Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi đang bị lỗ vốn quá lớn, thậm chí không còn khả năng trả nợ do giá thực phẩm, gia cầm xuống thấp kỷ lục trong thời gian gần đây, ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ cho biết.
Để hỗ trợ cũng như khuyến khích các hộ nông dân và doanh nghiệp (DN) tiếp tục sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Sơn đưa ra 6 kiến nghị trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp ngày 17/5.
Lỗ quá lớn, nhiều hộ chăn nuôi tìm đến đường cùng bằng việc tự tử. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Theo ông Sơn, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân, Chính phủ nên khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân; đồng thời hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hiện tại, một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, VCCI vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm.
Cũng liên quan đến vấn đề đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi, ông Sơn kiến nghị Chính phủ huy động các DN lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo ông Sơn, hành động này cũng sẽ giúp xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp. Việt Nam vốn có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, và có tiềm năng xây dựng thương hiệu quốc gia vì có gần 70% dân số làm nông nghiệp.
Tuy nhiên để có thể kiểm soát và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hướng đến thực phẩm siêu sạch, bảo vệ sức khỏe con người và hướng đến xuất khẩu ra thế giới, Chính phủ nên có chính sách quy hoạch chăn nuôi, cấp phép kiểm soát chất lượng đầu vào - đầu ra của người trồng lúa, ngô, đậu, sắn, rau củ quả... Như vậy sẽ tránh được tình trạng nguyên liệu ngô có thuốc trừ cỏ, sắn bị mốc, lúa nhiễm kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Xét về vùng nguyên liệu, ông Sơn cho rằng cần phải xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, sắn, dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thú y..., để giảm thiểu nhập khẩu.
Bởi, tính riêng các mặt hàng trên, Việt Nam đang nhập khẩu gần 6 tỷ USD/năm trong khi diện tích đất đồi núi lớn, đất trống còn nhiều, bờ biển dài, thuận lợi trong phát triển và xuất khẩu thủy sản. Vì vậy, Chính phủ nên dành nguồn kinh phí cho các dự án khả thi trên, đây là lợi thế của Việt Nam, đặc biệt Chính phủ nên lập các dự án mang tầm cỡ quốc gia cho các DN kết hợp với các trường ĐH Nông nghiệp đảm nhận, ông Sơn cho biết.
Ngoài ra, Chính phủ nên hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại. Hiện nay, những người làm trang trại được vay vốn rất ít và chỉ được giao trong thời gian ngắn nên dù nhiều DN lớn muốn dầu tư vào ngành chăn nuôi nhưng sợ rủi ro nên họ không đầu tư.
Kim Dung
Theo Kinh tế & Tiêu dùng