trị nội tại cho đồng tiền đó. Lý thuyết này nói rằng người Mỹ xem đồng USD là có giá trị bởi vì họ phải sử dụng chúng để đóng thuế, nếu không muốn đi tù.
Những dạng tiền ảo như Bitcoin có hai đặc điểm chính. Thứ nhất là chúng không được phát hành hoặc kiểm soát bởi bất kỳ ngân hàng trung ương hoặc cơ quan điều tiết đơn lẻ nào. Chúng được tạo ra theo các thuật toán máy tính, và được phát hành cũng như truyền tải qua một mạng lưới phân tán sử dụng mã nguồn mở.
Bất kỳ máy chủ nào có lưu trữ sổ cái hoặc sổ đăng ký tiền ảo cũng có thể bị phá hủy, nhưng sự tồn tại của đồng tiền này sẽ tiếp tục tồn tại trên các máy chủ khác trên toàn thế giới và có thể nhanh chóng được nhân rộng. Bạn không thể phá hủy một loại tiền ảo bằng cách tấn công bất kỳ node (điểm) hoặc nhóm node nào.
Tính năng thứ hai của tiền ảo là sự mã hóa. Chúng ta có thể quan sát các giao dịch diễn ra trong cái gọi là chuỗi khối (blockchain), một dạng sổ cái tổng hợp lại tất cả các đơn vị tiền tệ và giao dịch từng xảy ra.
Nhưng danh tính của các bên giao dịch được ẩn đi nhờ những mật mã hầu như không thể phá vỡ được. Chỉ có các bên tham gia giao dịch mới có các "chìa khóa" cần thiết để giải mã thông tin có liên quan trong chuỗi khối. Điều này không có nghĩa rằng tiền ảo là tuyệt đối an toàn. Nhưng nhìn chung, hệ thống tiền ảo hoạt động khá tốt và đang phát triển nhanh chóng.
Cũng cần phải chỉ ra rằng USD cũng là một dạng tiền ảo, có điều là nó được phát hành bởi một ngân hàng trung ương là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong khi Bitcoin được tư nhân phát hành. Hầu hết các giao dịch bằng USD đều được tiến hành thông qua các hệ thống kỹ thuật số.
Tại Mỹ, người ta có thể thanh toán hóa đơn trực tuyến, trả tiền bằng thẻ và nhận tiền gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, tất cả đều dùng tới kỹ thuật số. Các giao dịch này được mã hóa bằng các kỹ thuật giống như của Bitcoin.
Sự khác biệt ở đây là việc sở hữu các đồng USD kỹ thuật số được chứng nhận bởi các định chế đáng tin cậy như ngân hàng, công ty môi giới và công ty phát hành thẻ tín dụng. Trong khi đó, quyền sở hữu Bitcoin là điều mà chỉ có người dùng mới biết, và được ẩn sau mã chuỗi khối.
Sự tồn tại của Bitcoin và những loại tiền ảo khác đưa ra những thách thức nhất định đối với hệ thống tiền tệ hiện tại. Có một vấn đề là giá trị tính bằng của bitcoin luôn biến động không ngừng. Giá Bitcoin đã tăng từ khoảng 100 USD lên 3.300 USD trong vài năm qua.
USD cũng dao động so với các loại tiền tệ khác như đồng euro. Nhưng những dao động này là rất nhỏ, và không có chuyện tăng hay giảm tỷ giá tới 100 USD/ngày.
Một giải pháp tiềm năng cho vấn đề biến động giá Bitcoin là kết nối giá Bitcoin với giá vàng theo một tỷ lệ cố định. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng thuận trong cộng đồng Bitcoin, cũng như cần một nhà tài trợ sẵn sàng tạo ra một thị trường vàng vật chất theo giá trị đã được thỏa thuận trong Bitcoin.
Loại Bitcoin được hậu thuẫn bằng vàng này có thể trở thành một đồng tiền dự trữ, đặc biệt nếu nó được hỗ trợ bởi các cường quốc vàng như Nga và Trung Quốc. Cả 2 nước này đều đang tìm cách thoát khỏi hệ thống tài chính quốc tế quá dựa vào đồng USD như hiện nay, và điều này sẽ ngày càng cấp bách khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga và ra tín hiệu về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Bá Ước
Theo Nhịp cầu đầu tư