Những chiếc ấm nhỏ màu đất không tráng men cùng những đường chạm khắc tinh xảo thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên. Đó chính là tử sa – loại ấm trà có giá đắt đỏ bậc nhất ở Trung Quốc.
Tử sa là nguyên liệu để làm ra chiếc ấm có giá đắt đỏ bậc nhất tại Trung Quốc. Mặc dù tử sa có nghĩa là cát tím trong tiếng Trung, nhưng nguyên liệu thô này không phải là một loại cát hay đất tự nhiên mà là một loại khoáng chất đặc biệt. Loại khoáng chất này đã sớm được tìm thấy và sử dụng tại Nghi Hưng, Giang Tô, Trung Quốc, vì vậy một ấm trà tử sa được làm từ nguyên liệu khai thác tại nơi này được coi là chiếc ấm nguyên bản nhất. Tất nhiên, loại khoáng sản này không chỉ có ở Nghi Hưng mà còn phân bố rộng rãi ở vùng Trường Hưng, Chiết Giang, thậm chí còn tìm thấy trữ lượng dồi dào ở tận Đông Bắc Trung.
Tại Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, việc làm ấm đất được nâng lên một cấp độ rất cao, vượt trội so với những thể loại ấm đất khác và định hình nên một ấm ngày nay gọi là ấm tử sa, hay ấm tử sa nghi hưng. Ấm tử sa Nghi Hưng bắt đầu lịch sử từ thế kỷ 15, phát triển rực rỡ trong thời kỳ nhà Thanh và đến tận ngày nay. Danh tiếng được xây dựng giựa trên 2 yếu tố:
Đất tử sa ở vùng Nghi Hưng là loại đất đặc biệt, đa dạng có thành phần phức tạp. Kết hợp với cách làm đất và phối trộn khôn ngoan, đã tạo nên phôi đất mềm, mịn, dễ tạo hình và chịu được nhiệt độ nung cao.
Kỹ thuật làm ấm tử sa điêu luyện của những người thợ tại đây. Từ kỹ thuật sử lý đất, đến kỹ thuật làm lò và nung. Nhưng đặc biệt và được đánh giá cao nhất vẫn là sự khéo léo trong việc tạo hình chiếc ấm bằng phương pháp nặn, đập, không dùng bàn xoay, thực sự đạt đến vẻ đẹp như một nghệ sỹ bậc cao.
Đồ gốm tử sa đặc biệt hơn so với những loại đồ gốm thông thường. Sau khi các khoáng chất được khai thác, những người thợ gốm cần phải phơi chúng dưới trời nắng và nghiền chúng thành bột, sau đó biến chúng thành dạng đất sét. Những khối đất sét này cũng cần được lưu trữ trong một thời gian sau đó mới có thể làm đồ gốm sứ. Nguyên liệu thô độc đáo mang đến cho ấm tử sa một lợi thế mà các đồ gốm sứ khác không có, đó là giữ được mùi thơm rất lâu. Vì vậy, ngoài dùng làm ấm trà, Tử sa còn được dùng để làm chén uống trà Gaiwan.
Trong quá trình nung, khí được tạo ra trong đất sét sau đó hình thành các bong bóng có kích thước khác nhau. Một số trong số những bong bóng đó kết nối lại với nhau và tạo thành các đường vân trong ấm trà. Sau khi nguội đi, có rất nhiều lỗ nhỏ bên trong được hình thành.
Ngày nay, những chiếc ấm tử sa vẫn được áp dụng các kỹ thuật nguyên bản vốn được sử dụng ở Trung Quốc từ thế kỷ 14. Một ấm trà tử sa phổ thông có giá khoảng 150 USD nhưng những chiếc được làm cầu kỳ có thể lên đến 90.000 USD (khoảng 2 tỷ VND). Ấm trà tử sa đắt nhất đang thuộc về một chiếc ấm dáng thạch biều của Gu Jingzhou, sản xuất năm 1948. Được định giá lên đến 500.000USD và đã được gõ búa mở mức giá 2 triệu USD (sàn đấu giá Artron), 2010.
Gu Jingzhou là bậc thầy làm ấm nổi tiếng nhất thời hiện đại, ấm được chế tác với bản khắc thư pháp của Wu Hufan, và các bức chạm cành tre do nghệ sĩ Jiang Handing thực hiện. Đây là một tác phẩm của 3 bậc thầy về làm ấm tử sa, thư pháp và hoạ sỹ thuỷ mặc.
Hương Trà
Theo Kinh tế & Đồ uống