Trở lại Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), một vùng rừng nguyên sinh nổi tiếng với hi vọng về những điều chỉnh trong cách ứng xử với thiên nhiên, chúng tôi lại gặp nỗi lo mới trước khi khu rừng này mở cửa trở lại vào cuối năm 2012 và chính thức đưa vào hoạt động các dịch vụ du lịch dịp 30-4-2013.
Trở lại Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), một vùng rừng nguyên sinh nổi tiếng với hi vọng về những điều chỉnh trong cách ứng xử với thiên nhiên, chúng tôi lại gặp nỗi lo mới trước khi khu rừng này mở cửa trở lại vào cuối năm 2012 và chính thức đưa vào hoạt động các dịch vụ du lịch dịp 30-4-2013.
Theo xe chuyên dụng của vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM), vượt qua hai lần barie chúng tôi mới vào được công trường làm đường lên đỉnh Bạch Mã. Ông Đặng Tỵ, phó giám đốc VQGBM, cho hay con đường lên đỉnh núi làm từ thời Pháp chỉ rộng 4,5m, lâu nay chỉ cho phép một chiều ôtô lên hoặc xuống, hiện đang mở rộng ra 6m. Khi hoàn thành có thể cho phép lưu hành xe tải trọng 13 tấn hoặc hai xe khách 30 chỗ đi ngược chiều có thể tránh nhau.
Để làm tuyến đường này, đơn vị thi công phải đào hàng chục vạn mét khối đất đá, chủ yếu là bạt taluy dương vào phía vách núi 1-3m. Chọn giải pháp bạt núi, theo ông Tỵ, có giá rẻ hơn nhiều lần so với mở ra phía taluy âm, vì phải xây nhiều kè cao, tốn kém và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, giải pháp này lại làm mất nhiều rừng. Cho đến nay, VQGBM vẫn chưa tính được diện tích rừng và lượng cây gỗ bị đốn hạ để làm đường. Mặt khác, sau khi làm xong, các mái taluy sẽ còn tiếp tục sạt lở trong vòng ít nhất năm năm mới có thể ổn định.
Ông Đặng Tỵ thừa nhận hoạt động của rất nhiều phương tiện cơ giới, tiếng nổ mìn phá đá và việc tập trung nhiều công nhân ở lại ngày đêm với lượng rác thải không nhỏ… đã tác động đến sinh cảnh các loài thú rừng. Nhưng vì việc mở đường là cần thiết nên phải làm.
Ông Huỳnh Văn Kéo, giám đốc VQGBM, cho biết sau khi công trình hoàn thành sẽ có đánh giá tác động và thiệt hại của việc làm đường. Song ông Kéo cho rằng theo quy luật sinh tồn thì hễ có tiếng ồn là thú bỏ đi, hết ồn sẽ quay lại bởi những nơi thú xuất hiện là những chỗ chúng đã thích nghi. “So với hơn 37.000ha (tổng diện tích vùng lõi) thì phần ảnh hưởng là không đáng kể, do đó không phải lo lắng lắm” - ông Kéo nói.
Hệ thống biệt thự trên núi sau ba năm đóng cửa đã trở nên hoang tàn. Ngôi nhà bát giác ở Hải Vọng đài - nơi ngắm cảnh của du khách trên đỉnh núi, được cải tạo thành ngôi chùa từ hai năm trước, bây giờ đã có sự thay đổi. Thầy An giữ chùa cho biết các tượng nhỏ và toàn bộ ảnh chụp cảnh “Phật hiển linh” đã được tháo xuống đưa đi nơi khác, bên trong còn lại ba tượng Phật lớn bằng đá và một chiếc chuông. Các bia và tượng đá, chuông đồng được dựng vào năm 2009-2010 ở đỉnh núi vẫn còn tại vị trí cũ.
Ông Đặng Tỵ cho hay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không chấp nhận việc xây chùa ở Hải Vọng đài, cho dù nhà chùa đã đầu tư một số hạng mục tại đây. VQGBM đã yêu cầu nhà chùa chuyển đi nơi khác nhưng chưa có chỗ nên vẫn chưa chuyển được. Theo định hướng quy hoạch phát triển du lịch Bạch Mã, ngoài chùa Bạch Vân ở km18+700 đã xây dựng từ xưa, vườn sẽ dành thêm đỉnh núi ở độ cao 1.400m cho các hoạt động tâm linh.
Với vốn liếng 50 phòng khách sạn đã xuống cấp nặng nề, hạ tầng du lịch của Bạch Mã hiện nay xem như trở về con số 0. Ông Nguyễn Vũ Linh, phó giám đốc phụ trách du lịch của VQGBM, cho biết đang tìm cách đầu tư hạ tầng và cải tạo chất lượng dịch vụ để xây dựng thương hiệu du lịch Bạch Mã mang màu sắc mới. Trước mắt, bằng sự hỗ trợ của một đối tác đến từ Pháp, vườn đang bố trí ở chân núi và một số điểm trong rừng một hệ thống mô hình vui chơi giải trí ngoài trời và trên không nhằm giảm bớt phần nào sự đơn điệu trước đây.
Ông Linh cho biết nhiều nhà đầu tư đã đến Bạch Mã tìm hiểu nhưng không đầu tư. Một số người cho rằng đầu tư ở đây rủi ro cao, do thời tiết 7-8 tháng mưa gió và độ ẩm cao, một số đưa ra ý kiến Bạch Mã nên để nguyên sơ mà khai thác như trước đây. “Vườn sẽ tổ chức hội thảo về khai thác du lịch Bạch Mã với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, để khỏi bị hiểu nhầm là vườn quốc gia đang độc quyền khai thác du lịch” - ông Linh nói.
Theo ông Kéo, nhiệm vụ chính của Bạch Mã là bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Do đó, vườn đang quy hoạch phát triển du lịch theo hướng sinh thái cao cấp, không phá vỡ cảnh quan, thân thiện với môi trường, trên cơ sở phát huy các giá trị hiếm có của vườn, phối hợp với văn hóa bản địa của người Cơ Tu trong khu vực. Việc phát triển ngôi chùa nhằm kết hợp với văn hóa tâm linh để có thể đa dạng hóa loại hình du lịch.
“Nếu chỉ kinh doanh du lịch sinh thái thôi thì không phải ai cũng muốn” - ông Kéo nói. Về dự án xây dựng cáp treo từ thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã lên đỉnh núi, ông Kéo cho rằng nếu giải pháp thi công không tác động đến đa dạng tài nguyên rừng thì cứ làm.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng VQGBM vẫn đang lúng túng trước câu hỏi: đón nhiều khách hay thu nhiều tiền? Theo PGS.TS Bùi Thị Tám (trưởng khoa du lịch Đại học Huế), Bạch Mã là một thứ thiên nhiên quý hiếm nên phải khai thác theo hướng du lịch cao cấp, không thể đón khách theo kiểu ồ ạt.
Bà Tám nói mở rộng con đường lên đỉnh Bạch Mã là cần thiết, tuy nhiên nỗi lo là “hậu con đường” cũng như dự án cáp treo đang kêu gọi đầu tư. Nếu không có nhiều sản phẩm để chia sẻ du khách cho các điểm tham quan thì khách lên núi sẽ nườm nượp và phá hỏng Bạch Mã.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hàng Quý, giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hương Giang (Huế), cho rằng Bạch Mã khác hẳn Bà Nà (khu bảo tồn thiên nhiên thuộc TP Đà Nẵng) nên không thể đón khách lên núi, vào rừng một cách ồ ạt.
Theo ông Quý, chỉ có thể khai thác Bạch Mã theo hướng vẫn có khu vực dành cho cộng đồng, nhưng khu vực bảo tồn thì dành cho loại khách thật sự yêu thích thiên nhiên và có chuyên môn về rừng. Đó là những tour thám hiểm, xem thú rừng, ngắm chim, nghe chim hót… với giá cao, mang lại hiệu quả lớn. Ông Quý cho biết các tour đặc biệt này đang được nhiều khách mua. Ông nói: “Nếu du khách lên núi ồ ạt, chim thú đi hết thì Bạch Mã chỉ còn là một điểm nghỉ mát đơn thuần. Đánh đổi như vậy thì Bạch Mã sẽ mất trong đau đớn!”.
Tháng 9-2010, chúng tôi đã thâm nhập công trường làm đường lên đỉnh Bạch Mã (lúc ấy đã đóng cửa gần hai năm để làm đường) và chứng kiến nhiều cảnh khiến các nhà chuyên môn lo lắng. Việc mở tuyến đường phải nổ mìn phá đá ở rất nhiều nơi, kể cả ở chân những con thác tuyệt đẹp, chặt bỏ hàng chục cây thông cổ thụ gần trăm năm tuổi và rất nhiều diện tích rừng già, phá bỏ và xâm lấn một số vết tích biệt thự cổ...
Đặc biệt là Hải Vọng đài, một ngôi nhà nằm ở điểm cao lý tưởng nhất để quan sát, ngắm cảnh bị biến thành chùa và treo đầy những bức ảnh mang tính tuyên truyền mê tín... Sau bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 29-7-2010 (Tan nát vườn quốc gia Bạch Mã), có rất nhiều phản hồi của các nhà chuyên môn và người dân lo lắng trước nguy cơ tổn thương, thậm chí bị đánh mất giá trị của vườn quốc gia này.
|
Theo Datviet